Cơ hội nghề cho lao động nữ

GD&TĐ - Lao động nữ đang chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong sự phát triển của thị trường lao động. Theo ý kiến của các chuyên gia, bên cạnh những ưu điểm, các lao động nữ cần khắc phục hạn chế trong tìm hiểu và phát triển nghề nghiệp của mình.  

Cơ hội nghề cho lao động nữ

Nhiều ngành “hút” lao động nữ

Theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmy): Tổng số lao động tại thành phố hiện có khoảng 5,5 triệu người, trong đó lao động nữ chiếm tỷ lệ gần 55%.

Lao động nữ có mặt ở hầu hết các nhóm ngành nghề, nhiều nhất trong các nhóm ngành dịch vụ khách sạn, nhà hàng, ăn uống; Công nghiệp nhẹ như: Dệt may, chế biến, thủy sản, nông nghiệp... Thị trường lao động tại TPHCM đang trong giai đoạn phát triển, thu hút nguồn nhân lực lớn với mức bình quân tăng 3% mỗi năm, tạo ra số việc làm mới cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng.

Về đào tạo hiện đang có 56 trường ĐH, 45 trường CĐ, 68 trường TC và hơn 300 cơ sở đào tạo nghề. Hàng năm TPHCM đào tạo và cung ứng cho thị trường lao động tại thành phố và các tỉnh phía Nam khoảng 300.000 lao động. Trong hệ thống hiện có khoảng 300 ngành nghề được đào tạo để phục vụ cho thị trường lao động.

Trong sự phát triển chung, có thể thấy được một số nhóm ngành nghề phát triển mạnh mẽ như: Các nhóm ngành nghề về công nghệ, kỹ thuật, chiếm 35% trong tổng nhu cầu nhân lực, đặc biệt tại TPHCM, nhu cầu phát triển được đặt ra là 4 ngành công nghiệp chủ lực là: CNTT và điện tử; cơ khí; hóa chất; chế biến tinh thực phẩm. Nhóm ngành kinh tế - tài chính, hành chính - pháp luật chiếm 33%, trong đó các ngành phát triển như: Logistics, xuất nhập khẩu, ngoại thương, đây là nhóm ngành có nhiều người học và tính cạnh tranh rất cao.

Đáng chú ý, quản trị du lịch, khách sạn là nhóm ngành đang thu hút nhiều lao động nữ, kể cả trong các lĩnh vực đang thiếu hụt nhân lực như quản trị lữ hành, hướng dẫn viên du lịch. Cũng là một nhóm ngành thu hút lao động nữ, nhóm ngành sư phạm trong đó đặc biệt thiếu nhân lực ở nhóm ngành mầm non, tiểu học.

Các nhóm ngành có tỷ lệ lao động nữ cao như: Chăm sóc sức khỏe: Bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng; Ngành công nghệ nông lâm như: Bác sĩ thú y, kỹ sư giống cây trồng, sinh vật cảnh... và nhóm ngành văn hóa, nghệ thuật - thể dục thể thao.

Chọn ngành theo nhu cầu thị trường

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Falmy cho biết: Trong thị trường lao động hiện nay, phụ nữ đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực lao động kể cả các lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Lao động nữ có các ưu điểm như: Nhiệt tình, kỷ luật, tính linh hoạt cao hơn so với nam giới, có khả năng tiếp cận nhiều trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật.

Tuy nhiên, hạn chế của lao động nữ thường ít tìm hiểu về thông tin thị trường lao động, các vấn đề về pháp luật lao động, bên cạnh đó là những hạn chế về gánh nặng gia đình, phải lo toan việc nhà khiến cho họ gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình tham gia lao động.

Theo phân tích, cơ cấu trình độ lao động bao gồm: ĐH (13%), CĐ (15%), trung cấp (35%); sơ cấp công nhân kỹ thuật (37%). Các bậc học dù là ĐH, CĐ, trung sơ cấp không phải là cao thấp, mà các trình độ này đều là những giá trị riêng biệt để phù hợp với các vị trí việc làm.

Thực tế trong thị trường lao động, nhu cầu lao động trình độ CĐ, TC, sơ cấp luôn chiếm tỷ lệ lớn. Với trình độ CĐ nghề, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, sinh viên sau tốt nghiệp sẽ được công nhận là kỹ sư thực hành, cử nhân thực hành... Chính vì vậy, việc chọn đúng ngành nghề và phù hợp với năng lực là rất quan trọng, qua đó, người học nghề sẽ học với niềm đam mê và có sự phát triển bản thân tốt.

Các bước tìm hiểu về năng lực nghề nghiệp và lựa chọn ngành nghề, ông Trần Anh Tuấn cho biết: Cần căn cứ vào 4 bước cơ bản: Sở thích; Sở trường; Nhu cầu thị trường lao động; Điều kiện về kinh tế và năng lực học tập của cá nhân. Tới đây thị trường lao động sẽ hình thành rất đa dạng về ngành nghề. Để nắm bắt được cơ hội việc làm bền vững, người lao động cần chủ động trang bị cho mình: Nghề nghiệp; kỹ năng; kỷ luật; Năng lực giao tiếp và ngoại ngữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ