Sau 20 năm gắn bó với phim hoạt hình, mới đây đạo diễn, họa sĩ Trịnh Lâm Tùng bắt tay thực hiện dự án “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” với mong muốn được chung tay gìn giữ những nét đẹp truyền thống văn hóa Việt.
Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trò chuyện với anh xung quanh sự đầu tư “mạnh tay” này.
- Vì sao anh lại lựa chọn nhân vật Trạng Quỳnh để thực hiện dự án bộ phim hoạt hình 3D lên đến vài trăm tập?
- Trong kho tàng văn hóa dân gian người Việt có rất nhiều hình tượng, giai thoại về các ông Trạng. Tiêu biểu nhất là 5 ông Trạng lừng danh đại diện cho các mặt đời sống, các mối quan hệ xã hội xưa.
Đó là: Trạng lợn - ông Trạng may mắn vui vẻ; Trạng Quỳnh - ông Trạng thâm thúy, trí tuệ hơn người; Ba Giai - Tú Xuất: cao thủ quậy phá; bác Ba Phi - ông Trạng nói dóc châm biếm; Xiển Bột - ông Trạng chữa bệnh.
Các ông Trạng đều chung một điểm là thể hiện ước mơ được sống ấm no, hạnh phúc, lạc quan yêu đời của người dân thông qua các giai thoại dí dỏm, châm biếm, đả kích những thói xấu của xã hội, đám quan lại cường hào ác bá...
Thực chất, bé Trạng Quỳnh trong series phim “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” được xây dựng mang đầy đủ các yếu tố của những ông Trạng này. Tuy nhiên, trong đó tập trung hơn cả vào Trạng Quỳnh – nhân vật đại diện cho khát vọng học vấn với trí tuệ hơn người, thông minh, hiếu lễ của người Việt xưa cũng như phù hợp với việc ê-kíp sáng tạo khai thác các góc độ nội dung làm sao có thể phản ánh các vấn đề trong xã hội ngày nay.
- Trạng Quỳnh là nhân vật hư cấu trong dân gian và rất quen thuộc với tuổi thơ của nhiều người. Với anh, đó là thuận lợi hay khó khăn khi thực hiện dự án?
- Đây là nhân vật tiêu biểu trong văn hóa dân gian Việt nên hình ảnh của Trạng Quỳnh đã được rất nhiều loại hình nghệ thuật lấy làm cảm hứng sáng tác như: Điện ảnh, kịch nói, truyện tranh… và đều thể hiện rất xuất sắc. Tuy nhiên, tài liệu ghi chép về nhân vật xuất chúng này còn rất hạn chế.
Vì vậy, việc sáng tạo nên một “diện mạo” mới cho ông Trạng là điều rất khó, trăn trở nhiều ngày với những người thực hiện dự án này. Bằng sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc từ nền tảng văn hóa dân gian cả chính thống và truyền miệng, qua các ấn phẩm, tác phẩm của các thế hệ trước; nghiên cứu các loại hình nghệ thuật, chất liệu thể hiện, chúng tôi đã “làm mới” một Trạng Quỳnh với góc nhìn chân thật, gần gũi với tuổi thơ Việt.
Việc cố gắng vượt qua những khuôn mẫu quen thuộc với khán giả về Trạng Quỳnh cũng là điều mà chúng tôi quan tâm và tập trung dốc sức để xây dựng một hình tượng mới cho tác phẩm của mình.
- Làm thế nào để có thể giữ được một Trạng Quỳnh truyền thống trong dân gian mà vẫn mang hơi thở cuộc sống hiện nay, thưa anh?
Đạo diễn, họa sĩ Trịnh Lâm Tùng. Ảnh: NVCC |
- Vì định hướng của dự án với giá trị cốt lõi và ước mơ: “Góp phần gìn giữ văn hóa Việt và giới thiệu đến khán giả quốc tế những nét đẹp truyền thống dân gian Việt Nam” nên về mặt nội dung dựa trên các giai thoại gần như được lược bỏ.
Chúng tôi chỉ giữ lại hồn cốt để “biến hóa” và “sáng tạo” nên những câu chuyện mang hơi thở thời đại, dễ tiếp cận với đại đa số khán giả trong nước và quốc tế. Các yếu tố dân gian truyền thống được nghiên cứu kĩ càng, thể hiện qua kiến trúc, phục trang, sinh hoạt đời sống thường ngày của người dân Việt thế kỉ 18.
Các câu ca dao, tục ngữ, nghề thủ công, hay công việc đồng áng của nền văn hóa lúa nước cũng được chú trọng đưa vào một cách hợp lý, đầy đủ hàm lượng để “tuổi phim” phản ánh đúng thế giới hiện thực thời kì đó nhưng vẫn dễ dàng đón nhận với khán giả thời nay, đặc biệt là những khán giả “nhí”.
- Qua dự án này, anh muốn gửi gắm điều gì?
- “Nâng niu tuổi thơ Việt” đó là những điều mà chúng tôi mong muốn và dốc sức thực hiện. Qua mỗi tập phim đâu đó cũng là tuổi thơ của tôi, của bạn bè và tuổi thơ của biết bao thế hệ người dân Việt.
Tôi mong muốn “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” sẽ mang lại những giây phút thực sự vui vẻ sau giờ phút học tập và làm việc căng thẳng mà vẫn đọng lại nhiều giá trị về cuộc sống, cùng các bài học nhẹ nhàng, trải nghiệm lý thú và bổ ích.
Thông qua các tập phim, tôi ước mơ chung tay gìn giữ những nét đẹp truyền thống văn hóa từ ngàn xưa mà cha ông đã dày công tạo dựng, vun đắp qua nhiều thế hệ. Đó chính là nền tảng, cốt cách, hành trang cho mỗi một người thực hiện ước mơ và hoài bão của mình.
- Hiện nay, phim hoạt hình ra rạp rất ít, vậy anh có dự định đưa “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” ra rạp không?
- Hoạt hình là thể loại đầu tư vô cùng tốn kém, nhất là với chất liệu thể hiện bằng công nghệ 3D. Nguồn nhân sự để đảm bảo đủ năng lực sản xuất phim chiếu rạp ở Việt Nam cũng vẫn còn hạn chế nên cần có thời gian để chuẩn bị và đào tạo.
Dự án phim “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” là sự kết hợp của 2 đơn vị chuyên sản xuất và phát hành phim hoạt hình hàng đầu Việt Nam: Sconnect và Alpha Animation Studio.
Đây là một dự án trọng điểm trong việc xây dựng IP “Trạng Quỳnh” của chúng tôi, bên cạnh đó là các mảng khai thác tiềm năng như chia sẻ bản quyền khai thác hình ảnh, các sản phẩm vật lý, nhãn hàng hay xa hơn là ước mơ xây dựng hệ thống những khu vui chơi - trải nghiệm - khám phá - học tập thuần Việt.
Với series phim ngắn “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” trước tiên chúng tôi dự kiến sản xuất với các định dạng và thời lượng khác nhau, khai thác trên đa nền tảng như OTT, IPTV... Sau đó, dự án làm phim chiếu rạp là đích mà chúng tôi hướng tới trong tương lai không xa.
Tất cả những bước đi này đều nằm trong dự định, chuẩn bị kĩ càng cho việc sản xuất và phát hành phim “Trạng Quỳnh” phiên bản cao cấp nhất - khai thác tại hệ thống các rạp chiếu trong nước và quốc tế. Hiện nay, đối tác chiến lược của chúng tôi đã làm việc với hai hệ thống rạp chiếu đa quốc gia là CGV và Galaxy để có những bước đi đúng đắn.
Alpha chúng tôi cũng sẵn sàng chuẩn bị các nguồn lực về tài chính, nhân sự chuyên môn cao cấp, trang thiết bị hiện đại để đảm bảo cho việc làm phim ra rạp đạt các tiêu chí tiêu chuẩn cả về kĩ thuật và nghệ thuật.
- Trân trọng cảm ơn anh!
Bộ phim hoạt hình 3D “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” có quy mô lên tới 450 tập, mỗi tập có thời lượng 3,5 - 4 phút, tần suất 1 tập/tuần. Mỗi tập phim là một câu chuyện hài hước, nhí nhố của cậu bé Quỳnh và những người xung quanh. Qua đó, những giá trị văn hóa quen thuộc với người Việt như: Phong tục, lễ hội, ẩm thực, trò chơi dân gian, ca dao, tục ngữ hay các giá trị đạo đức, triết lý, lịch sử… được tái hiện một cách sinh động. Đồng thời, mỗi tập phim luôn có giá trị giáo dục cao, mang tính thời đại để tiếp cận tới đông đảo khán giả trong nước và quốc tế.