Sức hút từ đào tạo nhân lực du lịch

GD&TĐ - Du lịch là một trong những ngành có tiềm năng phát triển mạnh ở nước ta. Đây là ngành đang rất cần nguồn nhân lực bậc CĐ, trung cấp.Vì vậy, hiện nay nhiều cơ sở đào tạo đã cam kết việc làm đầu ra cho SV.

Nhân lực ngành Du lịch cần được chuyên nghiệp hóa
Nhân lực ngành Du lịch cần được chuyên nghiệp hóa

Bên cạnh đó, điều kiện xét tuyển hệ CĐ, trung cấp ngành du lịch cũng khá dễ dàng. Với thời gian học tương đối ngắn, các SV có thể nhanh chóng hòa nhập vào thị trường lao động.

Thực tập vẫn có lương

Tư vấn tuyển sinh hệ CĐ ngành Du lịch, Ths Nguyễn Thị Hải Hòa, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường CĐ Du lịch Hải Phòng cho biết: Nhà trường luôn chú trọng chất lượng đào tạo, lấy năng lực làm việc và việc làm của SV khi tốt nghiệp làm kim chỉ nam. Trên 70% thời lượng đào tạo của nhà trường là thời gian đào tạo thực hành chuyên môn.

Ngoài đào tạo cho SV kiến thức và kỹ năng, nhà trường còn phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khách sạn lớn để áp dụng mô hình đào tạo “kép”: Vừa đào tạo tại trường, vừa đào tạo tại doanh nghiệp. Tại doanh nghiệp người học có cơ hội tiếp xúc với thực tiễn công việc, hình thành năng lực làm việc toàn diện và đặc biệt là được doanh nghiệp hỗ trợ thu nhập từ 2 ­- 4 triệu/tháng.

Theo PGS.TS Đỗ Vĩnh - Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn: SV tốt nghiệp ngành du lịch của trường đều có cơ hội để xin việc làm ở các doanh nghiệp du lịch trong đó có Saigontourist và Viettravel. Các em cũng có thể tham gia hướng dẫn khách quốc tế. Tuy nhiên, để được nhận vào làm việc còn phụ thuộc vào kết quả phỏng vấn của nhà tuyển dụng.

Đối với Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, theo tư vấn, học sinh tốt nghiệp THPT hoàn toàn có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành học Hướng dẫn Du lịch. Học phí là 13 triệu đồng/năm. Thời gian học tập đối với đối tượng đã tốt nghiệp THPT là 2 năm và đối với những bạn đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên thì thời gian học tập là một năm.

Trong chương trình đào tạo, có 4 tour bắt buộc để thực tập và rèn luyện nghiệp vụ Hướng dẫn. Chi phí tham dự tour thực tập từ 10 - 20 triệu trong vòng 2 năm. Sau khi hoàn thành chương trình học tập, HS, SV sẽ được đi thực tập tại doanh nghiệp và tiếp cận các đối tác tuyển dụng của nhà trường.

Chuyển biến tích cực

Có thể nhận thấy, đặc thù của ngành Du lịch là luôn cần đến nguồn nhân lực trẻ trung và năng động. Để phục vụ hoặc tìm việc trong các lĩnh vực của ngành du lịch, người lao động cần được đào tạo qua các khóa học của các trường chuyên về du lịch hoặc những trường có ngành học này. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Du lịch, trong khâu tuyển dụng nhân sự đều chú trọng vào năng lực thực tế của ứng viên. Chính vì vậy, những HSSV hệ CĐ và trung cấp, có quá trình học tập gắn liền với thực hành tại doanh nghiệp luôn có nhiều cơ hội được tuyển dụng.

Theo khảo sát, cả nước hiện có 156 cơ sở tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch gồm 48 trường đại học, 43 trường CĐ, 40 trường trung cấp, 23 trung tâm đào tạo nghề và 2 công ty đào tạo. Các trường CĐ, trung cấp được tập trung tại các thành phố lớn và địa phương có lợi thế về tiềm năng du lịch. Trong những năm trở lại đây, các cơ sở đào tạo hệ CĐ, trung cấp nhìn chung đã có những đổi mới đáng kể trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với việc làm cho HSSV.

Được biết, công tác tuyển sinh ngành Du lịch tại một số trường CĐ, trung cấp dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 10, 11. Hiện đã có một vài trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Điều này cho thấy, sức hấp dẫn của ngành Du lịch đang ngày một lớn hơn và quan trọng hơn là nhận thức về học nghề, việc làm của giới trẻ đã có những chuyển biến tích cực.

Với trình độ tốt nghiệp THCS, các em học sinh đăng ký học ngành Hướng dẫn du lịch hệ trung cấp sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Sau 1,5 năm học hệ trung cấp, học sinh được cấp bằng Trung cấp chính quy chuyên ngành Hướng dẫn du lịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ