Lý Công Uẩn (974-1028)
Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất (974) là vị hoàng đế sáng lập nhà Lý; quê làng Cổ Pháp, nay thuộc huyện Từ Sơn, Bắc Ninh.
Sách "Đại Việt sử lược" và "Đại Việt sử ký toàn thư" đều chép “Lý Công Uẩn người làng Cổ Pháp, khi lớn lên đã có chí lớn khác thường".
Ông đến Hoa Lư (Ninh Bình) mở đầu sự nghiệp bằng con đường quan trường. Dưới thời Tiền Lê, Lý Công Uẩn giữ đến chức Tả thân Thị vệ điện tiền chỉ huy sứ. Triều vua Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều), ông được cử làm Tư tướng quân chế Chỉ huy sứ, thống lĩnh quân túc vệ. Năm 1009, Lê Long Đĩnh mất, hoàng tử kế tự của nhà vua còn quá nhỏ, quần thần bèn tôn Lý Công Uẩn lên ngôi, lấy hiệu là Lý Thái Tổ, niên hiệu là Thuận Thiên.
Thấy kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) chật hẹp, Lý Thái Tổ quyết định dời đô về thành Đại La (Hà Nội ngày nay) với “Chiếu dời đô” lịch sử. Khởi sự dời đô tháng 7 năm Thuận Thiên thứ nhất (1010), khi đến La Thành, nằm mộng thấy rồng vàng từ dưới đất bay lên, nhà vua bèn đổi tên thành là Thăng Long, đồng thời đổi Hoa Lư thành phủ Tràng An và làng Cổ Pháp (quê nhà vua) thành phủ Thiên Đức…
Lý Thái Tổ sửa sang chính trị, trọng đãi tăng sĩ, chú trọng việc xây chùa, đúc chuông, lấy đạo Phật làm quốc giáo.
Nhà vua mất năm 1028, ở ngôi 19 năm, hưởng thọ 55 tuổi.
Về sau, Lý Thái Tổ và các vị vua nhà Lý được thờ ở đền Đô (đền Lý Bát Đế) thuộc làng Đình Bảng, xã Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Hiện nay, có một ngôi đền thờ riêng Lý Thái Tổ được xây dựng nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội là đền vua Lý Thái Tổ đặt tại trung tâm Khu di tích cố đô Hoa Lư. Trên cả nước, nhiều địa phương lấy tên ông đặt cho các đường phố.
Năm 2004 tại Hà Nội, tượng đài Lý Thái Tổ được xây dựng bên trục đường Đinh Tiên Hoàng thuộc khu vực vườn hoa Chí Linh, bên hồ Hoàn Kiếm. Tượng bằng đồng nặng 14 tấn, cao 3,3 m, là một trong những công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Tháng 8/2011, chiếc tàu hộ vệ mang tên lửa lớp Gepard 3.9 (Project 11661E) thứ 2 của Hải quân nhân dân Việt Nam - HQ 012 - được đặt tên “Lý Thái Tổ”.
Tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ở TP. Nam Định. Ảnh: Báo Nam Định |
Trần Quốc Tuấn (1226-1300)
Trần Quốc Tuấn sinh năm Bính Tuất (1226), là con của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu ruột vua Trần Thái Tông, quê ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định).
"Đại Việt sử ký toàn thư" mô tả Trần Quốc Tuấn là “người có dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, nhờ được những người tài giỏi dạy bảo, ông sớm trở thành người đọc thông hiểu rộng, có tài văn võ”.
Trong 3 lần chống quân Nguyên Mông thế kỷ thứ XIII (1258, 1285, 1288), ông được phong làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh toàn quân đánh giặc; được phong tước Hưng Đạo vương.
Là nhà quân sự tài ba, ông đã lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành chiến thắng vang dội ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp và nhất là trận Bạch Đằng lịch sử… Trong kháng chiến chống Nguyên Mông, ông đã soạn bộ "Binh thư yếu lược" và "Vạn Kiếp tông bí truyền thư", nói về thuật dùng binh và khích lệ tướng sĩ đánh giặc.
Trần Hưng Đạo mất tháng 8/1300, hưởng thọ 79 tuổi.
Triều đình và nhân dân lập đền thờ ông tại Vạn Kiếp (gọi là đền Kiếp Bạc) ở Chí Linh, Hải Dương. Sau này, nhiều nơi cũng lập đền thờ Trần Hưng Đạo; nhân dân tôn ông là thánh - Đức thánh Trần.
Tượng đồng vua Lê Thánh Tông ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: vanmieu.gov.vn |
Lê Thánh Tông (1442-1479)
Vua Lê Thánh Tông, tên thật là Lê Tư Thành, sinh năm Nhâm Tuất (1442), là con thứ 4 của vua Lê Thái Tông.
Ngay từ nhỏ, ông đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, khác thường. "Đại Việt sử ký toàn thư" viết: “Nhà vua có thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước”.
Năm 1460, Lê Thánh Tông lên ngôi hoàng đế khi 18 tuổi, xưng làm Thiên Nam động chủ, đặt niên hiệu là Quang Thuận (sau đổi thành Hồng Đức).
Trong 38 năm trị quốc (1460-1497), Lê Thánh Tông cho thấy ông là một minh quân với việc ban bố hàng loạt chính sách cải cách chính trị, kinh tế, luật pháp, văn hóa, xã hội… đưa Đại Việt trở thành một quốc gia phồn thịnh.
Năm 1483, vua sai các đình thần biên soạn lại các điều luật cũ, làm thành bộ Quốc triều Hình luật (Luật Hồng Đức) và được sử dụng suốt từ thời Hồng Đức đến hết thế kỷ XVIII. Với bộ luật này, Đại Việt đã hình thành một nhà nước pháp quyền sơ khởi, thuộc loại sớm trên thế giới.
Lê Thánh Tông còn đặc biệt quan tâm chính sách phát triển kinh tế như: Sửa đổi luật thuế khóa, điền địa, khuyến khích nông nghiệp, đặt ra luật quân điền chia đều ruộng đất cho mọi người…
Nhà vua cũng rất chú trọng mở mang giáo dục, bồi dưỡng nhân tài. Thời ông trị vì, Hàn Lâm viện, Đông Các viện, Quốc Sử viện, Quốc Tử Giám, Nhà Thái học được lập ra để chuyên phụ trách văn hóa-giáo dục. Các bia tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám được bắt đầu dựng vào thời đại của ông, không chỉ có ý nghĩa giáo dục mà đó còn là công trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc và nay trở thành Di sản Văn hóa thế giới.
Là một nhà thơ lớn với việc sáng tác hàng nghìn bài thơ bằng chữ Hán và chữ Nôm (trong đó thơ chữ Hán đến nay còn khoảng 350 bài). Thơ văn của Lê Thánh Tông chứa đựng tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc sâu sắc.
Ông còn là nhà văn hoá lớn khi lập Hội Tao Đàn, thu nạp 28 tiến sĩ giỏi thơ văn nhất nước đương thời, được gọi là "Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú", đánh dấu bước phát triển cao về văn chương đương thời.
Lê Thánh Tông còn là người minh oan cho Nguyễn Trãi trong vụ án Lệ Chi Viên năm 1442, khiến Nguyễn Trãi và gia đình bị tru di tam tộc.
Năm 1464, Lê Thánh Tông chính thức minh oan cho Nguyễn Trãi. Ông ca ngợi Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”; truy tặng tước Tán Trù bá và ban cho Anh Vũ (con Nguyễn Trãi) chức huyện quan. Năm 1467, Lê Thánh Tông ra lệnh sưu tầm di cảo thơ văn Nguyễn Trãi, qua đó góp phần bảo tồn một phần quan trọng các di sản văn hóa mà Nguyễn Trãi đã để lại.
Nhà vua mất vào tháng 3/1497, thọ 56 tuổi. Đền thờ vua Lê Thánh Tông nay thuộc thôn Phúc Lâm, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá.
Nguyễn Công Trứ (1778-1858)
Nguyễn Công Trứ sinh năm Mậu Tuất (1778), quê ở làng Uy Viễn (nay là xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh); là một nhà chính trị, nhà quân sự và một nhà thơ thời nhà Nguyễn; làm quan qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
Ngay từ thuở hàn vi, ông đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp: “Làm trai đứng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”.
Năm 1819, ở tuổi 42, ông mới đỗ giải Nguyên ở trường thi Hương, trấn Nghệ An. Từ đây, Nguyễn Công Trứ bắt đầu thời kỳ làm quan đầy sóng gió. Ông từng trải qua nhiều cương vị, bị thăng giáng nhiều lần có lúc được cử làm Tổng đốc Hải An, có lúc lại bị đày đi lính ở Quảng Ngãi.
Một trong những công lao lớn của ông là sáng kiến chiêu mộ dân nghèo đắp đê lấn biển, lập ấp; thành lập huyện Kim Sơn (thuộc tỉnh Ninh Bình) và Tiền Hải (thuộc tỉnh Thái Bình) vào những năm 1820; đề xuất lập nhà học, xã thương ở nông thôn nhằm nâng cao dân trí và lưu thông hàng hóa.
Tính khí khảng khái, quyết liệt pha chút phong tình mà hài hước cùng cuộc sống đa dạng của ông đã để lại cho đời sau những giai thoại thú vị.
Giáo sư Tạ Quang Bửu. Nguồn: Dân trí |
Tạ Quang Bửu (1910-1986)
Sinh năm Canh Tuất (1910) tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Giáo sư Tạ Quang Bửu là một trong những nhà trí thức lớn của Việt Nam sau Cách mạng tháng 8/1945 với nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, nền khoa học và sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà.
Năm 1929, là học sinh Trường Bưởi (Hà Nội), ông đỗ đầu kỳ thi tú tài bản xứ. Sau đó, ông thi cùng học sinh các trường Tây, đỗ đầu tú tài Tây, ban toán và đỗ hạng ưu tú tài Tây, ban triết. Nhờ vậy, ông nhận được học bổng du học ở Pháp, Anh và có bằng Cử nhân Toán học Đại học Sorbonne (Pháp) và Đại học Oxford (Anh). Ra trường, ông về nước giảng dạy; chuyên tâm nghiên cứu toán lý thuyết và toán ứng dụng vào sinh học, vật lý, hoá học.
Ông còn hăng hái hoạt động chính trị, xã hội, tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp; được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (tháng 3/1946). Năm 1947-1948 là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Năm 1956, ông là Giám đốc đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ năm 1965-1976, là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp…
Giáo sư Tạ Quang Bửu mất vào tháng 8/1986, thọ 76 tuổi.
Với những cống hiến cho cách mạnh và đất nước, năm 1996, Giáo sư Tạ Quang Bửu được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học-công nghệ đợt I cho “Tập hợp các công trình giới thiệu khoa học-kỹ thuật hiện đại sau năm 1945”.
Tại Hà Nội, có một đường phố mang tên “Tạ Quang Bửu” chạy xuyên qua Đại học Bách khoa, nơi ông từng làm Hiệu trưởng vào những ngày đầu trường mới thành lập.
Nhà văn Nguyễn Tuân. Nguồn: VietnamNet |
Nguyễn Tuân (1910-1987)
Nhà văn-cây viết tùy bút và bút ký nổi tiếng Việt Nam Nguyễn Tuân sinh năm Canh Tuất (1910), quê ở thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục (tên nôm là làng Mọc, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng năm 1935, nhưng nổi tiếng từ năm 1938 với các tác phẩm có phong cách độc đáo (như Vang bóng một thời, Một chuyến đi, Chiếc lư đồng mắt cua...).
Cách mạng tháng Tám thành công, ông nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới.
Dùng ngòi bút phục vụ cách mạng nhưng Nguyễn Tuân luôn có ý thức phục vụ trên cương vị của một nhà văn, đồng thời vẫn muốn phát huy cá tính và phong cách độc đáo của mình.
Vì vậy, ông đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam nhiều trang viết sắc sảo, giàu tính nghệ thuật, ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi nhân dân lao động sản xuất và chiến đấu.
Trong số nhiều tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Tuân giai đoạn này, nổi tiếng nhất là tập “Tùy bút sông Đà” (1960), kết quả chuyến đi thực tế vùng Tây Bắc; về sau còn có tập ký "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi"…
Nguyễn Tuân mất tại Hà Nội năm 1987. Năm 1996 ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng thành lập một giải thưởng hằng năm mang tên ông để tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển.
Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với các chiến sĩ quân giải phóng. Nguồn: SGGP |
Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996)
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bí danh Ba Nghĩa, sinh năm Canh Tuất (1910) trong một gia đình công chức trung lưu tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An).
Năm 11 tuổi, ông một mình sang Pháp du học. Năm 1933, tốt nghiệp Cử nhân Luật hạng ưu; trở về nước, ông mở văn phòng luật tại Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ rồi Sài Gòn-Chợ Lớn.
Tham gia phong trào yêu nước và cách mạng ở miền Nam từ những năm 1947-1950, tham gia lãnh đạo cuộc biểu tình chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đầu năm 1950…, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam, rồi sau đó chúng buộc phải trả tự do cho ông. Nhưng lo sợ ảnh hưởng to lớn của Luật sư, tháng 11/1954, chính quyền bù nhìn lại bắt giam ông trong gần 7 năm nữa.
Tháng 2/1962, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; tháng 3/1964, được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sau ngày thống nhất đất nước (1975), ông được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch nước (tháng 6/1976), Quyền Chủ tịch nước (tháng 4/1980), Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (tháng 7/1981). Tháng 11/1988, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức yêu nước tiêu biểu, nhà hoạt động chính trị xã hội nổi tiếng ở trong nước cũng như trên thế giới, một luật sư tài năng, đầy uy tín, một nhân cách lớn, một ngọn cờ tập hợp các tầng lớp nhân dân.
Với công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng.