Khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Hải Phòng: “Nóng” chuyện mầm non

GD&TĐ - Thành phố Hải Phòng đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa dẫn đến sự ra đời của nhiều nhà máy, xí nghiệp, cụm công nghiệp (CCN), khu công nghiệp (KCN). Đi kèm với đó là sự gia tăng nhanh chóng về nguồn lực lao động. Bên cạnh những vấn đề xã hội khác, giáo dục mầm non (GDMN) cho con em công nhân trong các KCN tại Hải Phòng đang là vấn đề “nóng” được sự quan tâm, vào cuộc tháo gỡ của các cấp ngành liên quan.

GDMN trong các KCN hiện nay đang là vấn đề “nóng”
GDMN trong các KCN hiện nay đang là vấn đề “nóng”

Vấn đề “nóng”

Toàn thành phố Hải Phòng có 22 khu, cụm công nghiệp trong đó, có 13 KCN đóng trên địa bàn 5 quận, huyện: Hải An, Đồ Sơn, An Dương, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo nhưng duy nhất có KCN Tràng Duệ (huyện An Dương) là có quy hoạch trường mầm non cho con em cán bộ, công nhân. Trong khi tại các KCN chủ yếu là lao động trẻ, độ tuổi bình quân từ 18 - 35 tuổi, lao động có con nhỏ chiếm tỷ lệ từ 30 - 35% nên công nhân có nhu cầu gửi con là rất lớn.

Chị Nguyễn Thị Hòa (SN 1987, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) chia sẻ: “Vợ chồng tôi làm việc tại KCN Nomura (huyện An Dương, TP Hải Phòng) đã nhiều năm nay. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên tôi vẫn ở trọ. Hai con của tôi đều phải đi học sớm. Nhà tôi không có hộ khẩu trên địa bàn cộng thêm trường học gần khu trọ quá đông HS, nên tôi đành gửi con tại nhóm trẻ gia đình”.

Mong muốn con em được học trong 1 cơ sở giáo dục tốt, đảm bảo chất lượng không chỉ là của riêng chị Hòa mà còn là của hàng chục nghìn lao động đang làm tại các CCN, KCN khác.

Tính đến tháng 9/2018, toàn huyện Vĩnh Bảo có 70 cơ sở GDMN ngoài công lập, trong đó chỉ có 1 trường tư thục và 2 nhóm lớp mầm non tư thục được cấp phép hoạt động. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng GDMN tại địa phương và để lại nhiều thiệt thòi cho những trẻ trong độ tuổi GDMN.

Ông Phạm Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo cho hay: Trong tổng số 81 phòng học của các cơ sở mầm non ngoài công lập, chỉ được 27 phòng học kiên cố. Còn lại các cơ sở khác đều chưa có phòng học; các chủ gia đình tận dụng phòng ở của gia đình để tổ chức trông coi trẻ. Diện tích chật, hẹp; điều kiện trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ còn hạn chế nhiều, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Các cơ sở GDMN ngoài công lập mới chỉ tổ chức trông coi, chăm sóc vệ sinh cho trẻ, chưa tổ chức thực hiện theo chương trình giáo dục mầm non. Việc tổ chức ăn bán trú của trẻ cũng đã được tổ chức thực hiện, song, chất lượng bữa ăn, việc chế biến món ăn, cân đối lượng thực phẩm, tính khẩu phần ăn cho trẻ còn hạn chế và chưa thực hiện được. Điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm theo quy định, các chủ nhóm trẻ chưa quan tâm đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, đội ngũ giáo viên hầu hết không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không đủ số lượng cô/trẻ theo quy định. Đa số những người trông coi trẻ cao tuổi, không có công ăn việc làm, sức khỏe hạn chế.

Ảnh minh họa/ Internet
 Ảnh minh họa/ Internet

Cần quyết sách phù hợp

Để đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân, giúp họ yên tâm lao động, Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên) đã đầu tư xây dựng Trường MN Nhiệt điện Hải Phòng. Trường bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2017, thu hút hàng trăm con em công nhân đến trường. Khu công nghiệp Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo) có Trường MN Sao Mai ra đời, phục vụ miễn phí tiền học và tiền ăn cho trên 120 con em công nhân của công ty.

KCN Tràng Duệ, huyện An Dương cũng đang xây dựng khu nhà ở cho công nhân và xây dựng trường mầm non; Tập đoàn Xây dựng Việt Úc huyện Thủy Nguyên đang hoàn thành xây dựng Trường Mầm non Việt Úc; Nhiều KCN do doanh nghiệp đầu tư kinh phí đang có kế hoạch xây dựng trường mầm non như: KCN Tân Liên (Vĩnh Bảo), KCN VSIP (Thủy Nguyên), khu đô thị Vinhomes Imperia của Tập đoàn Vingroup...

Để giải quyết bài toán GDMN tại các CCN, KCN trên địa bàn Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 8/12/2017 thông qua Quy hoạch phát triển giáo dục phổ thông và mầm non thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 19/7/2018 thực hiện Quy hoạch phát triển giáo dục phổ thông và mầm non thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trên cơ sở đó giáo dục mầm non thành phố được bổ sung quỹ đất theo quy hoạch, 102 trường mầm non sẽ được xây dựng thêm theo lộ trình kế hoạch của quy hoạch.

UBND các quận, huyện có khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn đang thực hiện giao cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng xây dựng Đề án chi tiết về quy hoạch diện tích đất, khu vực xây dựng trường lớp mầm non đáp ứng nhu cầu đi học của con em lao động trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng, để thực hiện những giải pháp phát triển mạng lưới phát triển GDMN cần một nguồn kinh phí tương đối lớn, trong khi đó kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách của thành phố còn hạn chế. Hơn nữa, việc xây dựng thêm trường mầm non công lập sẽ làm tăng thêm đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong khi Chính phủ chỉ đạo giảm biên chế được trả lương theo ngân sách của thành phố.

Việc thực hiện Chỉ thị 09 CT-TTg chủ yếu từ nguồn ngân sách xã hội hóa giáo dục trong khi tính pháp chế đối với việc yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc bố trí quỹ đất; chế độ đối với lao động nữ có con ở độ tuổi mầm non (theo quy định tại Điều 21c Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ và Bộ luật Lao động) chưa cao.

Vì vậy, để giải được bài toán GDMN tại các KCN hiện nay cần sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố Hải Phòng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề phát triển trường, lớp mầm non ở các CCN, KCN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ