Phim gây chú ý bởi nhiều cảnh tượng trần trụi, khắc họa chân thực nỗi thống khổ của người dân Việt Nam ở vùng quê Bắc bộ thời kỳ trước 1975.
Thương nhớ ở ai được chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng thành công với phiên bản điện ảnh của tác phẩm văn học này.
Phim quay tại hàng chục làng quê khắp các tỉnh Bắc, Trung bộ và phải làm kỹ xảo 2.000 cảnh quay để tái hiện bối cảnh làng Đông - một làng quê Bắc bộ điển hình những năm 1954 - 1975.
Nội dung phim khắc họa số phận bi kịch của những phụ nữ nông thôn thời hậu chiến. Họ không chỉ chịu nỗi đau mất mát người thân mà còn bị giam cầm, trói buộc bởi những định kiến, thủ tục hà khắc, phải đè nén, chôn giấu những khát khao hạnh phúc cá nhân.
Chuyện mặc yếm mà không mặc áo ngực trong phim “Thương nhớ ở ai” đã vướng phải nhiều ý kiến khen, chê. Nhiều người cho rằng đó là cách ăn mặc đúng với phụ nữ Việt Nam ở thập niên 50-60 của thế kỷ trước. Mặt khác, nhiều ý kiến lại cho rằng đó là cách ăn mặc phản cảm, không phù hợp để chiếu trên truyền hình với đối tượng khán giả đa dạng.
Nói về việc này, đạo diễn Lưu Trọng Ninh mong khán giả hãy công bằng, đừng quan tâm đến chuyện nhỏ mà hãy chú trọng nội dung phim.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng xác nhận việc ông chính là người đưa ra quyết định không để các diễn viên nữ mặc áo ngực mà không cần tranh luận với tổ phục trang về vấn đề này.
Đạo diễn cho rằng mọi người nên quên đi chuyện phục trang và những tranh luận xung quanh vấn đề này là không cần thiết. Ông cũng mong: "Mọi người hãy công bằng với những gì phim đem đến chứ đừng chạy theo chuyện nhỏ nhặt ấy" và ông cũng chỉ quan tâm đến việc bộ phim có thực sự chạm đến trái tim mọi người hay không, có chạm đến cảm xúc của họ hay không.
Bỏ qua những ồn ào, tranh luận xung quanh chuyện phục trang của phim, đạo diễn Lưu Trọng Ninh rất vui khi "Thương nhớ ở ai" được khán giả đón nhận tích cực. "Tôi không ở Hà Nội. Chỗ tôi ở rất xa và không có Internet nên tôi không biết trên mạng mọi người viết gì nhưng qua điện thoại, tôi được nghe mọi người nói những điều rất tuyệt vời về phim".
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng chia sẻ anh chọn phụ nữ làm nhân vật trung tâm khi khắc họa thời kỳ nghèo khổ, bế tắc của người nông dân Việt Nam.
"Nỗi đau của thời đại in hằn lên số phận phụ nữ rõ nét hơn đàn ông", Lưu Trọng Ninh nói. Trong tập một, hình ảnh cô gái chửa hoang bị cạo đầu bôi vôi, trói tay, thả bè trôi sông gây ám ảnh. Lũ trẻ hò nhau ném đá, chửi rủa cô. Khi đào hát Nương muốn cứu cô gái, ông lái đò ngăn cản vì sợ cả làng ruồng rẫy. Khi Liễu cùng Nương trở về làng, hai cô gái bị người dân xua đuổi vì cho rằng họ làm bại hoại gia phong.