Đánh giá học sinh Tiểu học bằng nhận xét: Những điểm tích cực và hạn chế

Năm nay, việc đánh giá học lực và sự tiến bộ của học sinh ở bậc Tiểu học có sự điều chỉnh theo cách kết hợp nhận xét của giáo viên với các bài kiểm tra.  

Đánh giá học sinh Tiểu học bằng nhận xét: Những điểm tích cực và hạn chế

 

Hiện đã là thời điểm kết thúc năm học 2016 - 2017. Năm nay, việc đánh giá học lực và sự tiến bộ của học sinh ở bậc Tiểu học đã có sự điều chỉnh theo cách kết hợp nhận xét của giáo viên với các bài kiểm tra cuối học kỳ và cuối năm học.

Trong sổ liên lạc của các em học sinh lớp 5 trường Tiểu học thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, tại phần "Các em sợ điều gì?", hầu như em nào cũng chọn ô "sợ bị la mắng" hoặc "trách phạt". Có lẽ chính vì thế, việc không còn bị chấm điểm hàng ngày là điều khiến các em thích nhất.

Đối với giáo viên, năm nay, các thầy cô không phải nhận xét vào vở của học sinh nhiều như trước. Thay vào đó, quy định mới cho phép họ nhận xét trực tiếp với học sinh trên lớp để các em biết mình làm tốt và chưa tốt ở đâu, từ đó, hướng dẫn lại kiến thức, kĩ năng cho các em. Số lượng sổ sách giáo viên phải theo dõi so với trước đây cũng giảm đi nhiều.

Ngoài ra, quy định mới cũng bổ sung các mức độ về chuẩn kiến thức, kĩ năng, năng lực, phẩm chất của học sinh để giáo viên có căn cứ đánh giá tốt hơn, chính xác hơn những nỗ lực của học sinh trong cả năm học.

Có thể thấy, với những hạn chế cơ bản được khắc phục, năm nay học sinh được đánh giá cụ thể hơn, chính xác hơn, giáo viên cũng có nhiều thời gian hơn để tập trung vào các hoạt động chuyên môn. Tuy nhiên, một số phụ huynh ở Hà Nội cũng cho biết, các nhận xét hàng ngày, được ghi trong vở của con em họ vẫn còn khá chung chung và công thức.

Một số giáo viên chỉ nhận xét là: "Đạt" hay là "Chưa đạt". Những câu như: "Con cần cố gắng phát huy", "Con hãy nỗ lực nhé!" cũng được sử dụng khá phổ biến, mà hàm lượng thông tin nhận xét trong những câu này là không nhiều. Một trong những lí do dẫn đến điều này là do ở nhiều trường học, sĩ số lớp học còn quá đông.

Ngoài ra, một số phụ huynh cũng phản ánh, hiện nay, tại một số trường, điểm tổng kết của học sinh Tiểu học được chấm ở mức cao, đa phần các em đều đạt 9, 10 điểm. Lí do là để động viên, khuyến khích các em. Tuy nhiên, theo ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD & ĐT, cách làm này hoàn toàn không đúng với tinh thần đánh giá học sinh Tiểu học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ