Đánh thức vùng đất khó

GD&TĐ - Với sự thay đổi về nhận thức, vợ chồng chị Thương người dân tộc Chứt đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Quyết tâm lập nghiệp từ vùng đất khô cằn

Cách đây hơn 5 năm, vùng đất Đá Bòng ở thôn Tân Lợi xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình chủ yếu là cỏ dại trải dài, phía dưới là đất đá khô cằn, người dân khai hoang trồng được vài vụ hoa màu nhưng không hiệu quả nên đành bỏ hoang, phần vì đất cằn, phần vì không có nguồn nước.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Bình Diệp Thị Minh Quyết thăm mô hình kinh tế của hội viên Cao Thị Thương.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Bình Diệp Thị Minh Quyết thăm mô hình kinh tế của hội viên Cao Thị Thương.

Năm 2016, đôi vợ chồng trẻ Cao Thị Thương và Đinh Xuân Thái đã chọn vùng đất này để bắt tay lập nghiệp. Nay đất không phụ lòng người, mảnh đất hoang ngày ấy đã mọc lên trang trại kinh tế tổng hợp, cây ăn quả xanh tốt, chuồng trại rộn ràng âm thanh của gia súc, gia cầm.

Nói về những ngày đầu xây dựng mô hình kinh tế, chị Thương chia sẻ: khi chọn vùng đất này để trồng cây ăn quả, ai cũng can ngăn, nhưng đây là đất ông bà khai hoang để lại, mình con nhà nông chỉ biết dựa vào đất, không thử thì làm sao biết được thành công hay thất bại. Lúc ấy hai vợ chồng tiết kiệm và vay mượn anh em họ hàng được 20 triệu đồng, quyết định mua giống bưởi và ổi về trồng. Hai vợ chồng đã bất chấp thời tiết, tự cày cuốc, phát quang bụi rậm, cải tạo, quy hoạch vườn, lấy ngắn nuôi dài, cuốc đến đâu trồng cây đến đó, nói không với thuốc trừ cỏ, xử lý chất thải vật nuôi bằng chế phẩm vi sinh không làm ảnh hưởng đến môi trường, làm tốt các biện pháp phòng dịch bệnh vật nuôi.

Hết vốn, chị tìm đến chi hội phụ nữ để trình bày hoàn cảnh, xin vay vốn ưu đãi, lúc đầu làm đơn vay vợ chồng chị không được sự đồng ý của Ngân hàng CSXH huyện vì trước đây gia đình chị là một trong những hộ trả lãi không đúng quy định. Qua nắm bắt tình hình của Hội LHPN xã và cam kết của vợ chồng chị Thương, Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa đã cho vợ chồng chị cơ hội được vay các nguồn vốn với tổng số tiền vay đến nay 100 triệu đồng. Với số tiền này, hai vợ chồng tiếp tục thuê máy khoan giếng nước, đào thêm ao cá, thuê máy san ủi đất và khai hoang mảnh đất đồi gần 7000m2.

Quả ngọt từ những giọt mồ hôi

Thành quả hôm nay, từ mảnh đất đá sỏi, cỏ cây um tùm đã trở thành mô hình chăn nuôi tổng hợp vườn, ao, chuồng với quy mô lớn. Hiện vợ chồng chị Thương đang nuôi 20 con lợn rừng, trong đó có 10 con lợn nái đẻ; 50 con gà thịt và gà đẻ trứng; 04 con bò sinh sản, 03 ao cá với trên 400 con cá trắm, 100 con cá chép, 1.000 con cá rô, 1.000 con cá trê phi. Trồng hơn 12 loại cây ăn quả: 240 cây mít, 350 cây bưởi, 180 cây ổi, 100 cây hồng xiêm, 60 cây xoài, 10 cây vú sữa. Vườn cây phát triển tốt, vườn ổi của chị hàng năm đến mùa thu hoạch bán cho Siêu thị Diến Hồng tiêu thụ, các loại cây ăn quả khác cho thu hoạch luân phiên. Ngoài ra trồng xen lẫn giữa các loại cây gồm 400 cây chuối, chè, bí đỏ, rau để có thực phẩm cho gia đình, bán tăng thêm thu nhập và làm thức ăn cho gà, cá, lợn, bò. Mô hình đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng, trừ chi phí gia đình chị thu nhập 100-120 triệu đồng.

Đang chăm sóc đàn lợn con vừa mới đẻ, anh Đinh Xuân Thái chia sẻ: nuôi lợn rừng không khó vì thức ăn chủ yếu là chuối và cỏ, thị trường tiêu thụ cũng ổn định, gần tết Nguyên đán là đàn lợn đã được thương lái đặt mua trước.

Không chỉ vươn lên làm giàu, gia đình chị Thương còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ cây, con giống cho các hộ dân xung quanh để phát triển kinh tế.

Không chỉ vươn lên làm giàu, gia đình chị Thương còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ cây, con giống cho các hộ dân xung quanh để phát triển kinh tế.

Nói về bí quyết để có thể chăm sóc mô hình kinh tế hiệu quả, cho năng suất, anh Thái cho biết thêm: hai vợ chồng thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi cách chăm sóc cây ăn quả, kỹ thuật chăn nuôi trên sách báo, mạng xã hội, từ đó áp dụng vào trồng trọt và chăn nuôi. Hơn nữa, hai vợ chồng dành hết thời gian trong ngày đầu tư làm vườn, tự chế biến thức ăn cho đàn vật nuôi. Để hạn chế sử dụng phân bón hóa học và đỡ kinh phí trong trồng cây ăn quả, cứ chiều về vợ chồng chị Thương, anh Thái đẩy xe rùa đi nhặt phân chuồng để ủ phân bón cho cây. Hiện vợ chồng anh đang thuê thêm đất của các hộ dân xung quanh để mở rộng nuôi lợn rừng và đầu tư nuôi dê, làm hầm bioga bảo vệ môi trường.

Nhờ có thu nhập ổn định, cuộc sống của vợ chồng chị Thương khấm khá hơn trước, nhất là anh Thái dành hết thời gian để làm kinh tế, dần bỏ những thói quen rượu chè bê tha, sống có trách nhiệm với gia đình và đam mê làm giàu. Trong thôn, trong xã ai cần giúp con giống, anh chị sẵn sàng giúp đỡ bằng cách khi nào họ nuôi lớn xuất chuồng mới lấy tiền vốn ban đầu.

Thấy được thành quả của vợ chồng chị Thương, có nhiều gia đình trẻ ở Yên Hóa cũng đã đầu tư cải tạo vườn xưa nay bỏ hoang ở vùng Đá Bòng này để trồng cây ăn quả.

Nhận xét về nghị lực của hội viên Cao Thị Thương, chị Đinh Thị Hà – Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Hóa nói: hội viên Thương là người dân tộc Chứt ở xã Hóa Sơn, về làm dâu ở vùng đất Yên Hóa, cuộc sống ngày trước rất vất vả, nhưng với sự thay đổi về nhận thức, sự đồng sức, đồng lòng, cần cù, chăm chỉ vượt khó, vợ chồng chị Thương đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình. Chị Thương là một trong những người tiên phong trong việc phát triển kinh tế với quy mô lớn nhất tại thôn Tân Lợi. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Thương còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ cây, con giống cho các hộ dân xung quanh để phát triển kinh tế. Mô hình kinh tế của gia đình chị Thương tạo động lực, khuyến khích cán bộ, hội viên phụ nữ trong xã mạnh dạn, nỗ lực, quyết tâm khởi nghiệp phát triển kinh tế, làm giàu, khẳng định vai trò, vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Chị Đinh Thị Ngọc Lê - Chủ tịch Hội LHPN huyện Minh Hóa cho biết: năm 2022, huyện hội đã đề xuất với tỉnh hội khen thưởng mô hình kinh tế tiêu biểu đối với hội viên Cao Thị Thương, đồng thời sẽ ưu tiên nguồn vốn khởi nghiệp để hỗ trợ hội viên Thương tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ