Giải bài toán nhân lực để Đà Nẵng trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đà Nẵng xác định ngành công nghệ thông tin cụ thể là ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn sẽ là lĩnh vực phát triển đột phá trong thời gian tới.

Đà Nẵng bàn giải pháp để trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới.
Đà Nẵng bàn giải pháp để trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới.

Ưu tiên phát triển kinh tế số

Theo tính toán, đánh giá của Bộ TT&TT, năm 2022 kinh tế số của TP. Đà Nẵng (gồm kinh tế ICT, kinh tế nền tảng, internet và kinh tế trong ngành, lĩnh vực khác) có đóng góp 19,76% GRDP. Đến nay, TP. Đà Nẵng có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số; trung bình 2,3 doanh nghiệp công nghệ/1.000 dân, đứng thứ 2 toàn quốc, chỉ sau TP. HCM, và gấp 3 lần trung bình toàn quốc. Đà Nẵng hiện có 46.000 nhân lực công nghệ số.

Các chuyên gia đầu ngành phân tích về năng lực công nghệ và nhân lực tại Việt Nam.

Các chuyên gia đầu ngành phân tích về năng lực công nghệ và nhân lực tại Việt Nam.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, trong 5 ngành được Đà Nẵng chọn làm kinh tế mũi nhọn thì ngành công nghệ thông tin mà cụ thể là ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn sẽ được chọn là lĩnh vực phát triển đột phá trong thời gian tới.

Theo đó, Đà Nẵng xác định mục tiêu đến năm 2030: Kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố; đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 7 Khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm.

Đà Nẵng hiện có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động. Tại địa phương, hiện có các công ty hoạt động về thiết kế vi mạch như: Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, Fptsemi, Sannei Hytechs… với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng như Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Công nghệ thông tin – truyền thông Việt – Hàn và ĐH Duy Tân…

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, địa phương có hạ tầng các khu công nghiệp, công nghệ cao, CNTT đảm bảo sẵn sàng phục vụ các tập đoàn, doanh nghiệp điện tử, vi mạch, bán dẫn. Đà Nẵng hiện có 1 khu công nghệ cao, 6 khu công nghiệp và chế xuất và 3 khu CNTT, công viên phần mềm đang hoạt động. Đà Nẵng đã triển khai đầu tư xây dựng Khu Công viên phần mềm số 2, hiện đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đưa vào vận hành, khai thác…

“Đây là động lực để Đà Nẵng tiếp tục phát triển, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, nhất là con người, trên tinh thần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài. Các nguồn lực này không chỉ là cơ hội mới mà là sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để có những thay đổi trên lĩnh vực mà Đà Nẵng có một vài lợi thế nhất định”, ông Lê Trung Chinh nhìn nhận.

Trường đại học đón đầu cung ứng nhân lực

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã làm yên lòng các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng bài toán cung ứng nguồn nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Theo đó, các trường đại học, cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã sớm đón đầu thông qua hình thành các khoa đào tạo chuyên ngành vi mạch, điện tử.

Mỗi năm có khoảng 750 sinh viên chuyên ngành liên quan điện tử, vi mạch tốt nghiệp. Hiện chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành này là khoảng 900 sinh viên.

Ông Nguyễn Bảo Anh, Trưởng văn phòng Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng thông tin, sự thiếu hụt nguồn nhân lực xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Trong khi đó, các đơn vị lớn như Synopsys, Marvell… thành công ở Việt Nam. Điều đó dẫn đến nhiều mối quan tâm về việc phát triển vi mạch bán dẫn hơn hướng về Việt Nam.

Hiện Đà Nẵng đã có một số công ty hoạt động về thiết kế vi mạch như: Synopsys, Uniquify, ASavarti, Renesas, Synapse, FPTSemi, Sannei Hytechs… với khoảng 550 kỹ sư.

Đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn trao đổi với sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng về yêu cầu nhân lực trong ngành công nghệ vi mạch bán dẫn.

Đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn trao đổi với sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng về yêu cầu nhân lực trong ngành công nghệ vi mạch bán dẫn.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi có gần 30 môn học từ công nghệ đến thiết kế vi mạch, bán dẫn được triển khai thuộc các khoa: Điện tử Viễn thông, CNTT, Khoa học công nghệ và tiên tiến…”.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thì với khối STEM, trường nào có có nhiều hợp tác với doanh nghiệp là một lợi thế. Nhà trường có một phòng máy được trang bị phần mềm thiết kế vi mạch Cadence theo chuẩn công nghiệp, có tất cả 15 licenses. Nhờ vào chính sách hỗ trợ học thuật của một số hãng công nghệ lớn, sinh viên có thể tiếp cận các phần mềm thường được sử dụng trong đào tạo đại học … Về cơ bản, sinh viên sau khi học các môn học trên có thể hiểu rõ nguyên lý hoạt động và nguyên lý thiết kế của vi mạch, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

“Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng có mối liên hệ chặt chẽ với các công ty thiết kế vi mạch có văn phòng đặt tại miền Trung như Renesas, Synopsys, Synapse (Quest), Uniqify, Savarti. Hằng năm, trường đều phối hợp với các công ty đồng hướng dẫn đồ án tốt nghiệp dưới dạng Capstone Project. Phần lớn các công ty này cũng chỉ tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ trường, với tỷ lệ tuyển dụng trên 90%” - PGS.TS Nguyễn Hồng Hải thông tin.

Để đẩy mạnh hơn nữa trong việc đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực Vi điện tử, dự kiến từ năm 2024, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng sẽ mở thêm chuyên ngành Vi điện tử để cung cấp nguồn nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực này.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, cho biết, Đà Nẵng có nhiều cơ hội trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới. Lãnh đạo TP Đà Nẵng có chủ trương phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là động lực tăng trưởng mới. Đà Nẵng có nhiều ưu điểm để phát triển công nghệ bán dẫn như khu Công nghệ cao với diện tích 5 - 100ha cho nhà đầu tư; không gian 300ha cho nghiên cứu phát triển và đào tạo; nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới cho vay… Với những điều kiện có sẵn, chính quyền thành phố có thể thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng xây dựng nhà máy bán dẫn ở Đà Nẵng để trở thành địa điểm có nhiều nhà máy bán dẫn, góp phần nội địa hóa chuỗi cung ứng bằng cách làm trọn vẹn quy trình: thiết kế, sản xuất, đóng gói, kinh doanh...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ