Trở lại với quy mô lớn hơn so với lần đầu ra mắt, Lễ hội Sông nước TPHCM 2024 với chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đa dạng, tái hiện một đô thị đặc trưng sông nước… đã thu hút đông đảo người dân, du khách trong, ngoài nước.
Nhiều hoạt động phong phú
Lễ hội Sông nước TPHCM 2024 với chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại” là chuỗi hoạt động du lịch, văn hóa, giải trí, nghệ thuật, thể thao, ẩm thực, mua sắm, định hướng trở thành một sự kiện thương hiệu, góp phần định vị TPHCM - một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa.
Lễ hội cho thấy quy mô rộng lớn và đa dạng các hoạt động, nhiều địa điểm tổ chức như: Khu vực Nhà Rồng - Khánh Hội, công viên Bạch Đằng, khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bến du thuyền Lan Anh (TP Thủ Đức), bến Ngôi Sao Việt (Quận 7), bến Bình Đông (Quận 8), khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, các khu du lịch, điểm đến khác trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện của TPHCM.
Trong đó phải kể đến đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại” mở màn cho sự kiện khai mạc Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ 2 tại khu Nhà Rồng - Khánh Hội - Cảng Sài Gòn (Quận 4, đã diễn ra vào tối 31/5). Vở diễn với 5 chương, kết hợp tính lịch sử, điện ảnh, giải trí để truyền tải những thông điệp ý nghĩa, câu chuyện lịch sử, sự phát triển của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TPHCM gắn với những dòng sông, kênh rạch.
Chương trình là câu chuyện về những chuyến tàu đặc biệt đã từng đến và đi trên sông Sài Gòn. Đó là những chuyến tàu lịch sử gắn với những dấu mốc quan trọng của dân tộc; những hải thuyền đầu tiên của người Việt được hạ thủy; những trận đánh tàu vang dội trên sông hay những chuyến tàu đoàn tụ sau hàng chục năm xa cách… Đây là vở đại nhạc kịch ngoài trời lần đầu tiên diễn ra trên sông Sài Gòn, quy tụ các đạo diễn với 1.000 diễn viên và 9.000 người tham dự trực tiếp.
Xuyên suốt lễ hội đã diễn ra là các hoạt động thuyền bè diễu hành trên sông, không gian tái hiện chợ nổi miền Tây, tuần lễ trái cây “trên bến dưới thuyền”, không gian văn hóa, văn nghệ, giải bơi vượt sông, giải ván chèo đứng, trình diễn mô tô nước, dù lượn, thuyền buồm... Trong đó, không gian ẩm thực sông nước - một trong những hoạt động của Lễ hội sông nước mùa 2 tại TPHCM, thu hút đông đảo người dân và du khách.
Du khách đã tìm thấy những món ăn đặc trưng của vùng Nam Bộ. Bên cạnh đó, các khu vực như công viên bến Bạch Đằng, công viên bờ sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bến Bình Đông, khu du lịch Văn hóa Suối Tiên... được trang trí cổ động với nhiều tiểu cảnh rực rỡ.
Không gian ẩm thực với đa dạng món ăn từ nhiều vùng miền như bánh dân gian, trái cây, các đặc sản đặc trưng của các tỉnh thành. Ảnh: QT. |
Đánh thức di sản “đô thị sông nước”
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, các hoạt động lễ hội sông nước đều hướng đến phát triển thương hiệu du lịch, lan tỏa tình yêu, niềm tự hào về du lịch thành phố. Qua đó, tiếp tục định hướng lễ hội trở thành một sự kiện thường niên, góp phần định vị thành phố là một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa.
Theo Ban tổ chức, thành công của lễ hội sông nước lần thứ nhất có sự hưởng ứng của các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, điểm tham quan... kích cầu du lịch cho thành phố.
Năm 2024, lễ hội tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực từ hơn 100 doanh nghiệp với các chính sách kích cầu về giá, chương trình khuyến mãi đặc sắc. Ngành du lịch thành phố đã xây dựng những sản phẩm du lịch trên sông Sài Gòn và các tuyến kênh nội đô, kết nối với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa của địa phương và một số địa phương phía Nam.
TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TPHCM đánh giá cao các nội dung của lễ hội sông nước và kỳ vọng lễ hội trở thành “thương hiệu” riêng của TPHCM về văn hóa và du lịch. Một trong những đặc trưng của Sài Gòn là “đô thị sông nước”.
Vùng đất này là nơi gặp gỡ của hai dòng sông lớn Đồng Nai và Sài Gòn để cùng đi ra biển; có những kênh rạch mà mức độ lưu thông có thể sánh ngang những con đường giao thông quan trọng nhất như rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ, kênh Tẻ kinh Đôi...
Sông Sài Gòn là biểu tượng của TPHCM, nhưng lâu nay việc khai thác tiềm năng du lịch dọc con sông này còn hạn chế, đặc biệt là phát triển du lịch, kinh tế ven sông, du thuyền... Việc phát triển các hoạt động du lịch phải quan tâm đến sự thuận lợi cho cư dân thành phố.
TS Hậu lấy dẫn chứng thủ đô Bangkok (Thái Lan). Đó là phát triển giao thông thủy trước hết bắt đầu từ phục vụ cho người dân, sau đó mới nâng lên phục vụ du lịch. Tương tự, du lịch trên sông Saine - thủ đô Paris (Pháp) cũng đã phát triển như thế. TPHCM có thể học được, áp dụng cho khu Chợ Lớn trước.
Để phát huy giá trị của di sản “đô thị sông nước”, TS Hậu cho rằng, trước mắt, sông rạch của thành phố phải giải tỏa sạch, nạo vét, kè bờ để nước thủy triều ngoài biển có thể thông thương 2 lần/ngày như trước kia.
Kế tiếp, nếu đồng bộ về mặt kỹ thuật thì buýt đường sông sẽ là giải pháp giao thông công cộng, giúp giảm tải đáng kể cho giao thông trên bộ của TPHCM. Buýt đường sông như một điển hình của bảo tồn và phát huy đặc trưng đô thị sông nước của TPHCM. Thế nhưng, hiện nay việc triển khai mô hình này còn khá lúng túng, hiệu quả thấp.
Để người dân sử dụng buýt đường sông như một phương tiện công cộng, phải có chỗ đỗ các phương tiện cá nhân. Dịch vụ trên bến bờ phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ăn uống…
“Cần nhất là hợp tác đồng bộ giữa các ngành liên quan khi ứng dụng giá trị truyền thống vào hiện đại. Làm du lịch hay giao thông sông nước thì hạ tầng cơ sở phải đồng bộ, đầu tiên phải lấy yếu tố phục vụ nhu cầu người dân thành phố và sự thuận tiện của họ là chính, cùng với đó là phát triển du lịch”, TS Hậu nói.
Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho rằng, để đánh thức tiềm năng đô thị sông nước bên sông Sài Gòn, bên cạnh phát triển các sự kiện gắn với sông nước để tạo thương hiệu riêng thì cần có quy hoạch kết nối bài bản hơn, đặc biệt chú trọng khai thác yếu tố cảng để phát triển kinh tế, du lịch.
Tối 9/6, Lễ hội Sông nước TPHCM lần 2 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay khép lại sau 10 ngày diễn ra liên tục. Theo ban tổ chức, có hàng trăm nghìn lượt người dân, du khách trong nước và quốc tế đã tham dự lễ hội lần này.
Tại đêm bế mạc, màn trình diễn nghệ thuật “Lung linh dòng sông hát” của 1.100 drone (thiết bị bay không người lái) trên sông Sài Gòn như một lời chào tạm biệt và tri ân của lễ hội sông nước.
Song song đó còn có các màn biểu diễn thể thao dưới nước với 100 vận động viên cùng 100 phương tiện thể thao, gồm thuyền buồm, mô tô nước, chèo Sub, ván phản lực, fly board, thuyền ván diều, dù lượn. Đoàn 15 ca nô, tàu nhà hàng, du thuyền, buýt sông, buýt sông 2 tầng… cũng diễu hành tại khu vực Bến Bạch Đằng.