Theo Báo cáo này, Bộ đã đề xuất phương án và lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non. Cụ thể, khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, sẽ còn khoảng 30% (khoảng 80.000 giáo viên mầm non) phải được đào tạo để nâng chuẩn.
Ước tính thời gian đào tạo mỗi khóa học chuyển tiếp từ trung cấp lên cao đẳng khoảng 1 năm. Nếu các cơ sở giáo dục mầm non cử giáo viên đi học theo hình thức “cuốn chiếu” theo từng khóa thì lộ trình nâng chuẩn đào tạo sẽ kéo dài khoảng 5 năm.
Trong điều khoản chuyển tiếp của Luật Giáo dục (sửa đổi) cần thể hiện rõ: “Các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên mầm non quy định tại Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026”.
Về phương pháp thực hiện: Đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn nhưng thời gian công tác còn lại dưới 5 năm (tính từ thời điểm Luật Giáo dục 2018 có hiệu lực) thì không nhất thiết phải tổ chức đào tạo để nâng chuẩn mà chỉ cần tham gia các khóa bồi dưỡng theo các chuyên đề phù hợp để nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Đối với các trường trung cấp sư phạm mầm non (cả nước chỉ còn 2 trường) sẽ được tổ chức lại theo hướng chuyển đổi thành trường cao đẳng sư phạm (nếu hội đủ điều kiện) hoặc chuyển đổi trường trung cấp sư phạm thành khoa sư phạm tại các trường cao đẳng.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chương trình và lộ trình để đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng đối với nhóm giáo sinh đang theo học trung cấp mầm non.
Tóm lại, tuy có những khó khăn nhất định nhưng với sự chuẩn bị chu đáo về kế hoạch và lộ trình thực hiện và sự hỗ trợ các nguồn lực từ phía nhà nước, chắc chắn đội ngũ giáo viên mầm non sẽ nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để khẳng định vị thế của nhà giáo và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.