(GD&TĐ) - Hiện nay việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt là về nội dung phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương đã được triển khai sâu rộng, thu hút và lan tỏa đối với các tổ chức, cơ sở đảng trong cả nước. Xung quanh việc triển khai và kết quả thực hiện thực tiễn, báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc tiếp xúc và trao đổi với ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, người đạt số phiếu tín nhiệm cao nhất (88/5% số phiếu tín nhiệm cao, không có phiếu tín nhiệm thấp) trong cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm 15 chức danh của HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế vào ngày 18/7.
Cùng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, thì việc học tập tư tưởng đạo đức và tác phong của Bác theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW ngày 24/5/2011 đang tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong tư tưởng, hành động của cán bộ Đảng viên. Ông nghĩ gì về điều này?
Ông Ngô Hoà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế |
- Có thể nói, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nhận được sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân và ngày càng đi vào cuộc sống, bước đầu tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, củng cố lại niềm tin của nhân dân vào Đảng trong thời kỳ xây dựng đất nước theo hướng CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Chúng ta có thể tự hào tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của nhân dân ta cả hiện tại và muôn đời sau. Những thành tựu trong công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đều gắn liền với vai trò quan trọng của cán bộ, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Điều đó ai cũng thấy được, tuy nhiên chúng ta cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng trước sự suy thoái về tư tưởng, phẩm chất, đạo đức cách mạng của một bộ phận cán bộ Đảng viên, những biểu hiện quan liêu hách dịch cửa quyền, xa rời quần chúng, tham ô, tham nhũng, chạy chức chạy quyền... đã xuất hiện ở một bộ phận cán bộ như Đảng ta đã nhận định.
Trong bối cảnh đó, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rất quan trọng, cấp thiết...Việc gì cũng vậy nó cũng phải có quá trình, từ cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nay phải trở thành việc làm thường xuyên, tự thân, tự giác và suốt đời đối với mỗi cán bộ Đảng viên; phải là sự chăm lo thường xuyên, có kế hoạch triển khai thực hiện, kiểm tra giám sát của mỗi tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị ở các cấp các ngành. Chúng ta vui mừng khi nhận thấy sự chuyển biến tích cực trong ý thức và hành động của cán bộ Đảng viên về học tập phong cách quần chúng và dân chủ của Bác Hồ kính yêu.
Theo ông có những giải pháp thiết thực nào để loại bỏ tệ nạn xa rời quần chúng?
- Vấn đề là ở nhận thức và hành động của cán bộ, cán bộ phải từ dân mà có, không có dân thì làm gì có khái niệm cán bộ, vì vậy cán bộ phải vì dân và vì thực sự chứ không được mị dân, vì dân "trên đầu môi chót lưỡi", phải hết lòng vì dân và vì dân là vì nước. Phải nghe dân nói; có thế thì cán bộ phải gần dân, không gần dân làm sao hiểu được cuộc sống, nỗi niềm tâm tư, ước vọng của dân được. Tự thân cán bộ phải thấy xa rời quần chúng là một tệ nạn, là điều cấm kỵ đối với mỗi người cán bộ. Tôi luôn tâm niệm điều đó và thực sự tôi đang cố gắng để rèn luyện mình theo tâm niệm đó. Tất nhiên cuộc sống thì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không ai giống ai nhưng mình phải lấy cái chung nhất, cái tốt nhất để hướng đến, phải hướng thiện. Trong công việc phải tôn trọng dân chủ nhưng phải kỷ cương, kỷ luật và cũng không để dân chủ bị lợi dụng.
Thực hành dân chủ lại là chìa khóa vạn năng của mọi vấn đề. Xuất phát từ người làm giáo dục, xin ông vui lòng hiến kế cho việc thực hành dân chủ trong nhà trường hiện nay, một trong những vấn đề đang được coi là bất cập cần được tháo gỡ?
- Tôi cho rằng, phong trào xây dựng Trường học thân thiện, học sinh tích cực được ngành GD&ĐT triển khai 5 năm qua đã tạo ra không khí dân chủ tích cực trong nhà trường, làm thay đổi mối quan hệ cấp trên đối với cấp dưới, giữa lãnh đạo với giáo viên, nhân viên, giữa thầy và trò. Tuy nhiên, để dân chủ thực sự là chìa khóa vạn năng thì đúng là có rất nhiều việc cần phải làm. Khó nhất vẫn là sự thay đổi trong tư duy nhận thức của từng con người, trong đó, vai trò quyết định vẫn là người đứng đầu. Người ta vẫn thường nói "Cây có ngay thì bóng mới thẳng", người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nhà trường mà đủ tâm, đủ tầm, gương mẫu, không sợ khuyết điểm, không sợ phê bình ắt sẽ tạo được không khí dân chủ, cởi mở trong đội ngũ…
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Thị Thúy Hồng
(Thực hiện)