Trường đại học lo xây “kho” việc làm cho sinh viên

Trường đại học lo xây “kho” việc làm cho sinh viên

Bắt tay doanh nghiệp tạo "kho" việc làm

Xác định hoạt động hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp (DN) là "chìa khóa" giải quyết vấn đề việc làm sau tốt nghiệp của SV, vài năm trở lại đây nhiều trường ĐH-CĐ khu vực phía Nam rất coi trọng vấn đề này. Nhiều đơn vị thậm chí còn đặt và giao chỉ tiêu đầu việc làm hàng quý phải có cho phòng Quan hệ Doanh nghiệp và hỗ trợ SV, để tạo dựng "kho" việc làm ổn định.

Theo TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, 3 năm trước, khi ấp ủ việc thực hiện "cam kết 100% việc làm với sinh viên", ông và các thành viên phòng Quan hệ Doanh nghiệp phải lăn lộn khắp các DN trong và ngoài tỉnh để đặt quan hệ hợp tác, đào tạo.

"Ngoài việc xây dựng tương tác hai chiều giữa nhà trường - DN, giúp cả hai hiểu nhau hơn trong việc cung - cầu nguồn nhân lực, hợp tác còn tạo môi trường học tập, thực hành kỹ năng nghề nghiệp cho SV ngay từ trên ghế nhà trường. DN cho mình biết họ cần gì ở SV, kỹ năng nghề nghiệp phải thế nào, từ đó nhà trường điều chỉnh hình thức và phương thức đào tạo cho phù hợp. Khi cả hai nhìn về một phía, cùng hài lòng với chất lượng nhân lực, bản thân sự tương tác ấy sẽ tạo ra những vị trí công việc trong tương lai cho SV" - TS Lê Lâm chia sẻ.

Với cách thức tiếp cận DN trong mối tương hỗ cung - cầu nguồn lao động, đến nay, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn đã tạo được "kho" việc làm đủ lớn (khoảng 700 - 800 đầu việc hàng quý), với trên 460 doanh nghiệp có sự hợp tác để bảo đảm đầu ra việc làm cho tất cả SV của trường.

Với tỉ lệ SV có việc làm sau tốt nghiệp đạt 92%, Trường ĐH Lạc Hồng (LHU - Đồng Nai) cũng là đơn vị có hướng đi đúng đắn trong việc tạo nguồn việc làm cho SV. TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng LHU cho biết: Từ năm 2018, nhà trường xây dựng, ký cam kết với SV về việc tìm kiếm và giới thiệu việc làm theo đúng ngành nghề đào tạo. Trong trường hợp SV cần đào tạo nâng cao, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức về ngành nghề, nhà trường sẽ đào tạo miễn phí.

Lợi thế của LHU là mạng lưới đối tác DN sâu rộng khi nhà trường có thỏa thuận hợp tác song phương trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo với hơn 800 DN ở Đồng Nai và các tỉnh phía Nam, trong đó có nhiều DN FDI với quy mô lớn. 800 DN mà trường có hợp tác chính là "quỹ" việc làm dự trữ hàng năm của LHU. Mặt khác, đây là môi trường tốt để SV thực tập và làm việc trong quá trình học và sau khi ra trường.

"Thực tế, việc hợp tác giữa trường đại học và DN là cần thiết và tất yếu, bởi không ai có thể vỗ tay bằng một bàn tay. Ở LHU, DN tham gia sâu vào hầu hết các khâu trong quá trình đào tạo, từ xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình và trực tiếp giảng dạy cho SV. Vì vậy, những yêu cầu của DN về chất lượng nguồn nhân lực đều được chúng tôi tiếp thu, cập nhật kịp thời. Đây chính là cơ sở, nền tảng để nhà trường có "kho" việc làm đủ lớn cung cấp cho SV sau khi tốt nghiệp" - TS Nguyễn Vũ Quỳnh nhận định.

Đẩy mạnh đào tạo theo địa chỉ và đơn đặt hàng

Để tạo quỹ việc làm cho SV, nhiều đơn vị còn thực hiện việc đào tạo theo đơn đặt hàng của các địa phương, tập đoàn đa quốc gia, cũng như học bổng gắn với việc làm từ các quỹ cộng đồng.

Sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là một ví dụ, khi tốt nghiệp có đơn vị mời về ngay, thậm chí SV năm 3 đã có nhiều DN "trải thảm đỏ" chờ sẵn với mức lương cao. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết: Không chỉ riêng ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô, ngành Công nghệ Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ Kỹ thuật cơ khí, Công nghệ Chế tạo máy cũng luôn trong tình trạng "khát" nhân lực.

"Những ngành học trên, SV luôn được DN săn đón, phần do đào tạo theo đơn đặt hàng, phần chất lượng đào tạo tốt, đáp ứng yêu cầu thị trường nhân lực. Thực tế, Khoa Cơ khí chế tạo máy và Khoa Cơ khí động lực là hai khoa nhận được sự đầu tư về công nghệ, cơ sở thực hành lớn nhất trường.

Hàng năm, các tập đoàn đa quốc gia, hãng xe lớn tài trợ máy móc, công nghệ cho SV thực hành, cũng như "săn" SV khi họ chuẩn bị tốt nghiệp. Khi SV được học và thực hành trên hệ thống máy móc hiện đại, với đội ngũ thầy giáo giỏi, không có gì khó hiểu việc họ được các DN săn đón" – PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết.

Hợp tác giữa trường ĐH-CĐ và DN là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay, nhưng để cái bắt tay ấy thật sự thành công và hiệu quả, theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh, các trường ĐH-CĐ cần chủ động đưa tay ra trước. Việc chủ động theo TS Quỳnh thể hiện thiện chí và mong muốn từ phía cơ sở giáo dục đại học, cũng như những quan hệ xã hội khác.

Ngoài chính sách bắt tay DN, nhiều trường còn đẩy mạnh đào tạo nhân lực gắn với hạng mục việc làm cụ thể của đơn vị. ThS Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM thông tin: Nhiều năm qua, nhà trường chú trọng đẩy mạnh các hoạt động gắn kết này. 

Trung bình mỗi năm có 40 - 50% sinh viên các khoa như: Kỹ thuật Xây dựng, Điện công nghiệp, Quản trị Bếp và Ẩm thực, Lập trình máy tính, Điều dưỡng thuộc dạng đào tạo theo địa chỉ và vị trí công việc với mức lương dao động từ 7 - 12 triệu đồng/tháng. Theo ThS Nguyễn Đăng Lý, chính việc kết nối giữa người sử dụng lao động và đơn vị đào tạo theo các hình thức trên đã gián tiếp góp phần giảm tỉ lệ SV thất nghiệp sau khi ra trường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ