Đào tạo ngành đặc thù: Chính sách đủ thông thoáng

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, cần có giải pháp căn cơ và tiếp tục đẩy mạnh cơ chế đặc thù trong đào tạo một số chuyên ngành về du lịch, công nghệ thông tin…

Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội trong một buổi thực hành nghiệp vụ khách sạn – thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội trong một buổi thực hành nghiệp vụ khách sạn – thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Hiệu ứng tích cực

PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế cho biết: Năm 2018, lần đầu tiên Đại học Huế tuyển sinh 2 ngành đào tạo theo cơ chế đặc thù là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, cùng ngành Quản trị khách sạn. Đến năm 2019, Đại học Huế mở thêm 2 ngành mới là: Du lịch và Kỹ thuật phần mềm.

So với chương trình đào tạo đại trà, chương trình đào tạo của các ngành trên được phát triển theo hướng mở, dễ dàng chuyển đổi, liên thông. Đặc biệt, trong quá trình đào tạo, sinh viên được tăng thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Cụ thể, có ít nhất 40% thời gian đào tạo với doanh nghiệp và gắn với doanh nghiệp.

“Chúng tôi lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín làm đối tác. Đồng thời, kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng và năng lực của doanh nghiệp trong quá trình phối hợp đào tạo và tổ chức cho sinh viên thực hành, thực tập. Mô hình này cũng khuyến khích các cơ sở đào tạo công nhận tín chỉ lẫn nhau, phối hợp xây dựng nguồn học liệu dùng chung, đặc biệt là nguồn học liệu điện tử” - PGS.TS Huỳnh Văn Chương chia sẻ.

Lãnh đạo ĐH Huế thông tin: Ban đầu, tổng chỉ tiêu của 4 ngành theo cơ chế đặc thù là hơn 500 sinh viên. Sau hơn 2 năm thực hiện, số lượng thí sinh đăng ký lựa chọn ngành đào tạo theo cơ chế đặc thù ngày càng tăng. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, nếu như năm 2018, số sinh viên đăng ký theo học khoảng 300 – 500 em, nay lên đến hàng nghìn thí sinh. Tuy nhiên, chỉ tiêu của nhà trường tối đa là 500 sinh viên.

PGS.TS Trần Hữu Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Du lịch (ĐH Huế) viện dẫn: Năm đầu tiên chỉ tiêu của ngành Du lịch đào tạo theo cơ chế đặc thù là 80 sinh viên; qua các năm, số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành này ngày càng tăng, nên nhà trường phải đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn và có sự sàng lọc để lựa chọn. Hiện, trung bình mỗi năm có khoảng 500 sinh viên theo học ngành đào tạo đặc thù, tương đương khoảng 50% chỉ tiêu của ngành Du lịch.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, sinh viên của chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù có cơ hội việc làm cao hơn; thậm chí nhiều em còn được doanh nghiệp chào đón ngay từ khi đang học tại trường. Lý giải về điều này, lãnh đạo ĐH Huế cho hay: Sinh viên học theo chương trình này sẽ có khoảng 50% thời gian học với doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp trực tiếp tham gia giảng dạy, đánh giá và tạo điều kiện thực tập cho các em. Hiện, các đơn vị đào tạo theo cơ chế đặc thù đều liên kết với hàng chục doanh nghiệp có uy tín, chất lượng. 

Cần có giải pháp đột phá để tiếp tục đẩy mạnh cơ chế đặc thù trong đào tạo một số lĩnh vực. Ảnh minh họa: Internet
Cần có giải pháp đột phá để tiếp tục đẩy mạnh cơ chế đặc thù trong đào tạo một số lĩnh vực. Ảnh minh họa: Internet

Giải pháp đột phá

Đề xuất các giải pháp trong thời gian tới, PGS.TS Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh đến một số nhóm vấn đề. Cụ thể: Cam kết của nhà trường và doanh nghiệp phải mang tính lâu dài, toàn diện. Đồng thời, cần chia sẻ lợi ích của cả doanh nghiệp và nhà trường, hướng đến sinh viên ra trường có tay nghề tốt, có việc làm ngay. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có nguồn tuyển chủ động và giải pháp mang tính chiến lược.

Bên cạnh đó, cần tập huấn thêm nghiệp vụ sư phạm cho nhân lực đến từ doanh nghiệp tham gia vào đào tạo của nhà trường. Ngoài ra, chế độ mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo cần được cụ thể hóa trong quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế tài chính, giống như mời giảng viên thỉnh giảng. Đặc biệt, sinh viên phải hiểu và tôn trọng các nội quy doanh nghiệp ngay khi đến doanh nghiệp thực tập, kiến tập. Các em phải xác định mình như một người lao động thực sự để không làm ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp. Cùng với đó, cần có cơ chế, chính sách cấp vĩ mô để doanh nghiệp hiểu và hợp tác với nhà trường tốt hơn.

Ngoài việc đề nghị tăng chỉ tiêu đào tạo, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đề xuất: Để tiếp tục thực hiện tốt cơ chế đào tạo đặc thù, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao đối với một số ngành như: Công nghệ thông tin, du lịch… cần có giải pháp đột phá; trong đó cần nhấn mạnh đến cơ chế thu hút nhân tài, cụ thể là đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cũng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Muốn vậy, cần có cơ chế chính sách tiền lương, tiền công, môi trường làm việc thỏa đáng; đặc biệt cần áp dụng cơ chế “đặc thù” về chế độ đãi ngộ và chiêu mộ người giỏi về làm việc tại các cơ sở đào tạo…

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách đào tạo lại đội ngũ giảng viên hiện có; liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đào tạo từ doanh nghiệp là chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi của doanh nghiệp… để tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường như: Phụ trách dạy thực hành... Mặt khác, cần nghiên cứu nhu cầu của xã hội để mở mã ngành đào tạo mới, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng) nhấn mạnh: Cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu lao động có trình độ tay nghề cao, chủ động đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hậu Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.