Lưu Trọng Ninh cùng đồng nghiệp nghiên cứu kịch bản khi làm phim "13 nữ tử tù".
Đỗ thủ khoa vì lời thách đố
Lưu Trọng Ninh sinh trưởng trong một gia đình nền nếp tại Quảng Bình. Thân phụ là nhà thơ tiền chiến tài danh Lưu Trọng Lư, thân mẫu là Tôn Nữ Lệ Minh, một thời được coi là tuyệt sắc giai nhân. Bà là thầy dạy đàn tranh cho Nam Phương Hoàng hậu và đã sáng tác rất nhiều bản nhạc trữ tình thấm đậm hồn dân tộc.
Trọng Ninh chỉ được sống trong không khí văn chương nghệ thuật của gia đình một thời gian ngắn, từ nhỏ đến năm lên 8 tuổi. Sau đó là loạn lạc, chiến tranh và anh phải theo lớp học đi tản cư ở khắp các vùng nông thôn miền Bắc. Lúc ấy, văn là môn anh học dở nhất, tới nỗi không thể nào hiểu và phân biệt được các thể loại như phân tích, chứng minh, bình luận... Anh đâm ra ghét văn chương, nghệ thuật và cho rằng nó quá khuôn phép, phù phiếm và vô bổ.
Cuộc đời của Lưu Trọng Ninh đi theo những ngã rẽ đến với nghệ thuật điện ảnh, theo anh, tất cả đều do hai từ “hiếu thắng”. Anh kể: “Đang lơ ngơ giữa phố phường Hà Nội, tình cờ gặp ông bạn đang chuẩn bị thi Khoa Đạo diễn Trường Sân khấu Điện ảnh, bị khích bác cho mấy câu mà tôi “máu” lên, nghĩ sao mình không vào thử một cú xem sao? Mặc dù chẳng hiểu gì về điện ảnh nhưng tôi vẫn đỗ thủ khoa. Kể từ đó, tôi lại thấy yêu văn chương nghệ thuật”.
Chàng sinh viên Trường Sân khấu Điện ảnh khi ấy không hứng thú chuyện học gạo, càng không ưa lối làm phim cốt chỉ minh họa cho ý tưởng chủ quan của một nhóm người nào đó, nên anh không chủ động làm quen với những người trong nghề. Lưu Trọng Ninh cho rằng, trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, chẳng ai dạy khôn cho ai được.
Tận dụng những thế mạnh của thời đổi mới, Lưu Trọng Ninh không hề né tránh cái dữ dội, quyết liệt của đời sống (Canh bạc, Bến không chồng), đồng thời anh cũng tự thả cây đàn cảm xúc của mình để ngân nga với những cung bậc cao độ nhất những chiến tích hào hùng, đầy tự hào của dân tộc, của xứ sở (Ngã ba Đồng Lộc). Cái đích cuối cùng mà các bộ phim của anh nhất quán nhắm tới chính là sự vui buồn, nỗi khổ đau - nói chung là cuộc đời và phận số của những con người bình thường mà anh đồng cảm, chia sẻ.
Tiền thân của bộ phim “Canh bạc” là tác phẩm tốt nghiệp của Lưu Trọng Ninh có nhan đề “Người đàn bà qua bốn đời chồng”, chủ yếu nói về khả năng tự giải phóng của những người phụ nữ thời kỳ đầu đổi mới. Những kẻ đam mê đỏ đen có thể quên sạch mọi ràng buộc đạo lý và thậm chí dám gán cả vợ vào một canh bạc. “Mọi sự trên đời này, nếu nghĩ cho kỹ thì chẳng giống một canh bạc sao? Cái bản năng gốc ham hưởng thụ và ham sống đến mức bất nhã ấy tôi nhìn thấy rất rõ và tôi tôn trọng sự thật cơ bản của đời sống”, Lưu Trọng Ninh triết lý.
Đến “Hãy tha thứ cho em”, anh càng chú tâm khai thác phần nhân tính chưa được ai nói tới này. Anh yêu một lớp người mới trẻ trung tràn đầy sức sống và họ biết lắng nghe tiếng nói nội tâm. Trong cuộc kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc, anh cho rằng nếu họ có mắc sai lầm thì cũng dễ tha thứ.
Đạo diễn thích khai phá
Nhiều người nhận xét rằng, phim của Lưu Trọng Ninh luôn có cái chất riêng, và những vai nam chính, đâu đó đều có dáng dấp tính cách anh. “Nghệ thuật đích thực phải là tiếng nói của chính bản thân đời sống, đúng hơn là tiếng nói của bản năng trong mỗi con người. Tôi đem tư duy của mình để giải quyết những chi tiết, tình huống xảy ra trong phim và đó chính là dấu ấn, là phong cách riêng của đạo diễn”, Lưu Trọng Ninh khẳng định.
Anh kể chuyện mình thủ luôn vai diễn chính trong phim “Bến không chồng” cũng là do mãi không tìm được diễn viên, anh điên tiết, hầm hừ một câu: “Không có ai đóng thì tôi đóng”. Thế là có chuyện buồn cười: Lúc xem lại cảnh quay, không hiểu nhân vật anh thủ vai đang nói câu gì mà mồm mấp máy không giống thoại, xem một hồi anh mới hiểu ra là chính mình vừa hô “Bắt đầu”, rồi quay sang đọc thoại, đọc thoại xong lại hô “Cắt”.
Trong từng ấy bộ phim của mình, Lưu Trọng Ninh đều làm việc với những nhà quay phim gạo cội như Trần Thế Dân, Nguyễn Hữu Tuấn... Phải đặt câu hỏi ngược lại, vì sao những tay máy xuất sắc đó lại thích cộng tác với anh? Sự cộng hưởng ăn ý này sinh ra một phong cách tạo hình chững chạc, nhiều sáng tạo, giàu chất thơ. Mọi cố gắng, mọi tìm tòi đều để làm sáng bừng lên tính cách nhân vật và cái phông nền để những tính cách ấy được bộc lộ ra. “Canh bạc”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Bến không chồng” đều được coi là những đỉnh cao của công tác tạo hình của điện ảnh nước nhà.
Trong dàn dựng, Lưu Trọng Ninh biết vận dụng các mảng miếng rất xi-nê-ma. Còn nhớ cảnh bọn “đầu gấu” đâm chém nhau tại một quán nhậu trong phim “Canh bạc”: những gương mặt đằng đằng sát khí, những lưỡi dao chọc tiết lợn vung lên loang loáng..., tất cả vẫn chưa đủ liều lượng nếu không có thêm miếng thịt bò còn ròng ròng máu treo trên một chiếc dây đung đưa qua lại.
Phim “Ngã ba Đồng Lộc” là sự kết hợp rất nhuần nhuyễn, rất sáng tạo và lẽ dĩ nhiên là rất thành công giữa cái thực và cái ước lệ, cái cụ thể và cái trừu tượng, chất thơ và chất đời thường trong điện ảnh. Hình ảnh một bà lão già dáng thấp nhỏ, lưng còng gập cứ trèo qua hết hố bom này tới hố bom khác để lên thăm cô cháu gái ở ngã ba Đồng Lộc có cái gì đó hơi khiên cưỡng, vô lý. Nhưng chỉ cần thêm những câu hát dặm miền Trung và sau đó thêm lời bà cụ nói với đám con cháu: “Mẹ việc chi phải đi vòng. Mẹ quen đi thẳng rồi”, hiệu ứng tổng thể đã xảy ra và dâng trào thành cảm xúc.
Một thứ “trời cho” nữa thuộc năng lực đạo diễn của Lưu Trọng Ninh là anh thường chọn những người chưa đóng phim bao giờ để giao ngay cả vai chính lẫn vai phụ. Vai nữ chính trong phim “Hãy tha thứ cho em” được giao cho một nữ sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Hoặc số đông các cô gái thanh niên xung phong trong “Ngã ba Đồng Lộc” là sinh viên Đại học Sư phạm Vinh lần đầu tiên đứng trước ống kính. Họ vào vai một cách tự nhiên, tươi tắn và rất... có nghề. Điều này chứng tỏ Lưu Trọng Ninh không chỉ có con mắt tinh đời mà còn có khả năng chỉ đạo diễn xuất tài tình.
Đạo diễn bộc lộ quan điểm: “Không phải chuyện mới hay cũ mà vì chúng ta chưa có diễn viên ngôi sao và chuyên nghiệp. Diễn viên ngôi sao và chuyên nghiệp là gì? Là với mỗi nhân vật ở mỗi bộ phim khác nhau họ biến đổi từ giọng nói đến tính cách. Chúng ta không có diễn viên như thế, chẳng có sự biến đổi nào cả. 10 bộ phim mà diễn viên ấy đóng vai chính thì có thể dựng thành 1 phim. Tôi không muốn tìm những ngôi sao như thế. Biện pháp tình thế là đi tìm những người gần với nhân vật, cho họ thể hiện chính họ. Về phía khán giả, họ cũng cảm thấy nhàm chán khi cứ gặp đi gặp lại những gương mặt quen thuộc. Thôi thì có thể phim chưa hay nhưng ít ra mình cũng tránh được sự nhàm chán”.
Bộ phim “Hoa cỏ may” của Lưu Trọng Ninh từng được xem là bước đệm để những cái tên mới khai phá tiến xa trên con đường nghệ thuật của mình. Hồ Ngọc Hà thủ vai là một tiểu thư lai Âu có mái tóc vàng. Cô được Lưu Trọng Ninh mời đóng phim khi đang học năm thứ hai Khoa Piano tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Khi được mời tham gia phim này, Hải Anh vừa chập chững bước vào nghề người mẫu. Cũng như Hồ Ngọc Hà và Hải Anh, Vi Cầm là “tay ngang” đến với điện ảnh. Mặc dù Na là vai diễn đầu tiên nhưng cô sinh viên Khoa Violin Nhạc viện Hà Nội đã thể hiện rất tốt nhân vật của mình.
“Tôi chọn diễn viên theo tiêu chí hợp vai, bất kể quen hay lạ. Ngồi với một người trong 5 phút, tôi có thể biết họ có hợp vai tôi đang cần hay không. Mỗi con người tôi đã gặp trong cuộc sống đều là một cá thể riêng với những nét tính cách riêng. Không có lý do nào cứ bắt khán giả phải gặp lại những nhân vật quen thuộc với những nét diễn cũ mòn, có thể tưởng tượng ra trước khi xem. Tôi yêu sự mộc mạc, tự nhiên trong diễn xuất của những diễn viên mới. Đôi lúc, tôi có cảm giác họ không hề diễn mà đang sống cuộc đời của họ trên phim. Những diễn viên đã được khán giả biết đến khi vào phim tôi cũng sẽ phải làm lại từ đầu. Không có ranh giới giữa người cũ và người mới”, vị đạo diễn bộc bạch.
“Càng toan tính, càng dễ thất bại”
Nói chuyện về điện ảnh, Lưu Trọng Ninh bảo quan trọng nhất là cái “bệ phóng”. Ví von sang chuyện nhảy cao thì điện ảnh Mỹ coi như nhảy được 3 mét, ta có nhảy được 20 mét cũng chẳng ăn thua, vì họ đứng trên bệ 30 mét nó nhảy, còn bệ của ta chỉ được… vài phân. Nói thế để khẳng định, nước nào có nền tảng mạnh thì điện ảnh sẽ càng hấp dẫn. Như Trung Quốc, nền tảng văn hóa mạnh, nên mỗi câu chuyện trong điện ảnh chứa đựng cả một triết lý văn hóa bên trong, thế nào cũng hay. Hay Iran, Iraq, tuy ít xuất hiện nhưng ra phim nào đều xuất sắc phim đó, vì nó có cả một nền văn hóa Lưỡng Hà đằng sau.
“Đầu tiên, phải coi điện ảnh là bộ mặt của quốc gia, làm sao thành một chính sách để đưa nó ra thế giới, rồi mới đến bước thứ hai là đào tạo. Cả 5 năm đi học điện ảnh mà chỉ làm những bài tập ngắn thôi, mà không được tiếp xúc với những đạo diễn giỏi của nước ngoài thì cũng rất là khó. Phải làm giống như Hàn Quốc, tức là bỏ ra một ngân sách nào đó để cử những người yêu thích điện ảnh và có năng lực sang học bên đó. Và cả một thế hệ được học như vậy, chứ không phải chỉ có một, hai người học. Hàn Quốc đã tạo ra cuộc cách mạng, đưa nền điện ảnh của họ đi những bước rất là lớn. Tôi nghĩ là Việt Nam có thể làm điều đó”, anh dốc lòng.
Bên cạnh đó, Lưu Trọng Ninh cho rằng, lớp trẻ ngày nay được rộng mở tiếp cận với nền điện ảnh thế giới và được ra nước ngoài nhiều nhưng theo anh họ không có điều kiện để bộc lộ tài năng của mình. Họ có kỹ năng rất tốt, nhưng thực sự tiếc cho họ là họ không có hoàn cảnh tốt. Thế hệ anh làm phim ra để mong được giới phê bình, báo chí hay giới chuyên môn khen, còn họ thì ngược lại: làm phim ra là phải bán được vé. Mà thường thì giới phê bình trong nghề và số lượng vé thì trái ngược nhau.
Trong nghề, Lưu Trọng Ninh luôn xác định mình là một người lính xung kích và luôn ở một cõi riêng, một con đường riêng. Mỗi bộ phim với anh là một cuộc tự thách đấu. Anh không chủ trương làm phim để phục vụ số đông, bởi theo anh, không có gì tuyệt vời hơn là có cơ hội được làm những gì mình yêu thích, được thỏa mãn những đam mê của chính mình. Qua những năm tháng sống và thở cùng điện ảnh, Lưu Trọng Ninh đúc kết: “Đừng toan tính nhiều quá, càng toan tính càng dễ thất bại. Cứ tận tâm hết mình thì sẽ gặt hái được kết quả”.