Mục tiêu hàng đầu của đào tạo liên thông từ trung học chuyên nghiệp lên cao đẳng và đại học là cung cấp nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động (cả về số và chất lượng). Tuy nhiên, vấn đề này còn nhiều khó khăn nên cần giải pháp tháo gỡ.
Vẫn còn hạn chế
Theo PGS.TS Tô Bá Trượng - Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục, đào tạo liên thông giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học là bảo đảm tính kế thừa, thống nhất và chuyển tiếp liên tục hệ thống kiến thức, kỹ năng giữa các trình độ của hai lĩnh vực này.
Đào tạo liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học không chỉ đơn thuần là đảm bảo tính kế tiếp, kế thừa mục tiêu, chương trình, mà còn tránh trùng lặp nội dung, giúp giảm thời gian, tối ưu hóa quá trình đào tạo. Qua đó, xã hội nhanh chóng có được đội ngũ sớm tham gia vào thị trường lao động, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
“Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và phương thức giáo dục, đào tạo”, PGS.TS Nguyễn Danh Nam - Trưởng ban Đào tạo và Quản lý người học (Đại học Thái Nguyên) nhắc lại Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, thực tiễn có những hạn chế nhất định. Cụ thể, giáo dục nghề nghiệp có thiên hướng đào tạo kỹ năng nghề, còn giáo dục đại học đào tạo tư duy sáng tạo. Ngoài ra, việc xác định và công nhận giá trị chuyển đổi hoặc kết quả học tập được miễn trừ còn bất cập.
Theo dõi quá trình đào tạo liên thông hơn 20 năm qua, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) nhận thấy một số hạn chế như: Thiếu các nghiên cứu thống kê đánh giá về chất lượng và hiệu quả của đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Ngoài ra, thiếu dữ liệu thống kê, lưu trữ để nghiên cứu hiệu quả và đánh giá tác động của việc thực thi chính sách cũng như các cơ chế.
“Chúng ta thiếu chính sách mang tính hệ thống khi thiết kế các con đường học tập khác nhau, từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Hạn chế trên tạo ra những rào cản khiến quá trình liên thông không diễn ra trơn tru theo mạch và luồng được khuyến cáo về lĩnh vực, ngành học từ giáo dục trung học đến cao đẳng, đại học”, TS Hoàng Ngọc Vinh viện dẫn.
Liên thông giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học góp phần xây dựng xã hội học tập. Ảnh minh họa: Sỹ Điền |
Rào cản từ đâu?
Đề cập đến những rào cản chính với đào tạo liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, nhận thức và địa vị xã hội của giáo dục nghề nghiệp đôi khi bị coi là thấp kém so với giáo dục đại học. Điều này dẫn đến thiếu quan tâm, tin cậy của đội ngũ giảng viên với học vấn của những người tốt nghiệp trường nghề. Nhận thức này có thể ngăn cản học viên theo đuổi con đường học nghề và cản trở quá trình chuyển đổi giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Hiện, còn thiếu khung liên thông chỉ ra con đường học tập rõ ràng, vô hình trung có thể gây nhầm lẫn cho sinh viên và giảng viên. “Một số trường cao đẳng hay trung cấp đôi khi quảng bá không rõ ràng để thu hút người học và “khẳng định” có thể học liên thông lên đại học một cách chung chung mà bỏ qua các điều kiện khác”, TS Hoàng Ngọc Vinh nêu thực trạng.
Ngoài ra, còn có sự khác biệt về nội dung, cấu trúc của chương trình giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Thực trạng này có thể tạo ra những thách thức khi sinh viên cố gắng chuyển đổi giữa hai chương trình. Sự sai lệch có thể dẫn đến nhu cầu học bổ sung nhiều học phần và có trùng lặp nhất định. Trong khi cấu trúc chương trình giảng dạy ở giáo dục đại học chia làm ba phần theo quy định, còn với giáo dục nghề nghiệp thì cấu trúc không tương thích và sự so sánh để miễn trừ rất khó khăn do giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh đào tạo thực hành. “Có khi cùng tên ngành nghề đào tạo nhưng nội hàm chương trình và chuẩn đầu ra của giáo dục nghề nghiệp khác với chuẩn đầu ra ở giáo dục đại học”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhận định.
Một tiết thực hành của Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. Ảnh: Website của trường |
Tháo gỡ từ cơ chế, chính sách
Trao đổi về một số giải pháp tháo gỡ, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) đề xuất: Hoàn thiện luật pháp liên quan đến giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo liên thông nói riêng. Muốn vậy, cần sớm đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Ngoài ra, cần điều chỉnh một số điểm chưa phù hợp trong quy định đào tạo liên thông về đối tượng, xét tuyển vào đại học, cũng như bổ sung quy định cho phép bổ túc các môn học/học phần mang tính bắc cầu, giúp người học bù đủ kiến thức nền tảng trước khi tiếp thu kiến thức thuộc giáo dục đại học.
Cũng cần nhấn mạnh việc tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) khi thiết kế chương trình dạy học, tổ chức thực hiện và đánh giá trong kiểm định. Sớm đánh giá về việc triển khai VQF và cần thiết điều chỉnh những nội dung chưa hợp lý và cập nhật yêu cầu về kiến thức, kỹ năng trong bối cảnh chuyển đổi số.
Cho phép mở rộng đối tượng học liên thông theo cơ chế chuyển đổi tín chỉ. Nếu học sinh THPT có chứng chỉ công nhận kỹ năng nghề thì có thể được miễn trừ những nội dung trong chương trình giáo dục nghề nghiệp, thậm chí cho phép các em học trước một số học phần của giáo dục đại học.
Qua đó, giúp người học có định hướng nghề nghiệp sớm và tạo nguồn đầu vào cho giáo dục đại học. “Như vậy, rất cần đổi mới cách tổ chức giáo dục theo cơ chế tín chỉ ở giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhìn nhận.
Bên cạnh đó, có thể hình thành cơ chế hội đồng liên thông theo ngành và ký kết các thỏa thuận liên thông; đồng thời xây dựng văn hóa hợp tác giữa cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Mặt khác, cần thống nhất cấu trúc chương trình giảng dạy giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ở ngành học. Ưu tiên kiểm định chương trình theo ngành học và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đào tạo nói chung và đào tạo liên thông nói riêng.
Học sinh, phụ huynh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024 tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Sỹ Điền |
Cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng chương trình đào tạo đảm bảo VQF, Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) và Chuẩn chương trình đào tạo… là đề xuất của PGS.TS Nguyễn Danh Nam. Ngoài ra, trao quyền tự chủ cao cho các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh và đào tạo liên thông; trong đó có việc xét công nhận khối lượng học tập đã tích lũy của người học.
Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế, chính sách giữa các cơ sở trong đào tạo liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học. Xây dựng chiến lược quốc gia về giáo dục mở và sử dụng tài nguyên giáo dục mở (chuyển đổi tín chỉ từ các tổ chức đào tạo khác ngoài hệ thống giáo dục đại học). “Liên thông giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là cần thiết, góp phần xây dựng xã hội học tập. Muốn vậy, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho đào tạo liên thông, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số”, PGS.TS Nguyễn Danh Nam nhấn mạnh.
Theo báo cáo kết quả đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp, cao đẳng với trình độ đại học giai đoạn 2017 - 2023 của Tiểu ban Giáo dục đại học (Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực), tổng số cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay là 243 trường (không tính các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh); trong đó số cơ sở giáo dục đại học có đào tạo liên thông là 134 trường, chiếm 49% số cơ sở đào tạo.
Đối với đào tạo liên thông chính quy, 39% cơ sở đào tạo sử dụng hình thức xét hồ sơ; 23,4% sử dụng hình thức thi tuyển và 29,9% kết hợp thi tuyển và xét hồ sơ để tuyển sinh đầu vào. Về phương thức tổ chức đào tạo, 53,2% cơ sở tổ chức lớp đào tạo liên thông riêng, 28,6% kết hợp tổ chức lớp liên thông chính quy riêng và lớp cùng sinh viên chính quy, 18,2% tổ chức cho sinh viên liên thông chính quy học cùng lớp với sinh viên chính quy.
Đào tạo liên thông có 2 hình thức là: Chính quy và vừa làm vừa học, trong đó ở hình thức nào cũng có nhóm khác nhau: Từ trung cấp lên đại học, từ cao đẳng lên đại học và từ đại học sang đại học (văn bằng 2).
Trong 134 trường có đào tạo liên thông, các trường có thể đào tạo theo hình thức chính quy và vừa làm vừa học, hoặc chỉ đào tạo một hình thức: Chính quy/vừa làm vừa học. Cũng có thể đào tạo một hoặc nhiều cấp độ khác nhau tùy theo nhu cầu người học và năng lực của nhà trường.
Mặc dù đào tạo liên thông chính quy từ cao đẳng lên đại học có nhiều trường tổ chức nhất nhưng số lượng chương trình đào tạo liên thông theo hình thức vừa làm, vừa học từ cao đẳng lên đại học lại nhiều hơn - với 411 chương trình. Nguyên nhân của việc này là, người học liên thông đa phần là đi làm, học liên thông lên đại học để phục vụ nhu cầu trong công việc. Do đó hình thức vừa làm, vừa học giúp người học có thể duy trì công việc hiện có, đồng thời nâng cao kiến thức, trình độ.
Tại Phiên họp thứ 4 của Tiểu ban Giáo dục đại học (Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực) diễn ra cuối tháng 12/2023, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, hiện hệ thống liên thông được tổ chức, triển khai đa dạng. Mặc dù các chính sách quy định hướng đến việc mở cơ hội, tạo điều kiện học tập cho người học, nhưng điều đó không dễ dàng. Cùng đó, đào tạo liên thông tuy được tạo điều kiện thuận lợi nhưng vẫn phải đáp ứng, thích nghi với sự thay đổi của thị trường lao động.
Thứ trưởng gợi mở, cần tập trung nhiều hơn vào xây dựng chính sách, tạo cơ hội cho người học và cơ sở giáo dục đại học; đồng thời đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Theo đó, có thể xây dựng hội đồng liên thông. Cấp cơ sở có thể xây dựng quy chế với những chuẩn mực và có sự liên kết, liên minh nhằm bảo đảm công bằng với người học; đồng thời bảo đảm chất lượng, hiệu quả trong quá trình đào tạo. Ngoài ra, các thông tin phải minh bạch, công khai.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham gia, phối kết hợp mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định “Quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân”; bổ sung thêm căn cứ, phân tích kỹ hơn dữ liệu theo trường, ngành, đối tượng để phát hiện ra những điểm nghẽn và nguyên nhân; từ đó có giải pháp tháo gỡ phù hợp.
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), trong 10 ngành đào tạo liên thông có quy mô nhiều nhất, thì Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học có nhu cầu lớn nhất, lần lượt là: 13.115, 12.841 sinh viên. Theo Luật Giáo dục năm 2019, yêu cầu trình độ đào tạo của giáo viên mầm non là cao đẳng trở lên, còn giáo viên tiểu học phải có bằng đại học trở lên. Vì thế số lượng giáo viên có bằng trung cấp, cao đẳng học liên thông để lấy bằng đại học ngày càng nhiều.