Đánh giá kết quả triển khai thí điểm Đơn vị học tập trong trường đại học

GD&TĐ - Chiều 16/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ có buổi làm việc với với Trường Đại học VinUni nhằm khảo sát, đánh giá kết quả triển khai thí điểm Đơn vị học tập trong các cơ sở giáo dục đại học.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Trường Đại học VinUni cho biết: Thực hiện công văn 1826 của Bộ GD&ĐT về việc triển khai thí điểm đơn vị học tập tại 5 trường đại học, Trường Đại học VinUni đã phát động và triển khai đến toàn thể cán bộ, giáo viên, tiếp tục hoàn thiện và kiện toàn chính sách, kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực quản lý - giảng dạy- nghiên cứu.

Nhà trường đã phát động và triển khai chương trình “Học hỏi tự thân vượt lên chính mình” với mục tiêu tái tạo, nâng cấp năng lực cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ nhân viên đề đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển của Trường, tạo môi trường và chính sách khuyến khích học hỏi cho mọi thành viên, thúc đẩy và triển khai phương pháp dạy học sáng tạo tích cực hóa người học.

Giảng viên nguồn được tham gia các chương trình trọng điểm nâng cao năng lực giảng dạy- nghiên cứu với cố vấn là các giáo sư của Trường Đại học Cornell, có cơ hội được cài nhúng ít nhất hai học kỳ tại Cornell, quan sát giảng dạy, giảng thử và tham gia các dự án hoạt động hợp tác nghiên cứu cùng cố vấn.

100% giảng viên, trợ giảng tham gia chương trình đào tạo phương pháp giảng dạy tích cực do các chuyên gia đầu ngành từ Anh Mỹ và theo tài liệu đào tạo chuẩn quốc tế, tham gia các hoạt động chia sẻ chuyên môn; tham gia các hoạt động truyền thông nội bộ hàng tháng để chia sẻ định hướng - trọng tâm phát triển của trường và phong trào học tập tự thân.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu.

100% sinh viên được hướng dẫn và xây dựng kế hoạch phát triển cá nhân và được đánh giá toàn diện vào cuối mỗi năm học xét trên tiêu chí mô hình đào tạo nhân tài thực chiến. Sinh viên được phát huy năng lực tự chủ, lãnh đạo, sáng tạo, đổi mới và trách nhiệm với cộng đồng, có cơ hội tham gia các cuộc thi tầm quốc gia, quốc tế để nâng cao năng lực giải quyết vấn đề phức hợp, làm việc nhóm.

Nhà trường đã hoàn thiện nên tảng chia sẻ kiến thức- kinh nghiệm cho nhóm thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi, tiếp tục xây dựng và phát triển cổng chia sẻ kiến thức MyVinUni như một thư viện học liệu cập nhật kiến thức, chia sẻ tri thức gồm báo cáo/nghiên cứu vĩ mô, báo cáo ngành, kỷ yếu hội thảo, tổng thuật nghiên cứu khoa học, thư viện kỹ năng, sự kiện, danh mục khóa đào tạo, kỹ năng, kiến thức.

Đại diện Trường Đại học VinUni cũng nêu một số khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện mô hình thí điểm như: Do ảnh hưởng Covid nên các hoạt động đào tạo- chia sẻ, hoạt động gắn kết các Viện/khoa trực thuộc khó triển khai theo hình thức trực tiếp và chủ yếu theo hình thức trực tuyến - forum - nhóm tương tác trên mạng xã hội, làm giảm sự tương tác trực tiếp và phương pháp thiết kế các hoạt động.

VinUni là môi trường đại học đa văn hóa với khoảng 30% là người nước ngoài. Do vậy, việc truyền thông và triển khai hoạt động khá khó khăn (nhiều giảng viên. cán bộ nhân viên vẫn làm việc từ xa và chưa thể sang Việt Nam), chưa hiệu quả như mong muốn, không triển khai sự kiện đa văn hóa trực tiếp tại trường.

Đại diện nhà trường khẳng định: Bộ tiêu chí đã khả thi, phù hợp và có điều chỉnh tích cực sau hội thảo lấy ý kiến từ 5 trường đại học thí điểm và các chuyên gia bên ngoài. Tuy nhiên để hoàn thiện hơn, cần xây dựng công cụ đánh giá Rubric cụ thể, đo lường rõ ràng và nhìn được hiệu quả cuối cùng.

Đồng thời cần xây dựng một nền tảng mở chung để các trường đại học chia sẻ kinh nghiệm. kiên thức về xây dựng đơn vị học tập cũng như thực hiện đánh giá, xếp loại trực tuyến trên nền tảng này. Đây cũng là hình thức chia sẻ và quản trị trí thức, thúc đây văn hóa và môi trường học tập suốt đời và tối ưu các nguồn lực chung, phù hợp với xu thế về chuyển đổi số trong giáo dục đại học.

Để triển khai hiệu quả và có khả năng lan rộng và tạo ảnh hưởng cho tất cả các cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học, cần xây dựng cơ chế khuyến khích phù hợp và thực tế để các trường đại học tham gia một cách tự nguyện và không hình thức.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Trường Đại học VinUni.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Trường Đại học VinUni.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Việc xây dựng đơn vị học tập đã trở thành nhu cầu tự thân của đơn vị nhằm nâng cao chất lượng, đúng với chủ trương của Đảng Nhà nước. 

Nghị quyết 29 của Đảng đã nêu rõ chuyển tư duy giáo dục từ số lượng sang chất lượng, xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng mở, học tập suốt đời, xóa bỏ mọi rào cản để người Việt Nam tiếp cận giáo dục.

Trong Đề án xã hội học tập có 3 mục tiêu quan trọng, đó là làm sao cho mỗi công dân Việt Nam phải có trách nhiệm, nghĩa vụ học tập; mọi tổ chức cá nhân đơn vị tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân tiếp cận giáo dục; tiến hành đồng thời giáo dục thường xuyên và giáo dục chính quy, chú trọng giáo dục ngoài nhà trường.

Đề án cũng đặt ra sự cần thiết phải xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở. Các trường đại học phải hỗ trợ cho việc xây dựng nguồn tài nguyên này để giúp cộng đồng có điều kiện tiếp cận giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp cho các công dân học tập. 

Thứ trưởng ghi nhận, đánh giá cao việc triển khai thí điểm Đơn vị học tập trong trường đại học VinUni, khẳng định nhà trường đã triển khai nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học, hiệu quả, là đơn vị điển hình triển khai mô hình này. Điều này thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo nhà trường khi nhu cầu học tập là nhu cầu tự thân và mong muốn xây dựng đơn vị học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ