Trường Đại học Mở Hà Nội tiên phong trong xây dựng xã hội học tập

GD&TĐ - Giáo dục mở là một xu hướng giáo dục hướng tới nền giáo dục tiên tiến, được hiểu khái quát là một triết lý giáo dục hướng tới loại bỏ các rào cản trong việc tiếp cận với giáo dục.

Giảng viên đào tạo trực tuyến của Trường ĐH Mở HN
Giảng viên đào tạo trực tuyến của Trường ĐH Mở HN

Xuất hiện tại Việt Nam vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20 với nhiều loại hình phong phú, giáo dục mở đã trở thành định hướng phát triển của nền giáo dục Việt Nam tại nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết 29), trong đó Đại học Mở Hà Nội là 1 trong 2 trường đại học mở được thành lập với mục tiêu hiện thực hóa triết lý giáo dục mở đó.

Là một trường đại học công lập với sứ mạng “Mở cơ hội học tập cho mọi người”, Trường Đại học Mở Hà Nội đã tiếp cận nghiên cứu phương pháp giáo dục từ xa của các nước tiến tiên tiến trên thế giới như ở Anh, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc,... và áp dụng thể nghiệm phù hợp với điều kiện tại Việt Nam. Qua hơn 27 năm triển khai, cho đến nay mô hình giáo dục từ xa đã góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời (HTSĐ) của người dân với việc ứng dụng những công nghệ mới nhằm giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả trong tổ chức quản lý và đào tạo từ xa. Những kết quả này làm sinh động thêm thể nghiệm thực tiễn của phát triển giáo dục theo hướng mở đã được khẳng định trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập (XHHT) theo Quyết định 89/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Mở Hà Nội đóng vai trò trở thành trung tâm dẫn đầu về nghiên cứu phát triển công nghệ đào tạo mở và từ xa; trung tâm phát triển học liệu; trung tâm bồi dưỡng cán bộ, giáo viên phục vụ học tập suốt đời, nhằm trang bị và phục vụ tốt nhất các điều kiện học tập của người dân ở các địa phương, Nhà trường xây dựng và phát triển hệ thống nội dung học tập số, các khoá bồi dưỡng kỹ năng trên hệ thống trực tuyến và cung cấp miễn phí đến cộng đồng tại địa chỉ https://oer.hou.edu.vn. Trong khuôn khổ năng lực của mình, Trường ĐH Mở Hà Nội trang bị hệ thống thư viện mini, hệ thống các phòng học công nghệ trực tuyến tại các địa phương như Điện Biên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình… để người dân có thêm cơ hội tiếp cận học tập trực tuyến, nâng cao kỹ năng của công dân số. Hơn thế nữa, Nhà trường đã đồng hành với Trung ương Hội khuyến học (HKH) Việt Nam, các cấp HKH tại địa phương và hệ thống giáo dục thường xuyên để tổ chức các hội thảo, toạ đàm và tập huấn nhằm lan toả xây dựng XHHT và HTSĐ cho các cấp, các ngành, người dân địa phương như tại Hà Giang (2016), Hải Phòng (2017), Lai Châu (2018), Quảng Ninh, Đà Nẵng và Cần Thơ (2019), Thái Nguyên, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (2020). Các hoạt động này phần nào thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức cá nhân mà đặc biệt là cơ sở giáo dục đại học để chia sẻ nội dung, hạ tầng công nghệ góp phần xây dựng XHHT ngày một hiệu quả hơn, phạm vi rộng lớn hơn và đáp ứng nhu cầu HTSĐ của người dân. 

Các học viên lớn tuổi trong một lớp bồi dưỡng tại Trường Đại học Mở Hà Nội
Các học viên lớn tuổi trong một lớp bồi dưỡng tại Trường Đại học Mở Hà Nội

Người học tham gia học tập từ xa rất đa dạng và phong phú, với đủ các lứa tuổi từ người đang đi làm cho đến người đã về hưu. Thống kê năm 2020, có 849 người học từ độ tuổi 50 trở lên, thậm chí 55 người học trên 60 tuổi. Trình độ đầu vào của người học cũng khác nhau, có 44% người học đã có trình độ từ trung cấp trở lên với 21% người học đã có trình độ đại học hoặc sau đại học. Hầu hết người học trong độ tuổi làm việc đều đang có vị trí việc làm, thống kê năm 2019 và 2020 có 12,1% số người học làm việc trong khu vực cơ quan hành chính Nhà nước, còn lại là các đơn vị sự nghiệp hoặc khu vực ngoài Nhà nước. Mục tiêu học tập rất đa dạng, từ việc học để nâng cao hiểu biết, khẳng định bản thân, chung sống thích ứng với sự tiến bộ của xã hội cho đến cập nhật kiến thức, nâng cao năng phục vụ tốt cho vị trí công tác. Điều này, đòi hỏi tổ chức đào tạo đáp ứng được nhu cầu đa dạng, đồng thời kế hoạch và phương pháp tổ chức đào tạo ở mức cá nhân hoá cao độ phù hợp với điều kiện, năng lực của mỗi người và đem lại hiệu quả, chất lượng cao nhất trong học tập.

    Để đáp ứng nhu cầu học tập theo trình độ giáo dục đại học, hệ thống đào tạo từ xa của Nhà trường được xây dựng và tổ chức chặt chẽ, khoa học với các yếu tố cấu thành nhằm đảm bảo chất lượng ở mức cao nhất gồm: (1) Hệ thống văn bản quy định cho hoạt động đào tạo từ xa; (2) Hệ thống các chương trình đào tạo (CTĐT) được xây dựng dựa trên CTĐT của đào tạo chính quy với việc bổ sung các hướng dẫn tổ chức dạy học phù hợp với hình thức đào tạo từ xa; (3) Hệ thống giáo trình, học liệu điện tử, tài liệu số được xây dựng và trang bị phong phú, đa dạng, dễ tiếp cận cho người học (4) Hệ thống đội ngũ giảng viên được tập huấn định kỳ về năng lực tổ chức dạy học trực tuyến, kỹ năng khai thác công nghệ cho dạy học; (5) Hệ thống hạ tầng công nghệ được đầu tư nghiên cứu và xây dựng bài bản, hoàn chỉnh với sự hỗ trợ của các chuyên gia Hàn Quốc.

ThS. Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Mở Hà Nội cho biết “Chính hệ thống quản lý đào tạo khoa học đã giúp cho Trường có sự sàng lọc chặt chẽ, công bằng đối với sinh viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Số lượng sinh viên được công nhận tốt nghiệp hàng năm thường thấp hơn rất nhiều so với số đăng ký vào học, thống kê năm 2020 chỉ ở mức khoảng 51%”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.