Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cũng còn nhiều bất cập, khi nhân lực được qua đào tạo có tỷ lệ thất nghiệp cao, trong khi các doanh nghiệp lại thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Đào tạo chưa theo kịp nhu cầu
Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho thấy, NSLĐ bình quân hàng năm/lao động trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước đứng ở vị trí thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2014, khi so sánh với các loại hình doanh nghiệp khác.
Khoảng cách về NSLĐ của loại hình doanh nghiệp này với các loại hình doanh nghiệp đang ngày càng nới rộng. Chất lượng đào tạo còn thấp, hoặc đào tạo không phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Tỷ lệ các doanh nghiệp phàn nàn về kỹ năng công nhân được đào tạo tại trường không phù hợp với những kỹ năng mà doanh nghiệp cần rất lớn. 65% chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, những kỹ năng mà trường dạy nghề và trung học chuyên nghiệp đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp phải tự đào tạo hoặc đào tạo lại lao động theo hình thức vừa học, vừa làm.
Đây là yếu tố đáng lo ngại, bởi nó cản trở khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung, bởi loại hình doanh nghiệp ngoài Nhà nước là lực lượng kinh tế có số lượng doanh nghiệp đông nhất.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến NSLĐ của doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn thấp không chỉ do chất lượng lao động thấp, mà còn do môi trường kinh doanh và thể chế kinh tế thị trường ít nhiều còn có sự bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp
Theo PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, lực lượng lao động đã qua đào tạo chuyên nghiệp - trình độ từ cao đẳng trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao, chiếm 27,2% trong tổng số lao động thất nghiệp.
Trong khi, nhóm lao động đã qua đào tạo nghề bao gồm: Sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề hay nhóm lao động chưa qua đào tạo nghề chỉ có tỷ lệ thất nghiệp tương ứng 5,3% và 2,2%. Sở dĩ có tình trạng nêu trên là do nhóm lao động này sẵn sàng làm các công việc giản đơn trong khi những người có trình độ học vấn cao lại cố gắng tìm kiếm công việc với mức thu nhập phù hợp hơn.
Tỷ lệ thất nghiệp cũng phần nào chỉ ra, sự bất hợp lý giữa ngành nghề đào tạo với yêu cầu việc làm của thị trường lao động. Những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần tạo việc làm, nâng cao NSLĐ, tăng thu nhập cho NLĐ và nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, PGS.TS Cao Văn Sâm cho rằng, trong thời gian tới, cần tăng cường tự chủ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, hoàn thiện quản lý Nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp…