Phiên họp 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Đánh giá toàn diện chất lượng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018

0:00 / 0:00
0:00

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, công tác giám sát chuyên đề đã được chuẩn bị bài bản, công phu, kỹ lưỡng.

Theo chương trình Phiên họp thứ 25, chiều 14/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã phát biểu ý kiến về quá trình và kết quả triển khai giám sát.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thu hút nguồn lực trong quá trình xây dựng chương trình sách giáo khoa

Phó Thủ tướng cho rằng, công tác giám sát chuyên đề đã được chuẩn bị bài bản, công phu, kỹ lưỡng, chi tiết từ văn bản hướng dẫn đến hoạt động kiểm tra tại các địa phương. Từ đó, Đoàn giám sát đã đưa ra những đánh giá đầy đủ, khách quan về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bày tỏ đồng tình với những đánh giá, kiến nghị, đề xuất được nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát, theo Phó Thủ tướng, cần theo dõi chất lượng của quá trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thông qua nhiều khía cạnh như: Kết quả của người học; việc thay đổi các mục tiêu, phương thức truyền thụ kiến thức; việc đề cao năng lực của học sinh, khả năng thực học, thực hành... Những vấn đề này cần được đánh giá cụ thể hơn khi Nghị quyết giám sát được ban hành, từ đó có báo cáo đầy đủ, chính xác hơn.

Liên quan đến việc xây dựng bộ sách giáo khoa, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, tại các cấp học, môn học đã có một số bộ sách giáo khoa được xã hội hóa. Việc xã hội hóa để huy động nguồn lực, sự tham gia của toàn xã hội trong triển khai xây dựng chương trình sách giáo khoa là cần thiết. Song trong quá trình đó, Nhà nước luôn phải đóng vai trò chủ đạo và có trách nhiệm đến cùng, từ khâu xây dựng chương trình đến khâu thẩm định, tổ chức các hội đồng, đến khâu tổng kết đánh giá việc triển khai các chương trình sách giáo khoa. “Có xã hội hóa ở đâu, vai trò Nhà nước ở đấy vẫn là chủ đạo”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dù lựa chọn phương án xã hội hóa để thu hút các chuyên gia, nhà giáo dục, các thầy, cô giáo tham gia xây dựng các bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn phải có trách nhiệm kiểm soát chất lượng bộ sách giáo khoa này.

Nỗ lực thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận các ý kiến phát biểu, thảo luận, trao đổi thẳng thắn, sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu.

Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của Đoàn giám sát đã hoàn thành các nhiệm vụ theo đúng kế hoạch, yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện các cơ quan tham dự Phiên họp cơ bản thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, tinh thần các nghị quyết có liên quan của Quốc hội đã được cả hệ thống chính trị, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục và toàn thể đội ngũ giáo viên, nhà quản lý giáo dục phổ thông tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và quyết tâm cao. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm về các tồn tại, hạn chế; quán triệt về các bài học kinh nghiệm; khẩn trương triển khai các kiến nghị được nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát, bảo đảm triển khai thành công Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.

Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết nhất trí với các nội dung cơ bản trong dự thảo Nghị quyết kết quả giám sát chuyên đề. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thành dự thảo Nghị quyết.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.