Đào tạo trái phép: Cái giá của “ăn xổi ở thì”

GD&TĐ - Đào tạo “chui” hàng nghìn sinh viên ngành Dược khi chưa đủ điều kiện tổ chức đào tạo liên thông, Bộ GD&ĐT yêu cầu Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội dừng các hoạt động đào tạo liên thông sai quy định.

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Mua danh một vạn, bán danh ba đồng

Theo GS.TS.VS Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc tuyển sinh, đào tạo của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sai ở đâu phải xử lý đến đó. Mức độ xử lý sẽ căn cứ vào các chế tài được quy định trong Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và văn bản pháp luật hiện hành.

Thực hiện quyền tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển sinh, điều này đồng nghĩa các trường phải tự chịu trách nhiệm, giải trình với người học và xã hội. “Nếu chưa đủ điều kiện đào tạo mà tổ chức tuyển sinh đào tạo là sai. Cái gì trái với quy định phải xử lý thật nghiêm” - GS.TS.VS Đào Trọng Thi nói.

Nhân sự việc này, GS.TS.VS Đào Trọng Thi đề xuất, cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật. Phải có chế tài xử lý khi phát hiện sai phạm, nếu chưa có hoặc có nhưng chưa chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn thì sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện. Tự chủ đại học nhưng không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Tự chủ phải trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Cho rằng, người học phải tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, GS.TS.VS Đào Trọng Thi nhấn mạnh: Không có chuyện Nhà nước “bao cấp” mãi từ cách nghĩ cho đến cách làm. Quyền lựa chọn và quyết định thuộc về người học. Người học chọn sai, không có nghĩa là Nhà nước phải lo toàn bộ. Nhà nước tuyên truyền để người học hiểu và đưa quyết định lựa chọn cho mình. Khi đã quyết định thì phải có trách nhiệm về việc làm đó.

Với trường hợp đào tạo liên thông ngành Dược của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội như báo chí đã phản ánh, GS.TS.VS Đào Trọng Thi trao đổi: Nếu đó là sự thật thì lỗi thuộc về nhà trường và phải xử thật nặng để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Thương hiệu nhà trường gắn liền với chất lượng đào tạo. Để có được thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu càng khó gấp bội. Chỉ vì lợi ích trước mắt, nhà trường có thể sẽ bị mất tả cả. Đó là cái giá phải trả khi “ăn xổi ở thì”.

Tân sinh viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ làm thủ tục nhập học khóa 2020.
Tân sinh viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ làm thủ tục nhập học khóa 2020.

Bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho sinh viên

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: Sự việc tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nếu đúng như những gì báo chí phản ánh và sinh viên kiến nghị thì lỗi thuộc về nhà trường. Nhà trường phải nhận khuyết điểm và khắc phục hậu quả. Tùy theo mức độ sai phạm, để đưa ra mức xử lý.

“Qua đây càng khẳng định, rất cần sự công khai, minh bạch trong đào tạo. Tự chủ cũng phải có khuôn phép” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói, đồng thời nhấn mạnh: Nếu các trường không tôn trọng pháp luật sẽ phải nhận hậu quả, thậm chí là đang tự hạ thấp uy tín của mình. Không riêng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trường nào sai phạm, Hiệp hội đều có nhắc nhở. Trong trường hợp sai phạm nghiêm trọng, Hiệp hội sẽ cân nhắc và có thể khai trừ thành viên vì không xứng đáng.

Theo luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Hà Nội), Quyết định số 18 của Thủ tướng Chính phủ quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, cao đẳng với trình độ đại học, một trong những điều kiện để được phép đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe (trong đó có ngành dược) là cơ sở giáo dục đại học phải bảo đảm điều kiện có ít nhất một khóa sinh viên trình độ đại học hình thức chính quy đã tốt nghiệp.

Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2017, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chưa đủ điều kiện để tổ chức đào tạo liên thông ngành Dược. Bên cạnh đó, việc trường tổ chức thí điểm đào tạo liên thông ngành Dược từ năm 2017 và tổ chức đào tạo tại một số địa phương là không đúng quy định hiện hành.

“Bộ GD&ĐT đã yêu cầu trường này dừng việc tuyển sinh đào tạo liên thông ngành dược, không thực hiện liên kết đào tạo đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề là đúng quy định. Trường hợp sinh viên không được cấp bằng, lỗi hoàn toàn thuộc về nhà trường. Các sinh viên có thể yêu cầu nhà trường bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần trong khoảng thời gian theo học” - luật sư Diệp Năng Bình trao đổi.

Tại buổi họp báo thường kỳ Quý III năm 2020, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin: Sau khi nhận được thông tin liên quan đến tuyển sinh và đào tạo ngành Dược của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và liên kết đào tạo của Trường ĐH Thái Bình, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu các trường báo cáo. Bộ yêu cầu nhà trường dừng hoạt động đào tạo liên thông ngành Dược sai quy định. Thanh tra Bộ chủ trì và phối hợp với Vụ Giáo dục Đại học thực hiện các bước tiếp theo trong xử lý sai phạm. Tinh thần là xử lý nghiêm, đúng quy định. Khi có kết quả sẽ công bố công khai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...