Ngày 21/9, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng đoàn công tác đã thăm và làm việc với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM.
Nội dung chính buổi làm việc là công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông.
Dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Nhóm ngành Báo chí, Truyền thông có sức hút lớn
Theo báo cáo của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Báo chí -Truyền thông vốn là một trong những thế mạnh của nhà trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, xuất bản và truyền thông.
Từ năm 2018 đến 2022, nhà trường đã tuyển 4.480 sinh viên liên quan đến lĩnh vực tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông (ngành Báo chí, Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng, Lịch sử, Triết học, Văn học...). Mức độ tuyển sinh tăng đều qua các năm.
Trong đó, Báo chí, Truyền thông đa phương tiện và Quan hệ quốc tế là nhóm tuyển sinh tiềm năng và có sức hút của nhà trường hiện nay.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (phải) dự buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng |
Theo nhà trường, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông của nhà trường đã đạt được nhiều kết quan trọng.
Nhà trường đã cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực bảo đảm về số lượng và chất lượng trong lĩnh vực này; bước đầu hình thành được đội ngũ nhân lực làm công tác báo chí, xuất bản, truyền thông có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có nhận thức chính trị tốt.
Đồng thời, định hình mô hình đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
TS Huỳnh Văn Thông, giảng viên Khoa Báo chí & Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chia sẻ thực tiễn trong công tác đào tạo ngành Báo chí. Ảnh: Mạnh Tùng |
Tuy nhiên, trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông trong những năm qua cũng có một số hạn chế, bất cập.
Cụ thể, lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông là lĩnh vực đặc thù, nhưng cho đến này chưa có chính sách riêng để đầu tư phát triển lĩnh vực đặc thù này. Do đó, chưa tạo được điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho xã hội.
Đầu tư cho cơ sở vật chất và các nguồn lực khác cho nhà trường còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế và chiến lược phát triển của nhà trường...
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn kiến nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Khoa học & Công nghệ hỗ trợ nhà trường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo trong chuyển đổi số, xây dựng các phòng thực hành ứng dụng công nghệ mới.
Đào tạo Báo chí phải gắn liền với thực tiễn
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có lĩnh vực báo chí, truyền thông và xuất bản.
Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Đại hội XII, có nhiều sự kiện quan trọng trong lĩnh vực báo chí: Tổng kết 5 năm thực hiện đề án quy hoạch báo chí; Kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam vào năm 2025.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng |
Sứ mệnh của nền báo chí cách mạng được Đảng và nhân dân giao phó, đó là lực lượng rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; lực lượng quan trọng, công cụ sắc bén của Đảng; diễn đàn về chính trị, văn hóa, tinh thần của Nhân dân, để đất nước hội nhập sâu rộng trong đời sống quốc tế.
Nghị quyết Đại hội XIII rất quan tâm việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ lãnh đạo, nhà quản lý, đội ngũ phóng viên báo chí; phải có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, tác phong nghề báo và tinh thông nghiệp vụ trong môi trường báo chí hiện đại; hướng tới kết hợp phương pháp truyền thống với việc phát triển báo chí đa phương tiện, truyền thông trên Internet và mạng xã hội.
Để thực hiện tốt những việc trên, nguồn gốc đến từ công tác đào tạo.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý, trong công tác quản lý, đào tạo, nhà trường phải bảo đảm gắn liền với thực tiễn để tạo ra đội ngũ những người làm công tác thông tin, tuyên truyền; đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin chuẩn xác, kịp thời đến công chúng.
Về đổi mới chương trình đào tạo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện khung chương trình chuẩn tại các cơ sở giáo dục đào tạo có ngành Báo chí.
Các trường căn cứ điều kiện cụ thể để thực hiện công tác đào tạo, tăng cường tính thực tiễn cho đội ngũ sinh viên chuyên ngành báo chí, xuất bản…
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT phát biểu ý kiến. Ảnh: Mạnh Tùng |
Đại diện Bộ GD&ĐT, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đánh giá cao công tác tuyển sinh và chất lượng đào tạo của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, trong đó có lĩnh vực báo chí, truyền thông.
Hiện nay, chỉ trường công lập mới được đào tạo ngành Báo chí, Xuất bản, trong khi ngành Truyền thông có sự tham gia của trường tư. Đây là cuộc cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo trong toàn hệ thống.
Bà Nguyễn Thu Thủy cũng đánh giá cao chất lượng đào tạo sau đại học của nhà trường, đặc biệt ở bậc Tiến sĩ. Việc tập trung đào tạo sau đại học là hướng đi tốt và đúng đắn của nhà trường.
Về định hướng trong tương lai, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đặt vấn đề nguồn lực cho giáo dục đại học: Đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đây vốn là thách thức mà nhiều trường đại học trên cả nước đang đối mặt.
Bà Nguyễn Thu Thủy nêu 3 đề nghị với nhà trường.
Thứ nhất, chú ý việc phát triển đội ngũ, nhấn mạnh việc thực hiện Đề án 89 của Bộ GD&ĐT đang triển khai.
Thứ hai, huy động các nguồn lực khác để đầu tư, hoàn thiện hệ thống quản trị, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Thứ ba, năm 2024 sẽ có kế hoạch xây dựng chuẩn chương trình nhóm ngành báo chí, truyền thông. Đây là điều kiện nâng chuẩn đào tạo của lĩnh vực này ngang với tầm khu vực và thế giới. Việc này cần sự đóng góp của các thầy cô giảng viên và các chuyên gia.