Đây là hoạt động trong khuôn khổ nhiệm vụ được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao trong hoạt động năm 2021 của Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018- 2025” (Đề án 33).
Tham dự hội thảo có các chuyên gia đến từ Đại học Eastern Finland - Wise Consulting Finland Oy (Phần Lan); Bộ Giáo dục và Đào tạo; Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; các tổ chức phi chính phủ có liên quan đến giáo dục mầm non; 29 trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành giáo dục mầm non; các trường mầm non, cơ quan quản lý giáo dục mầm non của nhiều tỉnh thành trê cả nước.
Tại hội thảo, 3 chủ đề chính được thảo luận liên quan đến xu hướng, mô hình đào tạo giáo viên mầm non trên thế giới và những đề xuất trong công tác đào tạo ở nước ta hiện nay; Nghiên cứu đổi mới chương trình đào tạo giáo viên mầm non ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Phát triển một số năng lực cốt lõi trong chương trình đào tạo.
Về xu hướng, mô hình đào tạo giáo viên mầm non trên thế giới và những đề xuất trong công tác đào tạo ở nước ta hiện nay, các ý kiến đã phân tích thực tiễn những mô hình, chương trình đào tạo giáo viên mầm non ở một số cơ sở đào tạo trong nước, như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương,… Đồng thời, giới thiệu khung năng lực giáo viên mầm non khu vực Châu Á Thái Bình Dương; chương trình đào tạo giáo viên mầm non ở Phần Lan, Australia, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia,... Từ đó, đề xuất các định hướng cho vấn đề xây dựng chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn xã hội, quá trình đào tạo và xây dựng chương trình đào tạo cử nhân giáo dục mầm non ở nước ta.
Liên quan đến nghiên cứu đổi mới chương trình đào tạo giáo viên mầm non, các nhà nghiên cứu đi sâu phân tích thực trạng đào tạo giáo viên mầm non và đặt ra những vấn đề cần đổi mới trong công tác đào tạo, chương trình đào tạo ở bậc đại học và cao đẳng. Đặc biệt nhấn mạnh đến sự gắn kiến thức, kỹ năng với đạo đức nghề nghiệp trong nội dung đào tạo, đổi mới phương pháp đào tạo thông qua trải nghiệm thực tiễn, chú trọng cập nhật thành tựu của khoa học giáo dục và thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo.
Với nội dung phát triển một số năng lực cốt lõi trong chương trình đào tạo,các nghiên cứu đi sâu phân tích những năng lực cần thiết của người giáo viên mầm non, như: năng lực trí tuệ cảm xúc, năng lực quan sát, năng lực chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, năng lực cập nhật các vấn đề mới trong giáo dục mầm non, năng lực sử dụng ngoại ngữ... Từ đó, đưa ra những khuyến nghị về những nội dung, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá của giảng viên để hình thành những năng lực này ở người học trong chương trình đào tạo.
Phát biểu tại hội thảo, bà Cù Thị Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) nhận định: Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025” do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phê duyệt là cơ hội tốt giúp các trường sư phạm có nguồn lực nhất định tổ chức các hoạt động chuyên môn, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên. Do vậy, cần tận dụng tối đa cơ hội này để mỗi cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng đổi mới chương trình, nâng cao năng lực cho giảng viên; đồng thời, kết nối với nhau tạo thành mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển
Đào tạo giáo viên mầm non có mối quan hệ rất chặt chẽ và cần đi trước, chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng xu hướng đổi mới giáo dục mầm non. Do vậy, các hội thảo để trao đổi, thảo luận và tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non trong bối cảnh hội nhập và đổi mới mạnh mẽ giáo dục-đào tạo như hiện nay là rất cần thiết
Bà Cù Thị Thủy cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo việc xây dựng chương trình giáo dục mầm non sau 2020. Đây là công việc lớn, đòi hỏi sự thay đổi từ các cơ sơ giáo dục mầm non, cơ quan chỉ đạo, cơ sở đào tạo… Trong thời gian tới, các trường sư phạm cần tập trung nghiên cứu, đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu thay đổi này của thực tiễn giáo dục mầm non.