Đào tạo giáo viên: Số lượng đi liền chất lượng

GD&TĐ - Việc ban hành các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực sư phạm đã tạo cú hích trong chất lượng, giúp việc đào tạo của các trường sư phạm sát với nhu cầu nhân lực phát triển giáo dục của địa phương.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh thực tập tại cơ sở giáo dục. Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh thực tập tại cơ sở giáo dục. Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19. Ảnh: NTCC

Giải bài toán thừa - thiếu giáo viên

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 diễn ra vào cuối tháng 8/2021, cả nước đang thiếu 94.714 giáo viên, song cũng thừa 10.178 giáo viên ở các cấp học. Đồng thời, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30 nghìn biên chế (gồm 20 nghìn biên chế giáo viên cho các môn học mới và 10 nghìn biên chế giáo viên mầm non cho các huyện vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số).

Theo thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), muốn nâng cao chất lượng giáo dục trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Như vậy cần phải đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; xây dựng hệ thống chính sách; cơ chế tuyển chọn, đánh giá và quản lý toàn diện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên…

Tuy nhiên, việc đào tạo giáo viên hiện nay vẫn mang tính lý thuyết nhiều hơn thời gian kiến tập và thực tập. Do đó, khi ra trường hầu hết các em đều phải học lại các kỹ năng thực tế của một lớp học.

“Mỗi năm, các trường đều có người về hưu và số trường, lớp tăng cơ học như hiện nay, nguồn nhân lực để đáp ứng giáo viên các cấp học nói chung và cấp tiểu học nói riêng là chưa đủ”, thầy Phạm Trung Hữu chia sẻ.

Theo ông Lý Thanh Tâm - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Phước, ngành Giáo dục đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện mô hình dạy song ngữ ở các bậc học, đồng thời, bảo đảm quy định về trường, lớp, giáo viên để hoàn thiện tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 theo lộ trình.

“Do đó, tỉnh có nhu cầu bổ sung giáo viên, nhất là ở cấp tiểu học và giáo viên dạy các môn chuyên (Tiếng Anh, Tin học…). Ước tính đến năm 2025, cả tỉnh cần bổ sung khoảng 3.300 giáo viên, nhân viên ở các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông” - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Phước chia sẻ.

Một buổi học lớp 1 theo Chương trình GDPT mới tại tỉnh Long An. Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19. Ảnh: C.Chương
Một buổi học lớp 1 theo Chương trình GDPT mới tại tỉnh Long An. Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19. Ảnh: C.Chương

Cú hích nâng chất đào tạo

Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, trong đó quy định về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương, áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022. Theo TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh (HCMUE), hiện nhà trường đã nhận số lượng đặt hàng đào tạo từ Vĩnh Long và Long An với hơn 560 giáo viên. Sau khi có số lượng đặt hàng, nhà trường và địa phương sẽ phải làm việc để khớp số lượng và kinh phí.

Tuy nhiên, để việc đào tạo giáo viên theo đặt hàng của địa phương được hiệu quả không hề đơn giản. Bởi còn liên quan tới đối tượng tuyển sinh, nếu số lượng đơn hàng địa phương yêu cầu đào tạo nhiều hơn hồ sơ thí sinh tỉnh đó đăng ký sẽ gặp khó khăn.

Đồng thời, TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc cũng cho rằng, việc đào tạo giáo viên theo đặt hàng của địa phương phù hợp với xu thế và tránh tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Với người học, đây là một trong những động lực lớn để thu hút được “người tài” vì các em được “đặt hàng”, được hỗ trợ kinh phí trong quá trình học tập và bảo đảm việc làm trong tương lai.

“Để công tác này đạt hiệu quả, việc phối hợp giữa các bên liên quan rất quan trọng. Các bước tiến hành trong dự thảo quy trình của Bộ GD&ĐT cũng đã rõ, nhưng điều quan trọng vẫn là các bên liên quan như cơ sở giáo dục đại học, các địa phương) phải phối hợp thật chặt chẽ trong quá trình thực hiện”, TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc nhận định.

Bối cảnh hiện tại làm cho nguyện vọng vào các ngành đào tạo giáo viên năm nay tăng. Thực hiện Chương trình GDPT 2018 từ năm 2020 đối với lớp 1, trong lộ trình 4 - 5 năm sắp tới, đội ngũ giáo viên có chất lượng sẽ là yêu cầu cấp thiết.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng: Sau khi các em trúng tuyển và theo học, nhà trường sẽ theo dõi tiến độ học tập và báo cáo về UBND các tỉnh (nơi đã hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí). Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ báo kết quả học tập với tỉnh đã hỗ trợ hoặc đơn vị để được tư vấn về định hướng việc làm trong ngành Giáo dục. UBND cấp tỉnh sẽ bố trí vị trí việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo mà sinh viên theo học theo quy định về tuyển dụng, sử dụng viên chức.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ được xem là bước phát triển về đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Theo đó, địa phương xác định nhu cầu sử dụng giáo viên hàng năm cho từng môn học và cấp học để đặt hàng đào tạo, cũng như có kế hoạch tuyển dụng và bố trí việc làm phù hợp. Việc này giúp địa phương chủ động trong công tác phát triển đội ngũ giáo viên cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng.

Các cơ sở đào tạo giáo viên sẽ phải cạnh tranh nhau về chất lượng cung cấp dịch vụ để có thể nhận được đặt hàng từ địa phương. Vì vậy, trường sư phạm và trường có khoa sư phạm phải nâng cao năng lực đào tạo, khả năng cạnh tranh và năng lực truyền thông để tiếp cận được nhu cầu đào tạo giáo viên của địa phương.

Ngoài ra, cơ sở đào tạo giáo viên cũng phải chủ động xác định chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với nhu cầu đào tạo của địa phương và xây dựng đơn giá thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên để tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ đào tạo. Đây có thể được xem là tiền đề cho việc tự chủ đối với các cơ sở đào tạo giáo viên. 

“Triển khai đào tạo giáo viên theo phương thức đặt hàng như quy định của Nghị định 116/2020/NĐ-CP sẽ giúp nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương và hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo khớp với nhau cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí hỗ trợ sinh viên sư phạm…” - PGS.TS Bùi Văn Hồng nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.