Đào tạo trực tuyến: Tháo gỡ rào cản - khai thác tiềm năng

GD&TĐ - Tuần đầu 2018, Trường ĐH Mở TPHCM đã chính thức ra mắt chương trình đào tạo trực tuyến với 9 ngành học. Điểm nổi bật của chương trình là sinh viên có thể yêu cầu được cấp các chứng chỉ nghề nghiệp trong quá trình học và chứng chỉ này có thể sử dụng phục vụ cho công việc trong thời gian chờ kết thúc khóa đào tạo.

Thời gian học tập trực tuyến linh hoạt và chủ động (Ảnh: FUNiX)
Thời gian học tập trực tuyến linh hoạt và chủ động (Ảnh: FUNiX)

Chưa khai thác hết tiềm năng

Mặc dù có những chuyển động khởi sắc nhưng theo các chuyên gia giáo dục trực tuyến, thị trường này ở Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Số trường ĐH tổ chức đào tạo trực tuyến chưa nhiều và học viên theo học còn hạn chế.

TS Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội cho biết mặc dù đạt được số lượng học viên theo học khá cao nhưng con số 7.000 vẫn là ít. Ở các nước hiện nay, như Malaysia, đào tạo ĐH mở đang thu hút cả triệu người. Theo khảo sát của Học viện trực tuyến Unica, hiện chỉ có 8% các công ty đang sử dụng các giải pháp học tập trực tuyến, 7% các công ty đang thử nghiệm mô hình này. FUNiX chỉ giới hạn trong chuyên môn ngành công nghệ thông tin với hơn 1.000 học viên tham gia.

Ông Nguyễn Trí Hiển, chuyên gia nghiên cứu giáo dục trực tuyến nhận định: các công ty giáo dục trực tuyến ở Việt Nam phát triển một cách tự phát. Vì thế, trong 3 năm trở lại đây, dù chứng kiến nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường nhưng chỉ là yếu tố “lượng”, “chất” vẫn thiếu. Phần lớn các chương trình tại Việt Nam vẫn tập trung vào phần luyện thi đại học, luyện tiếng Anh hay các khóa học về kỹ năng mềm. Cách làm của doanh nghiệp giống nhau, dẫn đến việc đi vào lối mòn dạy và học...

Còn đó những rào cản

Các nhà đầu tư vẫn còn không ít e ngại khi tham gia lĩnh vực đào tạo trực tuyến. Ông Nguyễn Thành Nam, người sáng lập FUNiX, cho rằng, đầu tư vào giáo dục trực tuyến hiện nay là bài toán chưa rõ chi phí.

TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây cũng nhìn nhận việc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục trực tuyến hiện cũng không đơn giản, chi phí sản xuất cho mỗi bài giảng lên đến vài chục triệu đồng nhưng chỉ thu lại tầm 300.000 đồng. Rất nhiều nhà đầu tư đã bỏ vài triệu USD vào lĩnh vực này nhưng vẫn chưa hái được trái ngọt.

Trong khi đó, hệ thống giáo dục trực tuyến đòi hỏi cơ sở dữ liệu lớn, an ninh mạng bảo mật, đường truyền tốc độ cao và đội ngũ hỗ trợ vận hành đông đảo. Không phải tổ chức nào cũng có đủ nhân lực, vật lực và tài lực để xây dựng cũng như vận hành...

Nhưng khó khăn nhất là những rào cản về tư duy. TS Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội từng nhận định: Trước đây mọi người hiểu về học tập suốt đời chưa đầy đủ, cứ nghĩ là học chỉ để giải quyết công việc, để bổ nhiệm hay làm gì đó…

Đào tạo trực tuyến nói riêng, đào tạo từ xa nói chung đòi hỏi Chính phủ cần có chính sách và giải pháp liên bộ, ngành để giúp đạt được vai trò và vị trí trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo báo cáo tại Diễn đàn hàng đầu châu Á về công nghệ giáo dục Edtech Asia Summit 2016, có 50% trong tổng số hàng trăm triệu sinh viên đại học ở châu Á sẽ theo học các khóa trực tuyến trong 10 năm tới, với các trường đại học top đầu tham gia cung cấp các khóa học và chất lượng tương tự hoặc thậm chí tốt hơn các chương trình truyền thống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.