TS. Nguyễn Thị Kim Dung (Viện Nghiên cứu Sư phạm - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) giới thiệu chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm của Nhật Bản, New Zealand; từ đó rút ra những bài học trong đào tạo giáo viên nói chung và đào tạo nghiệp vụ sư phạm ở Việt Nam nói riêng.
Mỗi nước và ngay trong cùng một nước, nội dung chương trình đào tạo giáo viên (ĐTGV) trình độ đại học có thể khác nhau về cấp độ, nhưng đều tập trung vào 4 mảng nội dung cơ bản: Các khóa học chung (đại cương); các khóa học chuyên ngành (môn cơ bản); các khóa học giáo dục; thực tập giảng dạy.
Nhật Bản
Theo TS. Nguyễn Thị Kim Dung, tổng số tín chỉ cho toàn bộ khóa học trong đào tạo giáo viên là 125; trong đó giáo dục đại cương 26 tín chỉ; giáo dục chuyên ngành 54 tín chỉ; môn học giáo dục tự chọn khác (phần lớn thuộc về khoa học giáo dục): 40 tín chỉ; thực tập sư phạm 5 tín chỉ.
Cụ thể những học phần liên quan đến giáo dục chuyên ngành bao gồm những nội dung liên quan đến chuyên môn, đến chương trình dạy học phổ thông và đến nghề dạy học.
Đối với các nội dung liên quan đến chương trình dạy học, sinh viên phải tham gia học đại cương tất cả các môn có trong chương trình dạy ở trường trung học.
Những nội dung liên quan đến nghề dạy học bao gồm 6 học phần: Ý nghĩa của nghề dạy học; các lý thuyết cơ bản về giáo dục; chương trình và phương pháp giảng dạy; hướng dẫn học sinh, tham vấn và tư vấn nghề; luyện tập, thực hành chung; thực tập sư phạm ở trường phổ thông.
Nội dung học phần "Ý nghĩa của nghề dạy học" thường bao gồm những phần về tầm quan trọng của nghề dạy học, vai trò của giáo viên, nội dung nhiệm vụ của người giáo viên (gồm cả đào tạo và duy trì, phát triển nghề,...) và giúp đỡ học sinh lựa chọn nghề nghiệp tương lai một cách phù hợp.
Học phần "Các lý thuyết cơ bản về giáo dục" bao gồm những nội dung: Các lý thuyết giáo dục, lịch sử giáo dục, triết lý giáo dục; sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ và quá trình học tập của trẻ (bao gồm cả sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ có nhu cầu học tập đặc biệt và quá trình học tập của đối tượng này); các vấn đề về xã hội, tổ chức và quản lý giáo dục;
Học phần "Chương trình và Phương pháp giảng dạy" bao gồm những nội dung: Ý nghĩa của chương trình dạy học và phương pháp tổ chức hoạt động dạy học; phương pháp giáo dục đạo đức; phương pháp giáo dục đặc biệt; phương pháp và kĩ thuật dạy học (bao gồm vấn đề sử dụng CNTT vào dạy học);
Học phần "Hướng dẫn học sinh, tham vấn và tư vấn nghề", bao gồm: Các lí thuyết và phương pháp tham vấn giáo dục (gồm kiến thức cơ bản về hoạt động tham vấn); lý luận và phương pháp định hướng nghề (hướng nghiệp).
"Thực hành chung" bao gồm việc sinh viên lựa chọn phân tích, nghiên cứu một số vấn đề phổ biến đối với con người hoặc những vấn đề xã hội Nhật Bản đang phải đối mặt và thực tập sư phạm ở trường phổ thông.
New Zealand
TS. Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Bộ Giáo dục New Zealand không kiểm soát hoạt động đào tạo giáo viên (ĐTGV) thông qua chương trình. Vấn đề giám sát nội dung các chương trình này thuộc trách nhiệm của Hội đồng giáo viên (The Teacher"s Council) và cơ quan sở hữu văn bằng New Zealand (The New Zealand Qualifications Authority).
Những cơ sở đào tạo phải giải trình được nội dung chương trình đào tạo của mình có đảm bảo trang bị đầy đủ được cho học viên theo những thành phần sau hay không:
Kiến thức chuyên môn (bao gồm kiến thức về chương trình dạy học ở phổ thông hiện nay); thực hành chuyên môn; các mối quan hệ chuyên môn; năng lực lãnh đạo trong công tác chuyên môn.
Ví dụ chương trình ĐTGV trình độ đại học của trường Đại học Sư phạm Auckland. Tổng số tín chỉ quy định sinh viên phải hoàn thành tổng cộng 120 (12 modules) bao gồm: Phát triển chuyên môn (2 modules); bồi dưỡng chuyên môn (3 modules); thực tập sư phạm (2 modules).
Ngoài ra, sinh viên cần hoàn thành ít nhất 50 tín chỉ trong các module còn lại của chương trình đào tạo bằng cách có ít nhất 5 trong những modules sau:
Nghệ thuật (Nghệ thuật, Lịch sử nghệ thuật, Âm nhạc, Sân khấu); Khoa học xã hội (Kế toán, Kinh tế, Lịch sử, Địa lý, Nghiên cứu xã hội); Ngôn ngữ (Ngôn ngữ quốc tế, Tiếng Anh, Giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài, tiếng Maori); Toán; Khoa học tự nhiên (Khoa học, Sinh học, Vật lý, Hóa học); Giáo dục thể chất/Giáo dục sức khỏe; Công nghệ (Công nghệ thực phẩm, Vật liệu, Điện tử, Công nghệ thông tin trong dạy học).
Module thực tập sư phạm là một phần không thể thiếu của bằng Cử nhân sư phạm (dành cho giáo viên phổ thông trung học), bao gồm 12 tuần thực tập giảng dạy cộng với các học phần về định hướng và quan sát lớp học trong suốt năm học.
Một số đề xuất đào tạo nghiệp vụ sư phạm ở Việt Nam
TS. Nguyễn Thị Kim Dung nhận định: Trong chương trình ĐTGV của một số nước đều có xu hướng chung là đề cao các nội dung liên quan đến nghề dạy học để giúp giáo viên tương lai hình thành các năng lực sư phạm cần thiết cho nghề nghiệp với khoảng 1/3 thời lượng chương trình ĐTGV.
Các nội dung hướng đến hình thành các năng lực sư phạm được sắp xếp trong các học phần liên quan đến cả chuyên ngành và khoa học giáo dục, trong các học phần tự chọn với tỉ lệ rất cao.
Từ đó, TS. Nguyễn Thị Kim Dung đề xuất nâng tỉ trọng các nội dung đào tạo NVSP đặc biệt là thực tập sư phạm. Tổng thời lượng của chương trình phù hợp với mục tiêu đào tạo - những năng lực nghề nghiệp cần đào tạo cho sinh viên.
Chương trình ĐTGV cần đảm bảo mối quan hệ và tỉ lệ hợp lí giữa khoa học chuyên ngành, khoa học giáo dục và thực tiễn phổ thông trong nội dung đào tạo, định hướng vào nghề dạy học.
Cần nâng tỉ trọng khối kiến thức sư phạm trong tổng số đơn vị học trình/tín chỉ của chương trình đào tạo, ít ra cũng lên mức trung bình của các nước tiên tiến trên thế giới là 25% - 30%, trong đó thực tập sư phạm chiếm khoảng 10%. Tức là tương đương với 1/4 thời lượng - 1 năm dành cho đào tạo NVSP
TS. Nguyễn Thị Kim Dung cũng đề xuất cần mở rộng nội dung đào tạo nghiệp vụ sư phạm hướng vào người học và thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của giáo viên.
“Tri thức nghiệp vụ sư phạm tạo nền tảng cho năng lực hoạt động dạy học và giáo dục của giáo viên. Đó là các kiến thức về phát triển, các lí thuyết học tập và sự nhận thức sâu sắc các yếu tố tác động đến việc thúc đẩy sự tham gia của học sinh vào quá trình học.
Trong các chương trình này, nội dung học tập dành cho sinh viên sư phạm tập trung nhiều vào việc sử dụng các thông tin về học sinh để tạo ra môi trường học tập có hiệu quả cho tất cả học sinh trong lớp học.
Và như vậy, trọng tâm trong đào tạo giáo viên hướng đến việc làm rõ những đặc trưng của người học, đến việc giám sát quá trình học và sử dụng các minh chứng để can thiệp có hiệu quả vào quá trình học của học sinh” - TS. Nguyễn Thị Kim Dung nêu quan điểm.