Chọn ngành đặc thù: Đừng nhầm với thú vui cá nhân

Chọn ngành đặc thù: Đừng nhầm với thú vui cá nhân

Bỏ qua cảm xúc cá nhân

PGS Trần Thành Nam cho rằng: Thí sinh cần khám phá để biết rõ năng lực bản thân phù hợp lĩnh vực nào, đam mê, yêu thích công việc gì. Có 6 nhóm cá tính, gồm: Xu hướng nghiên cứu, thích tìm tòi, khám phá; Nghệ sĩ, yêu văn chương, có năng khiếu nghệ thuật, hội họa; Kỹ thuật, thích tính toán, tìm hiểu; Con người xã hội thích giao tiếp; Lãnh đạo, quyết đoán, thu hút, có ảnh hưởng đến người xung quanh; Tổ chức, thích lập kế hoạch, triển khai chi tiết…

Những nhóm cá tính này được đưa ra trong học thuyết của John L.Holland. Ví dụ, nhóm nghệ thuật là những người thích hoạt động sáng tạo, mang tính ngẫu hứng như: Biểu diễn, nghệ thuật (ca, múa…), đạo diễn, thủ công mỹ nghệ, sáng tác âm nhạc, văn thơ, làm nghề thủ công đòi hỏi khéo tay, sáng tạo (sơn mài, chạm khắc gỗ…). Những người có xu hướng này có khả năng làm việc thiên về tính chất nghệ thuật; coi trọng sáng tạo trong việc thể hiện ý tưởng, cảm xúc, tình cảm, sẵn sàng thử nghiệm cái mới và thường tránh hoạt động yêu cầu phải tuyệt đối tuân theo chỉ đạo hoặc hoạt động lặp lại định kỳ.

“Với những ngành đặc thù đòi hỏi năng khiếu như điện ảnh, âm nhạc, thời trang, cần có năng khiếu. Thí sinh đừng nhầm lẫn giữa đam mê với những thú vui cá nhân. Khi chọn việc cần phải bỏ qua cảm xúc cá nhân để hướng đến giá trị đích thực của công việc mang lại giá trị gì cho bản thân và xã hội”, PGS Trần Thành Nam lưu ý.

Sau khi chọn được ngành nghề mình đam mê, việc tiếp theo là chọn trường. Lời khuyên của PGS Trần Thành Nam là phải chọn trường có uy tín, thời gian đào tạo lâu dài, được xã hội đánh giá cao, có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên trong quá trình đào tạo. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần hiểu, không phải cứ học trường uy tín là ra trường sẽ có việc làm ngay. “Ngay từ bây giờ, hãy lên kế hoạch và chú tâm học tập, rèn luyện. Thiên tài có 99% là mồ hôi nước mắt, nên nếu không có đam mê ra trường các em sẽ không tìm được việc làm”, PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Nắm rõ quy trình hướng nghiệp

Quy trình hướng nghiệp được PGS Trần Thành Nam chia sẻ, gồm 8 bước. Theo đó, đầu tiên, người học cần xác định điều muốn làm. Sau đó, xác định những khả năng có thể làm tốt (với các yếu tố sức khỏe, tố chất, năng khiếu, các năng lực khác). Tìm hiểu thế giới nghề nghiệp trong lĩnh vực mong muốn (tìm hiểu về nghề, việc làm với nghề đó, môi trường làm việc, điều kiện làm việc). Tìm hiểu các tiêu chuẩn của lĩnh vực nghề (yêu cầu về sức khỏe, kỹ năng và các yêu cầu đặc biệt khác).

Bước tiếp theo tìm hiểu những khó khăn phải đối mặt, từ bản thân, gia đình và cơ hội việc làm. Đánh giá sự lựa chọn tối ưu (thống nhất giữa yêu cầu và khả năng, thống nhất nguyện vọng của gia đình và mong muốn của bản thân). Tiếp đó, quyết định đăng ký một chương trình GD-ĐT (xác định bậc đào tạo, uy tín cơ sở đào tạo, các điều kiện, lợi thế của cơ sở đào tạo). Cuối cùng, việc vô cùng quan trọng là nỗ lực thực hiện mục tiêu, dành nhiều thời gian cho trải nghiệm nghề, học hỏi người đi trước.

Sai lầm của nhiều bạn học sinh hiện nay là thường hướng đến các ngành, hay những trường thấy hay mà không cần biết mình có phù hợp hay không. Nhấn mạnh điều này, PGS Trần Thành Nam cho biết: Tỷ lệ học sinh chọn ngành, chọn trường dựa trên cảm tính và xu hướng đám đông rất nhiều, trong khi các bạn lại ít quan tâm đến nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực nghề nghiệp đó.

“Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiều bạn khi đăng ký xét tuyển chủ yếu dựa vào năng lực học tập nên học càng giỏi càng có nhiều cơ hội trúng tuyển vào những ngành “hot”, ra trường có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cao. Tuy nhiên, sau khi ra trường, đi làm được 15 - 20 năm, dù có thành công nhất định nhưng sự nghiệp sẽ bị chững lại bởi họ đang cố gắng để đáp ứng công việc chứ không thực sự đam mê với công việc. Những người đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp thường là những người đam mê với công việc và họ có sự lựa chọn đúng đắn” – PGS Trần Thành Nam chia sẻ.

Các quốc gia đều có bảng Phân loại nghề nghiệp quốc gia cung cấp thông tin mô tả cho hơn 500 nhóm nghề nghiệp, hơn 40.000 chức danh công việc. Trong mỗi bộ hồ sơ nghề nghiệp đều có mô tả chức danh công việc, nhiệm vụ trách nhiệm, những công việc điển hình cần thực hiện, công việc thay thế và thông tin về các ngành nghề liên quan. Trang web của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) giới thiệu 181 ngành nghề riêng của Việt Nam. Bên cạnh đó cũng có hệ thống ngân hàng việc làm được các tổ chức (vietnamworks.com, careerlink.vn. Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) phát triển ứng dụng chọn nghề… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ