Đánh giá HS theo hướng tiếp cận năng lực: Đòi hỏi tất yếu

GD&TĐ - Các trường phổ thông hiện nay chỉ tập trung vào đánh giá kết thúc chứ chưa chú ý đến quá trình. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới GDPT hướng đến phát triển năng lực người học, bên cạnh nội dung, phương pháp giảng dạy không thể không đổi mới kiểm tra đánh giá.

Đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học giúp HS nhìn lại những tồn tại trong quá trình học tập của mình. Ảnh: Thanh Long
Đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học giúp HS nhìn lại những tồn tại trong quá trình học tập của mình. Ảnh: Thanh Long

Để đánh giá thêm toàn diện

ThS Nguyễn Thị Xuân Mai - Trường ĐH An Giang - cho rằng: Từ trước đến nay khi nói đến quá trình dạy học, người ta thường nhắc đến 7 thành tố: Mục đích, nội dung, phương pháp và phương tiện dạy học, hoạt động dạy, hoạt động học, đánh giá kết quả học, môi trường dạy học. Vì thế đánh giá kết quả học tập là vấn đề quan trọng, nhận được sự quan tâm của các nhà GD, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới GD toàn diện, và chương trình giáo dục phổ thông.

Đánh giá trong GD có nhiều dạng, tương ứng với những đối tượng và mục đích sẽ có các dạng đánh giá khác nhau.ThS Nguyễn Thị Xuân Mai khẳng định.

Đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học là điểm bắt đầu cho một quá trình tiếp theo. Đối với HS, kết quả đánh giá sẽ là thước đo sự tiến bộ của các em, giúp các em nhìn lại những tồn tại trong quá trình học tập của mình để tự điều chỉnh. Đối với GV, kết quả đánh giá giúp họ nhìn lại quá trình học tập của HS và quá trình dạy học của mình, từ đó có những điều chỉnh nội dung, phương pháp, hình thức dạy học phù hợp.

Trong quá trình dạy học, kết quả học tập của HS luôn được xem như là chất lượng của một sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện. Vì thế, muốn có kết quả chính xác HS, GV phải đánh giá theo một quá trình và dựa trên các tiêu chí được xây dựng từ chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ.

Nói rộng ra, đánh giá kết quả học tập của HS là một bộ phận hợp thành quan trọng và tất yếu của toàn bộ quá trình dạy học. Đó là tiến trình thu thập và phân tích những bằng chứng về sự thay đổi của người học các mặt nhận thức, kĩ năng. Từ đó, nhà GD đưa ra những kết luận về hiệu quả của quá trình dạy học...

Giáo viên cần được tập huấn thường xuyên về kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học. Ảnh: Thanh Long
  • Giáo viên cần được tập huấn thường xuyên về kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học. Ảnh: Thanh Long

Để giáo viên bắt kịp đổi mới

Rõ ràng, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học sẽ là động lực thúc đẩy các quá trình khác như đổi mới phương pháp dạy học, cách thức dạy học, quản lý… Vì vậy, việc đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học là một đòi hỏi cấp thiết, có vai trò quyết định đối với quá trình đổi mới GD và Chương trình GDPT mới.

Thực tế hiện nay cho thấy, việc thực hiện đánh giá người học theo hướng tiếp cận năng lực ở đội ngũ GV vẫn còn những hạn chế nhất định. Có thể nói tới tình trạng GV chưa được tập huấn hoặc tập huấn không thường xuyên, thiếu chất lượng về cách đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực. Nhiều GV mới chỉ đánh giá người học theo hướng tiếp cận năng lực dựa trên việc tự nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn của bản thân. Chưa xây dựng được bộ tiêu chí cụ thể, chi tiết để đánh giá từng bài và môn học theo hướng tiếp cận năng lực.

Tại nhiều trường, đặc biệt các trường ở vùng khó khăn, hầu hết giáo viên dạy vượt định mức nên số giờ lao động cao, số lớp giảng dạy nhiều nên việc đánh giá đôi khi chưa thực sự hiệu quả.

Nhiều SV sư phạm, GV đang giảng dạy có tâm lý ỷ lại, chưa thực sự nỗ lực trong quá trình tự học, thậm chí lười đổi mới cách đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học.

Có thể định kỳ lấy ý kiến phản hồi của người học về công tác dạy học, trong đó có kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt phân tích kĩ các ý kiến phản hồi về công tác kiểm tra đánh giá, làm cơ sở cho việc đào tạo các hoạt động chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

ThS Đới Thị Thu Thủy - Trường CĐSP Lào Cai - cho rằng, để giáo viên làm tốt công tác đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học, cần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên trong công tác đổi mới kiểm tra đánh giá.

Thực tế nhiều giáo viên tự nghiên cứu, tìm tòi để thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học, nhưng chưa được tập huấn một cách bài bản. Vì vậy thời gian tới, từ cấp Bộ, Sở, Phòng GD&ĐT cần tổ chức các hội nghị tập huấn về đổi mới kiểm tra, đánh giá phương hướng tiếp cận năng lực người học một cách thường xuyên cho các nhà trường, GV.

Thường xuyên tổ chức hội thảo khoa học cấp khoa, cấp trường, tổ chức sinh hoạt theo chuyên môn sâu để thảo luận, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đổi mới, tìm ra cách làm hay, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt việc đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học.

Đặc biệt, cần từng bước xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực người học qua từng bài học, học phần, làm căn cứ đổi mới quá trình dạy học nói chung và kiểm tra đánh giá nói riêng theo hướng tiếp cận năng lực người học.

Mặt khác, cần tăng cường hướng dẫn SV phương pháp tự học, tự nghiên cứu; định hướng sản phẩm mà SV cần đạt được sau mỗi bài, mỗi chương, mỗi môn học, làm căn cứ đánh giá SV theo hướng tiếp cận năng lực…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ