Đào tạo bồi dưỡng báo chí truyền thông phải đáp ứng thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, truyền thông phải được quan tâm đúng mức, đúng với yêu cầu mà thực tiễn đòi hỏi.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì buổi làm việc.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì buổi làm việc.

Chiều 8/9, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa cùng đoàn công tác thăm và làm việc tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền (BC&TT). Cùng đi trong đoàn có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam.

Nâng cao chất lượng

Thay mặt lãnh đạo nhà trường, PGS.TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện BC&TT đã báo cáo với đoàn công tác về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông trong thời gian qua.

Theo đó, từ năm 1962 đến nay, Học viện BC&TT đã đào tạo, bồi dưỡng được gần 20 nghìn cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông cho Đảng, Nhà nước và các nước như: Trung Quốc, Lào, Campuchia. Nhiều người được đào tạo tại Học viện đã, đang giữ trọng trách cao trong hệ thống chính trị của đất nước.

PGS.TS Phạm Minh Sơn cũng cho biết, do đây là các ngành, chuyên ngành có đầu ra rộng, có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau nên cả 3 cấp độ tuyển sinh và đào tạo đều có mức cao so với các ngành khác. Đây là điểm thuận lợi trong công tác tuyển sinh nhưng cũng đặt ra những thách thức nhất định cho Học viện BC&TT.

Để Học viện BC&TT triển khai, thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông, PGS.TS Phạm Minh Sơn đã có những đề xuất, kiến nghị với Ban Tuyên giáo Trung ương.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Trong đó, đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương sớm tổng kết về công tác đào tạo nguồn nhân lực làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông trên cả nước. Qua đó, đánh giá những thành công, hạn chế, bất cập, có những chỉ đạo phù hợp trong công tác đào tạo, quản lý lĩnh vực này trên cả nước. Đồng thời, đề xuất tham mưu cho Đảng, Nhà nước tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông để thu hút nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng quy hoạch tổng thể các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

"Sắp xếp lại các cơ sở hiện có theo hướng chính quy, hiện đại, chuyên sâu, tập trung. Trong đó đặc biệt ưu tiên, quan tâm đến cơ sở đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông chính sách. Chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương rà soát, phân định rõ chức năng, quyền hạn đào tạo nguồn nhân lực làm công tác báo chí, truyền thông hiện nay, nhất là giữa cơ sở công lập và dân lập.

Đồng thời, sớm công nhận Học viện là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành tuyên giáo của Đảng và truyền thông chính sách của chính quyền để có chính sách hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lĩnh vực tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước hiện nay...", PGS.TS Phạm Minh Sơn đề xuất.

Giám đốc Học viện BC&TT cũng đề nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương thống nhất với Bộ TT&TT trong việc mở các lớp bồi dưỡng, cấp chứng chỉ, công nhận giá trị của chứng chỉ về báo chí, xuất bản, truyền thông của Học viện, cho phép và chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục hợp tác đào tạo, bồi dưỡng chức danh các lĩnh vực nêu trên. Đồng thời, đề nghị Đảng và Nhà nước giao cho Học viện xây dựng đề án và đào tạo nguồn nhân lực làm công tác truyền thông chính sách cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và các cơ quan trong hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương.

Đại diện lãnh đạo Học viện BC&TT phát biểu tại hội nghị.

Đại diện lãnh đạo Học viện BC&TT phát biểu tại hội nghị.

Học viện BC&TT cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT quan tâm, tạo điều kiện, đầu tư các nguồn lực cho Học viện thực hiện thành công quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, phát triển trường thành cơ giáo dục đại học trọng điểm quốc gia.

Trong buổi làm việc, nhiều ý kiến, thảo luận của các đại biểu đã tập trung trao đổi các nội dung, phương hướng và đề xuất về việc phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và cơ chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng làm công tác tư tưởng - văn hóa, báo chí - truyền thông, cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng…

Cốt lõi đào tạo, bồi dưỡng

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá, nhóm ngành báo chí truyền thông có điểm tuyển sinh đầu vào cao trong nhiều năm qua.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, công tác bồi dưỡng đào tạo cần thường xuyên và không ngừng đổi mới, trong đó có nhóm ngành báo chí truyền thông. Hiện có 46 cơ sở giáo dục đào tạo, bồi dưỡng về nhóm ngành báo chí truyền thông và được quản lý chặt chẽ. Trong tổng số khoảng chỉ tiêu nhóm ngành báo chí truyền thông hàng năm của cả nước thì số lượng đào tạo ngành báo chí của Học viện BC&TT chiếm 1/3.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh, điểm đầu vào của ngành báo chí truyền thông cao trong khi chỉ tiêu tuyển sinh không nhiều, chứng tỏ sức hút của ngành, lĩnh vực báo chí truyền thông là rất lớn.

Báo cáo từ Học viện BC&TT, cùng nhiều cơ sở đào tạo báo chí truyền thông thì có trên 80% sinh viên ra trường tìm được việc làm phù hợp, đúng và sát ngành đào tạo. Cùng với đó, khả năng đáp ứng và thích nghi với môi trường thực tế khi làm việc là minh chứng rõ nét nhất cho chất lượng đào tạo. Hiện số lượng sinh viên đào tạo ngành báo chí ra trường công tác ở đơn vị, doanh nghiệp tư nhân gấp 3 - 5 lần so với trong cơ quan Nhà nước.

“Học viện Báo chí và Tuyên truyền chú trọng đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng để tiếp tục nâng cao chất và đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn…”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ.

Kết luận hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Học viện BC&TT đã đạt được trong công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông thời gian qua.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu.

Để Học viện BC&TT tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới, nhất là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, xuất bản, truyền thông, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa đã gợi mở nhiều nội dung cùng giải pháp.

Trong đó, Học viện cần tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, bám sát thực tiễn, theo kịp xu thế của truyền thông hiện đại. Khuyến khích giảng viên, sinh viên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực tiễn phong phú, sôi động của lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông.

Tăng cường công tác tổ chức, quản lý đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại. Việc đào tạo phải phục vụ cho được mục tiêu sinh viên sau khi ra trường đáp ứng yêu cầu công việc và khả năng tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo.

Học viện đa dạng hóa các loại hình kiểm tra, đánh giá theo hướng bảo đảm tính chính xác, khách quan, tiếp cận với phương thức kiểm tra, đánh giá của các nước tiên tiến, tạo điều kiện cho sinh viên học tập, trao đổi với chuyên gia nước ngoài.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận buổi làm việc.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận buổi làm việc.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa, để đáp ứng yêu cầu hoạt động báo chí, xuất bản, truyền thông trong điều kiện mới, Học viện cần phải chủ động phối hợp với cơ quan liên quan, tập trung triển khai, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo chí, xuất bản, truyền thông.

Đồng thời, tăng cường liên kết giữa Học viện với cơ quan báo chí truyền thông, tạo môi trường học tập thực tiễn và cơ hội việc làm cho sinh viên. Đồng thời, tạo nguồn ưu tiên đào tạo nhân lực báo chí vùng khó (miền núi, vùng cao).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ