Đào tạo "bậc thầy" quản lý thời gian

GD&TĐ - Giúp trẻ sắp xếp thứ tự ưu tiên trong ngày là kỹ năng có thể phục vụ con trong suốt cuộc đời.

Cha mẹ có thể cùng trẻ lên lịch gia đình.
Cha mẹ có thể cùng trẻ lên lịch gia đình.

Việc quản lý thời gian sẽ giúp trẻ hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng nhất trong ngày và tuần, cũng như mục tiêu dài hạn. Với phương pháp phù hợp, cha mẹ sẽ dễ dàng giúp con mình thành công và sớm trở thành “bậc thầy” về quản lý thời gian.

“Nhanh lên”; “Con có biết mấy giờ rồi không?”; “Đi nào”; “Làm gì mà lâu thế?”... Đôi khi, các phụ huynh có cảm giác như mình đang nuôi một đám trẻ chập chững mà không có khái niệm về thời gian. Tin tốt là, ngay cả những đứa trẻ nhỏ nhất cũng có thể học cách quản lý thời gian. Từ đó, giúp cha mẹ và trẻ có thể hoàn thành những việc cần làm. Bà Amy Morins - nhà trị liệu tâm lý tại Mỹ, gợi ý, cha mẹ có thể áp dụng một số cách để trẻ học quản lý thời gian.

1. Khiến việc quản lý thời gian trở nên thú vị

Những người trưởng thành có xu hướng liên kết việc quản lý thời gian với lịch đi ngủ, các cuộc hẹn bất tận và họp. Sự căng thẳng đôi khi có thể khiến chúng ta muốn ném đồng hồ ra ngoài cửa sổ.

Tuy nhiên, việc học cách quản lý thời gian cần trở nên thú vị đối với trẻ em. Phụ huynh hãy khuyến khích trẻ sử dụng bút màu để tô vào lịch. Thêm nhãn dán để đánh dấu những ngày đặc biệt. Hãy biến việc quản lý thời gian thành một trò chơi để xem ai có thể hoàn thành các công việc đơn giản nhanh hơn, như: Đánh răng, đi giày hoặc chuẩn bị ba lô đến trường. Cha mẹ càng khiến công việc này thú vị, trẻ càng hiểu được tầm quan trọng của thời gian.

2. Bắt đầu trước khi trẻ bước vàotuổi thanh thiếu niên

Tất nhiên, phụ huynh cũng có thể dạy thanh, thiếu niên các kỹ năng quản lý thời gian. Song, việc bắt đầu sớm sẽ mang lại nhiều lợi ích. Trẻ ở tuổi mầm non có thể học quản lý thời gian thông qua các nhiệm vụ nhỏ. Đặc biệt, những nhiệm vụ này cần được hoàn thành trong thời gian ngắn, như mặc quần áo hoặc dọn đồ chơi. Trẻ em trong tuổi đi học có thể bắt đầu với thời gian cần thiết để hoàn thành bài tập về nhà và các công việc nhà đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.

3. Dạy trẻ cách bấm giờ

Phụ huynh có thể giúp trẻ bằng cách đặt bộ đếm thời gian trong khi con phải hoàn thành nhiệm vụ. Giữ đồng hồ ở gần và đếm ngược bằng lời nói khi từng phút trôi qua. Nhờ đó, trẻ có thể bắt đầu cảm nhận về những khoảng thời gian này.

“Cha mẹ không cần dạy trẻ cách sống chạy theo thời gian. Mục tiêu đơn giản là giúp trẻ hiểu cảm giác của một giờ, 15 phút hoặc thậm chí 5 phút là như thế nào. Lần tới khi cha mẹ nói: “Chúng ta sẽ đi trong 5 phút nữa”, trẻ sẽ biết điều đó có nghĩa là con không thể tiếp tục chơi, xem tivi và dọn phòng”, bà Morins chia sẻ.

4. Lên lịch gia đình

Lịch gia đình là lộ trình để tất cả thành viên trong nhà tuân thủ. Nhờ lịch gia đình, phụ huynh có thể biết trẻ sẽ chơi bóng rổ vào thứ Hai, tập thể dục dụng cụ, karate và tập hợp xướng vào thứ Ba...

Tất cả thành viên trong nhà nên tham gia vào việc lên lịch gia đình. Hãy biến công việc này thành một hoạt động nghệ thuật dành cho gia đình. Nhờ đó, giúp mọi người tìm hiểu xem ai có công việc gì vào ngày nào. Hoạt động đơn giản này giúp trẻ biết đâu là việc cần làm để tuân thủ lịch trình.

Ngoài ra, mỗi đứa trẻ cũng nên có lịch riêng. Bằng cách đó, trẻ có thể giữ lịch trình riêng chi tiết trong phòng. Phụ huynh hãy khuyến khích trẻ sử dụng lịch cá nhân để thêm các nhiệm vụ mới và đánh dấu những công việc đã hoàn thành. 

5. Không áp đặt

Một trong những sai lầm phổ biến nhất mà cha mẹ thường mắc là cố gắng đảm bảo con mình tham gia vào mọi hoạt động sau giờ học. Thay vào đó, bà Amy Morins gợi ý, phụ huynh có thể giúp cả gia đình và đừng lên lịch cho lũ trẻ. Bởi khi đó, thay vì học quản lý thời gian đúng cách, tất cả những gì trẻ cảm thấy là liên tục phải thực hiện. Điều đó sẽ khiến trẻ khao khát một vài phút rảnh.

Lập một lịch trình và bám sát nó là điều quan trọng. Đặc biệt, một phần của lịch trình đó nên bao gồm thời gian rảnh. Những khoảng thời gian không cần làm gì là khoảnh khắc tuyệt vời để trẻ học quản lý thời gian. Điều này cũng giúp trẻ học được rằng, quản lý thời gian tuyệt vời cũng đồng nghĩa với việc có những khoảnh khắc để thư giãn.

6. Công cụ quản lý thời gian thân thiện

Từ ứng dụng đến lịch đầy màu sắc, hãy sử dụng các công cụ quản lý thời gian thân thiện với trẻ em. Điều quan trọng là sử dụng hình ảnh và kỹ thuật liên quan đến trẻ. Chỉ có cha mẹ mới biết điều gì phù hợp nhất với phong cách học tập của con mình.

7. Xem xét phần thưởng

Bà Amy Morins gợi ý, phụ huynh có thể thưởng cho trẻ nếu con quản lý thời gian tốt. Những đặc quyền đó có thể là động lực tuyệt vời cho trẻ. Phần thưởng có thể được trao hằng ngày hoặc tuần.

Điều quan trọng là phụ huynh hãy sáng tạo với phần thưởng. Ví dụ, phần thưởng trong ngày của trẻ có thể là một vài phút chơi điện tử. Tốt hơn nữa là biến nó thành phần thưởng cho gia đình. Một tuần quản lý thời gian tốt có thể đổi lại một buổi đi xem phim của gia đình. Kết quả là, phụ huynh có thể biến những phần thưởng đó thành thời gian dành cho gia đình.

7. Giúp trẻ thiết lập các ưu tiên hằng ngày

Tùy độ tuổi, hầu hết trẻ em không chú trọng đến yếu tố ưu tiên. Do đó, cha mẹ cần giúp trẻ tổ chức một ngày bằng cách sử dụng phương pháp: Đầu tiên, tiếp theo, cuối cùng. Trẻ em nên nghĩ đâu là điều đầu tiên trong ngày, như đánh răng. Sau đó, trẻ có thể chuyển sang những việc cần làm tiếp theo, như chuẩn bị sẵn sách vở vào buổi sáng và hoàn thành bài tập về nhà trước khi đi ngủ. Cuối cùng, trẻ nên lập kế hoạch cho ngày mai.

Theo Very well family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ