Cần thực hiện công tác điều tra, thống kê, dự báo, kiểm tra, đánh giá toàn diện nhu cầu của thị trường lao động để có kế hoạch đào tạo; tạo sự cân đối trong đào tạo, ngành Giáo dục phải xác định rõ “Đào tạo cho ai và đào tạo để làm gì”?
Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Theo quy định của Luật Giáo dục ĐH: Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để hỗ trợ công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục ĐH trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
Thực hiện quy định của Luật, với những ngành như sư phạm, sức khỏe, Bộ GD&ĐT trực tiếp lấy ý kiến của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Bộ Y tế về nhu cầu nhân lực; với những ngành còn lại, Bộ GD&ĐT giao các cơ sở giáo dục ĐH chủ động xác định nhu cầu nhân lực thông qua các hoạt động: Xin ý kiến Bộ chủ quản về nhu cầu nhân lực với ngành đào tạo; khảo sát, xác định nhu cầu nhân lực theo trình độ và ngành/chuyên ngành đào tạo khi xây dựng chương trình đào tạo; khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hàng năm, công khai kết quả khảo sát trên trang thông tin điện tử của cơ sở.
Năm 2020 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT thí điểm kênh đánh giá độc lập bằng cách giao Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực trực thuộc Bộ thực hiện đánh giá tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2020. Nội dung đánh giá hướng tới mục tiêu xác định nhu cầu của thị trường lao động về số lượng và chất lượng với từng nhóm ngành nghề đào tạo. Nếu kết quả khả quan, hoạt động này sẽ trở thành thường niên của Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện những nhiệm vụ: Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ trong hoạt động học thuật, nghiên cứu khoa học và các vấn đề liên quan; đổi mới quản lý Nhà nước theo hướng quy định hệ thống chuẩn chất lượng; quy định về trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng và chất lượng thực tế; tăng cường kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra và hoàn thiện hệ thống chế tài, xử lý vi phạm; tiếp tục triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam; xây dựng, ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho từng trình độ, từng ngành, nhóm ngành theo từng lĩnh vực đào tạo; thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa cơ sở giáo dục ĐH và doanh nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo trong nhà trường và thực tế môi trường làm việc tại các doanh nghiệp; triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu luận cứ, đề xuất mô hình, chính sách nâng cao hiệu quả hợp tác giữa ĐH và doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 ở Việt Nam”.