Người dân muốn công khai, minh bạch

GD&TĐ - Thuế, phí và lệ phí là một trong những nguồn thu chính của ngân sách Nhà nước. Doanh nghiệp, người dân đóng thuế với mong muốn sẽ được hưởng thụ lại thông qua đầu tư công (y tế, giáo dục, phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp…) nhưng thực tế cho thấy, những đóng góp và cả sự kỳ vọng của người dân chưa được đền bù xứng đáng. 

Người dân muốn công khai, minh bạch

Đó là tình trạng thất thu thuế, sự thiếu minh bạch tài chính và thuế trong quá trình phân phối cũng như sử dụng.

Bất bình đẳng

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách, chiếm tỷ trọng từ 70 - 80% tổng thu ngân sách Nhà nước. Từ năm 2006 đến nay, tổng thu thuế trên GDP giảm dần, từ 24% (giai đoạn 2006 - 2008) xuống còn 18% (giai đoạn 2014 - 2016).

PGS. TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), thành viên nhóm nghiên cứu Báo cáo Công bằng thuế 2017 chỉ ra, thuế, phí và lệ phí đóng góp cho GDP cả nước từ 22 - 23%. Tính trung bình, tốc độ tăng trưởng số thu thuế, phí là lệ phí hàng năm khoảng 17%. Mặt khác, ở nước ta, tỷ trọng thuế gián thu đang tăng mạnh và tỷ trọng thuế trực thu có xu hướng giảm.

Đây là tín hiệu buồn bởi thuế gián thu mang tính lũy thoái còn thuế trực thu mang tính lũy tiến. Khi ngân sách Nhà nước dựa nhiều vào thuế gián thu chứng tỏ người dân thu nhập trung bình và thấp đang phải chịu nhiều loại thuế qua các việc tiêu thụ sản phẩm sử dụng các loại hình dịch vụ thiết yếu. Trong khi đó thuế đánh trực tiếp vào thu nhập hay tài sản của người có thu nhập cao, tài sản có giá trị lại giảm đi do chính sách ưu đãi thuế đang tạo ra sự bất bình đẳng trong việc đóng thuế dựa trên tỷ lệ thu nhập.

Điển hình cho sự bất bình đẳng trên là sự ưu đãi thuế cho doanh nghiệp vốn nước ngoài. Cùng đầu tư vào một lĩnh vực nhưng doanh nghiệp nước ngoài chỉ phải chịu thuế bằng gần một nửa so với doanh nghiệp trong nước… Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, chính sách ưu đãi thuế để kêu gọi đầu tư ra đời cách đây chừng 30 năm đã thu hút một lượng lớn doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhưng cho đến nay khi nền kinh tế, xã hội đã khác nhưng chính sách thuế lại không thay đổi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có sự đánh giá được - mất giữa việc ưu đãi thuế và đóng góp vào ngân sách Nhà nước, an sinh xã hội của doanh nghiệp FDI.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng nếu tiếp tục chính sách tăng thuế gián thu (VAT lên 12%, tăng thuế môi trường…) thì gánh nặng thuế tiếp tục đè lên vai người nghèo, những người đáng ra phải được hỗ trợ, thụ hưởng qua đầu tư công.

Chưa minh bạch thu - chi

Người dân hiện nay bị chi phối bởi nhiều loại thuế. Điều này cho thấy không chỉ doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như người dân đang đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách Nhà nước.

Đây là việc bình thường của bất kỳ quốc gia nào. Nhưng điều bất thường là khi động đến việc tăng thuế dù ở lĩnh vực nào cũng vướng phải sự phản đối của người dân, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, nguyên nhân do sự thiếu công khai, minh bạch trong việc thu và chi ngân sách bấy lâu nay. Người dân hiện không hiểu tiền mình đóng thuế đang được sử dụng như thế nào cho dù ngân sách chi cho giáo dục, y tế và nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao với tỷ lệ lần lượt là 4% GDP, 1,7% GDP và xấp xỉ 2% GDP nhưng trên thực tế dân vẫn phải đóng góp nhiều khoản cho con cái khi đi học, khi ốm đau và tự lo kinh tế lúc về già…

Ngoài ra, để thu được 100 đồng tiền thuế, ngân sách Nhà nước phải bỏ ra 2,4 đồng để thực hiện thu thuế. Con số này cho thấy ở góc độ nào đó thuế và quản lý thuế vẫn là gánh nặng cho nền kinh tế. Điều đáng lo là hệ thống này đang có dấu hiệu ngày càng dồn gánh nặng thuế, phí cho người có thu nhập thấp.

Để phân chia gánh nặng, để thuế là động lực phát triển, các nhà nghiên cứu cho rằng, đã đến lúc phải ban hành loại thuế tài sản phù hợp thay vì thuế đánh vào người tiêu dùng. Rà soát chính sách miễn giảm thuế và công bố công khai cho người dân biết trên cơ sở tính toán được phần thuế bị mất đi do miễn giảm thuế. Giữ vững hướng cải cách theo hướng tách các chính sách xã hội ra khỏi chính sách thuế đồng thời làm tốt hơn nữa việc phân bổ ngân sách cho nhóm người dễ bị tổn thương…

Theo số liệu của Bộ Tài chính năm 2016, ước tính thất thu thuế do các ưu đãi thuế (bao gồm cả phí, lệ phí và tiền thuê mặt đất, mặt nước) là 64.000 tỷ đồng. Con số này tương đương với 5,8% tổng thu ngân sách, 33% tổng chi thường xuyên cho giáo dục và 84% chi thường xuyên cho y tế. (Báo cáo Công bằng thuế 2017)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.