Đó là nhận định của TS Trần Đình Nam – Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Kinh tế Bưu điện (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông).
Phát triển mô hình kết hợp đào tạo 3 bên
Theo TS Trần Đình Nam, nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào các khu công nghiệp Việt Nam đã phản ánh về tình trạng sinh viên mới ra trường của nước ta tụt hậu ít nhất 10 năm công nghệ. Tình trạng này cũng khá phổ biến ở các nước như: Hàn Quốc, Đài Loan, hiện thực này cũng rất phổ biến.
Nhấn mạnh, các doanh nghiệp luôn mong muốn hợp tác với cơ sở đào tạo, TS Trần Đình Nam viện dẫn, Viện Kinh tế Bưu điện đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo với các đối tác trong và ngoài nước.
Ngoài ra, nhiều trường đại học danh tiếng ở nước ngoài cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo với Viện. Thông qua mạng lưới này, chúng ta có thể phát triển thêm mô hình kết hợp đào tạo 3 bên.
Theo đó, sinh viên được đào tạo những năm đầu ở Việt Nam, sau đó được chuyển tiếp đào tạo tại trường đối tác nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp và nhận bằng đại học, sinh viên được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp có nhà máy sản xuất ở cả nước ngoài và Việt Nam. Sinh viên theo chương trình này sẽ được tài trợ học bổng, đào tạo ngoại ngữ miễn phí và nhiều phúc lợi khác.
TS Trần Đình Nam. |
TS Trần Đình Nam nhận định, trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam trở thành quốc gia tiềm năng phát triển công nghiệp bán dẫn. Sẽ có nhiều tập đoàn lớn đầu tư hạ tầng công nghệ, xây dựng nhà máy tại các khu công nghiệp phân bố khắp cả nước.
Điều này vừa mang lại cơ hội phát triển kinh tế nhưng cũng đặt ra những thách thức. Ngoài hạ tầng giao thông, cung cấp năng lượng, và các tiêu chuẩn quản lý môi trường, bài toán dịch chuyển cơ cấu lao động địa phương cũng rất hóc búa.
Phát triển khu công nghiệp đồng nghĩa đất nông nghiệp sẽ bị thu hồi, người dân lao động địa phương cũng cần được định hướng sang mô hình kinh tế mới. Có một lượng lớn lao động trẻ lựa chọn làm công nhân tại các nhà máy, nhưng về lâu dài, đây không phải hướng phát triển cơ cấu lao động bền vững.
Khuyến khích học đại học để nâng cao trình độ
Trao đổi về vấn đề này, TS Trần Đình Nam cho hay, Viện Kinh tế Bưu điện đã có những hợp tác bước đầu với chính quyền địa phương, nhằm tháo gỡ bài toán lao động. Lao động phổ thông tại các nhà máy có thu nhập cao hơn so với với làm nông nghiệp trước đây.
Vì vậy, những lao động này có điều kiện và nên được khuyến khích học đại học để nâng cao trình độ. Đây cũng là chủ trương của chính quyền địa phương và được sự ủng hộ từ phía các doanh nghiệp.
Người lao động được đào tạo lý thuyết và cấp bằng đại học tương đương chính quy, đồng thời cũng được rèn luyện thực tế thông qua chính công việc thường ngày tại nhà máy. Người lao động có cơ hội được thăng tiến, nâng cao thu nhập và tích lũy nhiều mối quan hệ trong tương lai.
“Cả hai chương trình đào tạo nêu trên tuy khác nhau về đối tượng, nhưng đều áp dụng chuẩn đào tạo của đại học chính quy. Sinh viên nếu không chuyển tiếp đào tạo nước ngoài sẽ được cấp bằng đại học theo chuẩn ban hành của Bộ GD&ĐT. So với chương trình chính quy, các chương trình đào tạo này linh hoạt hơn về thời gian và gắn với đào tạo tác nghiệp” - TS Trần Đình Nam cho hay.
Lễ khai giảng khóa 2023 hình thức Vừa làm vừa học – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. |
Hiện, chương trình đào tạo này đã sẵn có các ngành như: công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử viễn thông, kế toán và quản trị kinh doanh. Viện Kinh tế Bưu điện dự định trong thời gian tới sẽ mở rộng thêm một số ngành học phù hợp nhu cầu thực tiễn của xã hội hiện nay.
"Thực tế, nhiều bạn trẻ muốn lựa chọn đi làm ngay, học nghề hoặc xuất khẩu lao động để nhanh chóng có thu nhập. Mô hình đào tạo định hướng doanh nghiệp có nhiều ưu điểm, đáp ứng tốt nhu cầu học tập tích lũy kiến thức bằng cấp, nhưng vẫn đảm bảo bài toán thu nhập của lao động trẻ ngày nay" - TS Trần Đình Nam.