Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tích cực triển khai chương trình phục hồi kinh tế nói chung, chính sách hỗ trợ ngành Giáo dục nói riêng kịp thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội khoá XV. Đặc biệt, sớm quan tâm triển khai bổ sung các gói hỗ trợ cho cơ sở giáo dục ngoài công lập, giáo viên ngoài công lập để tạo điều kiện khôi phục hoạt động dạy học trong tình hình mới.
Tập trung triển khai nhanh gói tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên và chính sách hỗ trợ giáo viên dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương và tác động nặng nề đến giáo dục, đào tạo. Xem xét, có cơ chế miễn bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên trong thời điểm dịch bệnh.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tăng cường đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền internet, phương tiện, điều kiện học tập của học sinh để bảo đảm triển khai hiệu quả phương thức dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; từng bước chuyển đổi số trong giáo dục. Tiếp tục chỉ đạo bộ, ngành, địa phương hoàn thiện kế hoạch, phương án đảm bảo học sinh, sinh viên đến trường học trực tiếp an toàn, học trực tiếp chất lượng.
Với Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị đánh giá toàn diện, đầy đủ tác động trước mắt và lâu dài của dịch Covid-19 tới hoạt động giáo dục ở tất cả cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể dạy và học trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn các địa phương hoàn thiện các phương án tổ chức dạy học, tập huấn kịch bản ứng phó khi đưa học sinh trở lại trường học; Đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, sinh viên.
Các địa phương cần có chỉ đạo thống nhất, hoàn thiện các phương án tổ chức dạy học bảo đảm an toàn, linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ sở giáo dục.
Việc mở rộng đối tượng tiêm vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi cần được thử nghiệm và triển khai từng bước thận trọng, khoa học để phụ huynh và xã hội yên tâm, ủng hộ.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị ngành Giáo dục cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục bồi dưỡng, gia cố kiến thức cho học sinh khắc phục những hạn chế bất cập trong thời gian học trực tuyến; chú trọng công tác tư vấn học đường để hỗ trợ học sinh sớm hòa nhập, trở lại trạng thái bình thường sau thời gian dài học trực tuyến; có kế hoạch học cập nhật, bổ sung kiến thức miễn phí cho học sinh.
Đối với những địa bàn phải tiếp tục học trực tuyến, cần quan tâm đẩy nhanh việc bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, các điều kiện để tổ chức học trực truyến; xây dựng các nền tảng dạy học trực tuyến dễ dàng và thuận tiện khi sử dụng và phù hợp với đặc thù của từng cấp học; bảo đảm an toàn thông tin cho học sinh, sinh viên, giáo viên trên không gian mạng.
Nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Mở rộng hơn nữa các hình thức dạy học để phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện khác nhau của từng cấp học, từng đia phương.
Hoàn thiện các chính sách quản lý trong lĩnh vực giáo dục, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán giữa các chính sách từ cao xuống thấp, từ chính sách chung đến các chính sách đặc thù của ngành. Áp dụng linh hoạt hơn những tiêu chí đảm bảo chất lượng và phương pháp đánh giá, thực hiện công bằng trong giáo dục và đào tạo.
Với Bộ Y tế, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá rủi ro về sức khoẻ đối với học sinh dưới 12 tuổi chưa tiêm vaccine, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án cụ thể đảm bảo an toàn cho học sinh chưa tiêm phòng vắc xin.