‘Đánh liều’ trồng măng tây xanh, nông dân Thanh Hóa lãi trăm triệu/năm

GD&TĐ - Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, nhiều nông dân ở Thanh Hóa thu hàng trăm triệu mỗi năm nhờ trồng cây măng tây xanh.

Ông Nguyễn Trọng Thắng (xã Hoằng Châu) bên ruộng măng tây xanh của gia đình. (Ảnh: LT).
Ông Nguyễn Trọng Thắng (xã Hoằng Châu) bên ruộng măng tây xanh của gia đình. (Ảnh: LT).

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng bạt ngàn măng tây xanh, bà Nguyễn Thị Lan - Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết: Trước năm 2016, khu vực này chủ yếu được bà con trồng ngô, lạc, lúa... Tuy nhiên, năng suất từ các loại cây truyền thống này không cao.

Nhận thấy cây măng tây mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, thuê thêm đất sản xuất của các hộ liền kề cải tạo, đầu tư hệ thống tưới tự động, thử nghiệm loại cây trồng mới được xem là “khó tính” này.

“Đến nay, tổng diện tích trồng măng tây của toàn xã là 2,5ha. So với cây lúa hay ngô truyền thống, cây măng tây xanh có giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Bên cạnh đó, bà con cũng không lo đầu ra do đã hợp đồng với các công ty liên kết”, bà Lan nói.

Diện tích trồng măng tây xanh của xã Hoằng Châu hiện khoảng 2,5ha. (Ảnh: LT).

Diện tích trồng măng tây xanh của xã Hoằng Châu hiện khoảng 2,5ha. (Ảnh: LT).

Theo bà Lan, các công ty liên kết sẽ cung cấp cây giống và thu mua sản phẩm cho bà con. Thời điểm bà con bắt đầu trồng, giá cây giống khoảng 8.000 đồng/cây nhưng cho thu hoạch trong thời gian từ 5 -10 năm.

Mặc dù, chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao (trung bình khoảng 200 triệu đồng/1ha), song giá trị kinh tế mà cây măng tây mang lại cũng tương đương. Giá thu mua măng tây tại ruộng dao động từ 50.000 - 55.000 đồng/kg. Mỗi năm, cây măng tây cho thu hoạch 3 lứa, mỗi lứa thu hoạch liên tục từ 2 đến 2,5 tháng.

Cặm cụi cắt tỉa cành lá già cho cây măng tây, ông Nguyễn Trọng Thắng (61 tuổi), ở thôn Thanh Thịnh (xã Hoằng Châu) hồ hởi bảo: “Gia đình đang dưỡng cây, chuẩn bị cho lứa thu hoạch thứ 3 trong năm”.

Cuối năm 2018, vợ chồng ông Thắng thuê 8 sào đất trồng lúa, ngô của các hộ dân trong thôn, chuyển đổi sang trồng cây măng tây xanh. Nói là làm, ông bà mạnh dạn đầu tư cây giống, hệ thống tưới, tiêu, cọc trụ bê tông,... đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của loại cây trồng mới.

“Trồng măng tây xanh tuy không vất vả nhưng tốn nhiều công. Ngoài cải tạo đất, làm cỏ, bón phân, bà con còn phải cắt tỉa cành lá già. Đến vụ thu hoạch, vợ chồng tôi phải ra đồng từ 4h sáng”, ông Thắng chia sẻ.

Vốn được xem là cây trồng “khó tính”, không chịu được ngập úng. Vì vậy, ngoài đảm bảo hệ thống tưới tiêu, bà con nông dân cũng phải đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc.

“Quá trình cải tạo đất, chúng tôi thường bón vôi khử trùng và đảm bảo nồng độ pH >5,5. Vào mùa mưa cần chú ý tiêu thoát nước, và bón thêm vôi để phòng trừ bệnh. Cây măng tây ít sâu bệnh nên chúng tôi thường ủ đạm cá, sau khoảng 4 tháng thì tưới cho cây. Đồng thời, bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng NPK khoảng 2 lần/tháng”, ông Thắng nói.

Lao động làm thuê tại ruộng măng của gia đình ông Thắng. (Ảnh: LT).

Lao động làm thuê tại ruộng măng của gia đình ông Thắng. (Ảnh: LT).

Theo ông Thắng, thời điểm bận rộn nhất là lúc hái măng và cắt bỏ cây sau mỗi lần thu hoạch. Vào thời điểm này, vợ chồng ông bà phải thuê từ 5-10 lao động làm việc để kịp mùa vụ, còn lại có 3-4 lao động làm việc thường xuyên.

Giá trị kinh tế cao

Vừa cắt tỉa cành lá già, ông Thắng vừa hồ hởi bảo, trồng măng tây xanh tuy tốn nhiều công nhưng không vất vả và hiệu quả hơn hẳn các loại cây truyền thống. “Giá trị mà cây măng tây xanh mang lại cao gấp 7-8 lần so với cây lúa”, ông Thắng nói.

Cụ thể, với diện tích 8 sào măng tây xanh mang lại doanh thu trên 100 triệu đồng cho mỗi lứa thu hoạch. Trừ chi phí đầu tư, vợ chồng ông Thắng lãi khoảng 50 triệu đồng. Như vậy, với 3 lứa thu hoạch mỗi năm, vợ chồng ông Thắng lãi khoảng 150 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây măng tây xanh mang lại, đầu năm nay, vợ chồng ông Thắng quyết định mở rộng diện tích trồng lên 12 sào (tương đương với 0,6ha).

Măng tây xanh cao từ 25-30cm là thời điểm thu hoạch. (Ảnh: LT).

Măng tây xanh cao từ 25-30cm là thời điểm thu hoạch. (Ảnh: LT).

Theo bà Nguyễn Thị Lan - Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Châu, trồng cây măng tây xanh còn tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động lúc nông nhàn. Hiện nay, trung bình người lao động đang được trả khoảng 180.000 - 200.000 đồng cho một ngày làm việc.

Dù có giá trị kinh tế cao, song theo bà Lan, việc đưa cây măng tây xanh vào trồng đại trà cũng gặp khó khăn. Bởi đây là loại cây “khó tính”, phải phù hợp với điều kiện về thổ nhưỡng. Đòi hỏi người trồng cũng phải có kiến thức về kỹ thuật chăm sóc và đặc biệt là phải đam mê, chịu khó.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo đầu ra cũng rất quan trọng. Ngoài 2 công ty liên kết hiện nay, cũng phải mở rộng thêm các đối tác khác.

“Sau khi xem xét các điều kiện, nếu đảm bảo mới khuyến khích bà con nhân rộng mô hình. Dự kiến, trong năm nay sẽ có thêm 2 hộ gia đình tham gia mô hình này”, bà Lan thông tin.

Măng tây xanh là loại rau cao cấp, còn được gọi là rau “hoàng đế”. Loại thực phẩm này có nguồn gốc từ châu Âu, du nhập vào Việt Nam những năm gần đây.

Cánh đồng măng tây xanh bạt ngàn tại xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). (Ảnh: LT).

Cánh đồng măng tây xanh bạt ngàn tại xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). (Ảnh: LT).

Đặc biệt, măng tây xanh có giá trị dinh dưỡng rất cao, gồm chất xơ, protein, gluxit và các vitamin như: A, C, K, B1, B2, B6, axit phuric,… và đặc biệt là chất Innulin, có tác dụng rất tốt cho hệ thống ruột.

Với những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, măng tây xanh trở thành thực phẩm phổ biến và được nhiều gia đình ưa chuộng tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.