Bộ GD&ĐT đã hoàn thành xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới

Học sinh Trường THCS Giảng Võ trong một giờ học trải nghiệm
Học sinh Trường THCS Giảng Võ trong một giờ học trải nghiệm

Chuyển từ trả lời “HS biết gì?” thành “HS làm được gì?”

Báo cáo thông tin một số vấn đề cử tri quan tâm về lĩnh vực GD&ĐT của Bộ GDĐT, chương trình GDPT mới đã bám sát yêu cầu của Nghị quyết số 88/2014/QH13: “Chuyển nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi HS”.

Chương trình xác định đúng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực đối với HS mỗi lớp học, cấp học, từ đó lựa chọn nội dung dạy học thiết thực; đồng thời hướng dẫn giáo viên thực hiện phương pháp tổ chức hoạt động để HS tự mình khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức. Nếu như chương trình hiện hành cũng như các chương trình trước đây trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, HS biết được những gì?”, thì chương trình GDPT mới trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, HS làm được những gì?”.

Chương trình GDPT mới được thiết kế theo định hướng “tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên” đã nêu trong Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Quyết định 404/QĐ-TTg. Giáo dục tích hợp giúp HS đẩy nhanh quá trình huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng để trưởng thành.

Cùng với tích hợp, Chương trình GDPT mới thực hiện giáo dục phân hóa - cá thể hóa, đặc biệt là đối với cấp THPT (giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp). HS được chọn những nội dung học tập mà các em yêu thích, qua đó tự phát hiện năng lực của mình để rèn luyện và trưởng thành.

Cùng với tích hợp, Chương trình GDPT mới thực hiện giáo dục phân hóa - cá thể hóa, đặc biệt là đối với cấp THPT
Cùng với tích hợp, Chương trình GDPT mới thực hiện giáo dục phân hóa - cá thể hóa, đặc biệt là đối với cấp THPT 

Chương trình đã giảm tải

Chương trình GDPT mới đã giảm tải so với chương trình hiện hành, thể hiện ở các điểm sau: giảm số môn học, giảm số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để HS được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên chủ động, sáng tạo lựa chọn phương pháp phù hợp để tổ chức dạy học, đánh giá HS.

Chương trình GDPT mới cũng tăng nội dung dạy đạo đức và kỹ năng sống (dạy làm người) cho HS để đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước, ý thức công dân toàn cầu; khuyến khích sáng tạo và phát triển năng lực của HS và giáo viên.

Nội dung giáo dục hướng nghiệp được thiết kế thành các hoạt động của nhà trường phối hợp với gia đình, doanh nghiệp nhằm cung cấp tri thức về nghề nghiệp và thị trường lao động cho HS, giúp HS tự đánh giá sở trường, nguyện vọng, quan niệm về giá trị và điều kiện của bản thân, từ đó lựa chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp và có ý thức chuẩn bị cho việc thực hiện sự lựa chọn đó.

Với tinh thần này, giáo dục hướng nghiệp được thực hiện ở nhiều môn học khác nhau: từ các môn khoa học tự nhiên - công nghệ đến khoa học xã hội, nghệ thuật và hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, phù hợp với đặc thù của mỗi môn học.

Cùng với việc xây dựng Chương trình GDPT mới, Bộ GDĐT đã xây dựng và tích cực triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL giáo dục; xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; xây dựng và ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng cơ sở GDPT; biên soạn tài liệu bồi dưỡng giáo viên, CBQL giáo dục để thực hiện chương trình GDPT mới; tích cực phối hợp với các địa phương rà soát, chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện thành công chương trình.

Những công việc quan trọng tiếp tục triển khai

Nói về tồn tại và nguyên nhân, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc ban hành chương trình GDPT mới phải gia hạn theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 về việc điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, SGK GDPT mới.

Quá trình dự thảo chương trình GDPT mới và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nảy sinh những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều nên cần thêm thời gian để lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu, đồng thời giải thích, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội. Việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất) cần có thời gian, nguồn lực và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các địa phương.

Nguyên nhân là do việc xây dựng chương trình GDPT mới đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, lấy ý kiến, tuyên truyền rộng rãi trong xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 51/2017/QH14, Bộ GDĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT đang tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức biên soạn một bộ SGK đủ các môn học ở các lớp học bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng các tiêu chuẩn SGK quy định; tổ chức thẩm định SGK (gồm bộ SGK do Bộ GDĐT chỉ đạo việc tổ chức biên soạn và các SGK khác do tổ chức, cá nhân biên soạn); phê duyệt, cho phép sử dụng SGK dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.

Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn, sử dụng SGK để dạy học theo chương trình GDPT mới; hướng dẫn biên soạn tài liệu nội dung giáo dục của địa phương.

Xây dựng và triển khai hệ thống đào tạo, bồi dưỡng giáo viên qua mạng và trực tiếp trên phạm vi cả nước bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình thực hiện chương trình, SGK mới; xây dựng, ban hành quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm; thực hiện giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm đảm bảo yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng; đẩy mạnh kiểm định chất lượng các trường sư phạm.

Tổ chức rà soát, điều chỉnh các chuẩn, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất trường lớp học phù hợp với Chương trình GDPT mới, điều kiện của địa phương; hướng dẫn các địa phương tiếp tục rà soát và xây dựng phương án phù hợp để từng bước khắc phục khó khăn, tăng cường cơ sở vật chất theo lộ trình đổi mới chương trình GDPT; ban hành danh mục thiết bị giáo dục tối thiểu theo Chương trình GDPT mới và hướng dẫn các địa phương mua sắm thiết bị theo lộ trình thực hiện chương trình mới, mua sắm bàn ghế phù hợp với lứa tuổi HS.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi trong xã hội về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Sau khi ban hành Chương trình GDPT mới, Bộ GDĐT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về lộ trình áp dụng trong thời gian Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội. Song song với việc đó, đồng thời đảm bảo chất lượng chương trình, SGK mới cùng với việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện nhằm đảm bảo sự thành công khi triển khai áp dụng.

Trong thời gian chưa thực hiện chương trình, SGK mới trên phạm vi toàn quốc, Bộ GDĐT hướng dẫn các cơ sở GDPT thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học Chương trình GDPT hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lý quá trình giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó tạo thuận lợi cho HS và giáo viên khi chuyển sang thực hiện chương trình, SGK mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.