Nhưng chính tại vùng biển bao quanh hòn đảo này, từ năm 1904 - 1965 có 175.250 con cá voi đã bị con người tàn sát.
Hòn đảo không người
Nam Georgia là hòn đảo thuộc phía Nam của Đại Tây Dương, có diện tích khoảng 3.755 km2 và không có người sinh sống. Nó được phát hiện vào năm 1756, bởi một tàu thương mại của Tây Ban Nha. Năm 1775, Thuyền trưởng James Cook (Anh) đặt chân lên Nam Georgia, tiến hành đo đạc và vẽ bản đồ. Kể từ lúc này, nó trở thành một trong các lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh.
Trên Nam Georgia chủ yếu là những ngọn núi cao, vách dốc vô cùng hiểm trở. Mùa đông tại đây kéo dài 7 tháng (tháng 4 - 11), nhiệt độ luôn dưới 0oC, tuyết rơi dày đặc và mặt đất bị đóng băng. Có đến 1/2 diện tích đất đai Nam Georgia nằm dưới lớp băng vĩnh cửu. Vì thế, nơi đây không thích hợp cho con người định cư lâu dài.
Bên cạnh đo đạc và vẽ bản đồ, Cook còn báo cáo về Anh trên Nam Georgia có rất nhiều hải tượng và hải cẩu lông. Vào Thế kỷ XVIII - XIX, lông hải cẩu được thế giới phương Tây ưa chuộng. Các thợ săn đua nhau vượt biển đến Nam Georgia, săn bắt tràn lan. Đầu Thế kỷ XX, Nam Georgia gần như cạn sạch hải cẩu và hải tượng.
Bãi mổ cá voi
Năm 1902, nhà thám hiểm Carl Anton Larsen (Na Uy) tạm dừng chân tại Nam Georgia trên đường khám phá Nam cực. Ông ghé Grytviken, vịnh nước nhỏ của hòn đảo neo thuyền. Từ Grytviken nhìn ra ngoài khơi, Larsen bất ngờ thấy hàng trăm con cá voi đang đùa giỡn.
Đánh bắt cá voi là ngành nghề có rất sớm, khoảng 3.000 trước Công nguyên. Song phải đến thế kỷ XVI, nó mới thực sự thành ngành công nghiệp hoạt động có tổ chức.
Ban đầu, các địa điểm giết mổ cá voi chủ yếu nằm trong vùng Bắc Bán Cầu. Người ta dùng tàu thuyền đủ mọi kích thước, săn lùng và bắn giết cá voi, lôi về trạm mổ xẻ trên đất liền lột mỡ nấu thành dầu. Dầu cá voi được lọc thành 3 cấp độ: Loại 1 dùng trong công nghiệp thực phẩm (chế biến bơ, kem), loại 2 dùng trong công nghiệp mỹ phẩm (làm mỹ phẩm, xà phòng), loại 3 dùng trong công nghiệp nặng và công nghiệp quân sự (sản xuất dầu bôi trơn, chế thuốc nổ).
Trải qua 4 thế kỷ bị lạm sát, quần thể cá voi vùng Bắc Cực suy giảm nghiêm trọng. Ngành công nghiệp đánh bắt cá voi tất yếu cũng bị ảnh hưởng theo. Chính vào lúc này, Larsen lại phát hiện “kho tiền” bơi lượn quanh Nam Georgia. Lập tức, ông quay về Na Uy sắm sửa đồ nghề và thuê thợ săn, trở lại hòn đảo mở trạm mổ xẻ cá voi.
Tháng 11/1904, trạm mổ xẻ cá voi đầu tiên tại Nam Georgia hình thành. Larsen liên tục mở thêm các trạm mới, đến năm 1912 đã có tổng cộng 6 trạm. Phương tiện đánh bắt cá voi của ông là tàu hơi nước kích thước lớn và súng phóng lao. Các trạm mổ xẻ cá voi đều được trang bị đồ nghề mổ, lọc mỡ và nồi 24 tấn. Mỡ cá voi được đổ đầy nồi, đun chảy thành dầu. Trong thời kỳ cao điểm, Larsen có tới 450 thợ săn bắt cá voi tại Nam Georgia. Họ luân phiên săn giết và mổ xẻ voi suốt ngày đêm.
Từ năm 1904 - 1965, hơn 175.000 con cá voi đã bị kéo vào vịnh Grytviken. Ban đầu, các xưởng chế biến chỉ lọc lấy mỡ cá voi, vứt bỏ tất cả các phần còn lại. Về sau vì xác thịt cá chất cao như núi, họ buộc phải xử lý thành phân bón, thức ăn gia súc thu lời thấp (quá tốn phí vận chuyển tới nơi tiêu thụ).
Không thể khôi phục hoàn toàn
Ngày nay, khắp mặt đất trên bờ vịnh Grytviken vẫn rải đầy xương cốt cá voi. Khi Larsen “rút quân” vào năm 1965, ông bỏ lại toàn bộ các trạm mổ xẻ và tàu thuyền hỏng. Thời gian và mưa gió ở Nam Georgia khiến các xưởng nấu dầu cá bị tốc mái, phá sập tường, làm rỉ sét các ống khói, nồi nấu mỡ khổng lồ nằm lăn lóc khắp nơi.
Ngoài các trạm săn cá voi, Larsen còn từng cho xây nhà thờ, tiệm tạp hóa phục vụ thợ săn. Bây giờ, tất cả đều hoang tàn, đổ nát.
Từ Nam Georgia, hoạt động săn bắt cá voi cũng mở rộng ra khắp biển Nam cực. Thời đại săn bắt cá voi tại đây kéo dài từ năm 1904 - 1978. Trong 74 năm này, khoảng 1,5 triệu con cá voi đã bị giết.
Mãi đến năm 2012, Nam Georgia mới được quy hoạch thành khu bảo tồn biển đảo. Không còn bị con người săn đuổi, quần thể hải cẩu lông và hải tượng dần phục hồi. Trên Nam Georgia hiện đang có khoảng 400.000 đôi chim cánh cụt vua và 30 triệu cặp chim biển các loại. Tuy nhiên, quần thể cá voi thì chưa và nhiều khả năng vĩnh viễn không thể trở lại số lượng trước đây.
Cân bằng sinh thái là tiền đề duy trì và bảo vệ sức khỏe hành tinh. Bất kể là sự mất mát hay suy giảm của loài nào cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của Trái đất. Nam Georgia như một bài học đắt giá, con người chỉ nhận ra khi chuyện đã rồi. Mặc dù các thế hệ sau đang và sẽ tiếp tục cố gắng cứu vãn, nhưng cũng không cách nào chữa lành hẳn vết thương đã gây ra cho thiên nhiên.