Nhưng cứ mỗi dịp Tết đến, lại bao câu chuyện cũ luôn mới xuất hiện.
Cũ là bởi vẫn những dối gian, lừa lọc, táng tận lương tâm của người sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… lại sinh sôi, nảy nở.
Cũ là bởi năm nào cũng vào “tháng củ mật”, báo chí lại đề cập thường xuyên, các cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, lập biên bản, bắt giữ… các mặt hàng nhiều người ưa chuộng trong dịp Tết, nhất là bánh kẹo, đồ uống có cồn, thực phẩm khô, tươi sống…
Cũ là bởi năm nào tình trạng đáng báo động này cũng diễn ra, thậm chí ngang nhiên, nhưng chưa thể có cách giải quyết dứt điểm, tận gốc vấn nạn dân ta đầu độc đồng bào mình… Và “căn bệnh mạn tính” ấy lại là mới, khi Xuân Kỷ Hợi chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến và những đồ ăn, thức uống vẫn ầm ào được sản xuất, rầm rập vận chuyển tới tay người tiêu dùng, đặc biệt là đến tay bà con các tỉnh miền núi, những vùng nông thôn đời sống còn không ít khó khăn…
Mới năm nay, đó là những thông tin báo chí đưa về việc sản xuất champagne giả thật đáng sợ ở Hà Nội, là việc sản xuất rất nhiều bao bì bánh kẹo nhái cũng tại Hà Nội, là việc “hô biến” lợn bệnh thành thịt trâu khô, lợn gác bếp… Và còn biết bao loại thực phẩm độc hại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng khác mà báo chí, các cơ quan chức năng chưa phát hiện, đưa thông tin rộng rãi…
Mới ở năm nay, đó là những mối nguy hại từ các chợ “tử thần”, với rất nhiều loại hóa chất, phụ gia, hương liệu độc hại vẫn tiếp tục được bày bán…
Mới ở năm nay (và có thể nhiều năm nữa), là bởi một điều rất cũ: Những hiểm họa từ việc gian dối, nhẫn tâm, bất chấp đạo lý, tình đồng loại mà không ít người vẫn ồ ạt sản xuất, “hô biến” những loại thực phẩm đe dọa sức khỏe, tính mạng chính đồng bào mình, một cách lập tức (ngộ độc, cấp cứu, thậm chí tử vong) hoặc từ từ phát sinh ra các loại bệnh tật, nguy hiểm nhất là ung thư…
An toàn thực phẩm là câu chuyện rất cũ mà luôn mới. Nó chỉ có thể dừng lại khi cả nước phải vào cuộc một cách quyết liệt, nghiêm túc, triệt để. Nhưng khi chưa thể lập lại trật tự trong lĩnh vực này, chỉ có thể hạn chế tình trạng này bằng cách tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm minh các cơ sở sản xuất bất chấp tất cả, chỉ có duy nhất “lương tâm mùi tiền” mà nhắm mắt đầu độc đồng bào mình. Chỉ khi “lương tâm mùi tiền” được đánh thức và rồi biết ăn năn, sám hối thì vấn nạn an toàn thực phẩm ngày Tết mới có thể lắng dịu, nguôi ngoai.