(GD&TĐ) - Với tổng số tiền gần 320 tỷ đồng đầu tư cho chương trình đào tạo nghề mà tỉnh Bắc Giang triển khai hai năm qua, rõ ràng kết quả đạt được chưa tương xứng. Nhìn tổng thể, mặc dù tỉnh đã ban hành một Đề án đào tạo nghề đến năm 2020 nhưng dường như chương trình đang thiếu một tầm nhìn, một hoạch định có tính chất vĩ mô để phục vụ cho mục tiêu đào tạo nghề trong lao động, nhất là với lao động nông thôn…
Lao động đã qua đào tạo nghề cơ bản ở Bắc Giang chỉ đạt 40,5%, không đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn |
“Đa”, nhưng chưa “tinh”
Tham khảo ý kiến của hầu hết lãnh đạo các trường, trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, chúng tôi thu được một quan điểm khá tương đồng: Đó là khó khăn trong việc thu hút lao động học nghề. Ngoài vấn đề chất lượng đào tạo, trình độ giáo viên và sự đầu tư cơ sở vật chất thấp còn có nguyên nhân là nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp tại địa phương đối với lao động có tay nghề cao không nhiều.
Để tồn tại, hầu hết các trường nghề ở Bắc Giang buộc phải tìm đến hướng đào tạo nghề ngắn hạn bằng cách tự chiêu sinh mở lớp hoặc trở thành “sân sau” cho các trường nghề ngoài tỉnh dưới hình thức liên kết đào tạo. Vấn đề được đặt ra là cơ sở vật chất, trang thiết bị dùng cho giảng dạy được đầu tư từ kinh phí nhà nước và xã hội hoá cho các trường nghề vừa xuống cấp vừa thiếu đồng bộ; Giáo viên có trình độ trong giảng dạy các ngành nghề chuyên biệt đã thiếu lại hao hụt dần; Bên cạnh đó, chính sách thu hút không triển khai được mà cơ chế đặc thù cho các trường nghề lại không có hoặc không được thực hiện.
Thống kê mới đây nhất của Sở LĐ, TB&XH tỉnh Bắc Giang cho thấy hiện toàn tỉnh có 86 cơ sở đào tạo nghề; trong đó chỉ có 2 trường Cao đẳng, 6 trường trung cấp, còn lại 78 đơn vị là trung tâm và cơ sở đào tạo nhỏ. Trong hai năm trở lại đây, toàn tỉnh đào tạo được 53.800 lao động thì chỉ có hơn 4.500 lao động có trình độ trung cấp đến cao đẳng, số còn lại, khoảng 49 nghìn lao động có nghề chỉ ở trình độ sơ cấp và dưới ba tháng.
Điều đáng nói, số lao động này phần lớn do các doanh nghiệp tự đào tạo và sử dụng trong các ngành không đòi hỏi trình độ cao như may mặc, lắp ráp điện tử, chế biến nông, lâm sản, xây dựng… Bên cạnh đó, con số 40,5% lao động đã qua đào tạo (tính đến hết năm 2012) được Sở LĐ, TB&XH tỉnh thống kê chưa nói lên được chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề. Chỉ một nửa trong số đó có việc làm thường xuyên và đúng với ngành nghề được học, số còn lại, hoặc chỉ là lao động thời vụ hoặc không có việc làm ổn định.
Điều chỉnh từ chính nhà quản lý
Nghịch lý ở chỗ, trong khi các trường nghề của tỉnh phải chạy đôn đáo để tìm đầu vào thì hai cơ sở đào tạo nghề trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn là Trường Cao đẳng Công nghiệp và Trường T12 (Bộ Quốc phòng) luôn có đông học viên. Hơn nữa, cũng theo báo cáo của Sở LĐ, TB&XH, một lượng tương đối lớn lao động học nghề cao đẳng lại chọn các trường nghề địa phương khác ở Hà Nội, Hải Dương... để theo học chứ không học trường của tỉnh. Nguyên nhân do các trường trong tỉnh không có "thương hiệu" để thu hút học viên; tính cạnh tranh thấp; điều kiện dạy và học lại thua kém, ra trường khó tìm việc làm trong khi chiến lược thông tin tuyên truyền hầu như không có.
Trước những khó khăn trong triển khai Đề án đào tạo nghề của tỉnh, Giám đốc Sở LĐ, TB&XH Bắc Giang Vũ Hồng Minh thẳng thắn thừa nhận hiện đang có năm vấn đề công tác đào tạo nghề cần khắc phục, đó là: Đầu tư dàn trải; trang thiết bị phục vụ giảng dạy nghèo nàn, chất lượng thấp; trình độ giáo viên chưa cao, thù lao thấp, giáo trình không phù hợp, ít được tiếp cận mô hình đào tạo mới; ngành nghề đào tạo mô phạm, chưa gắn với nhu cầu việc làm, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; các trường nghề, trung tâm đào tạo… tập trung nhiều ở thành thị và vùng phụ cận, ở khu vực nông thôn, miền núi hầu như không có, nếu có thì chất lượng thấp.
Thực tế, những bất cập trong dạy nghề ở Bắc Giang cũng là điểm chung mà rất nhiều địa phương trên cả nước đã và đang phải đối diện. Trước những bất cập của công tác đào tạo nghề cho lao động, rõ ràng cần xem xét trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng cũng như các cơ sở dạy nghề đối với chất lượng đào tạo lao động.
Tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nghề phải bắt đầu từ chính nội tại cơ quan quản lý và thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Cái gì thiết thực thì người lao động mới muốn học, tự nguyện học, chứ không phải là theo định hướng của nhà quản lý hay các cơ sở đào tạo vạch ra. |
Trần Thường – Như Nguyễn