Đánh con là "bất lực"

Đánh con là "bất lực"

(GD&TĐ) - “Vì mải làm ăn và chăm con nhỏ mà xao nhãng cậu con lớn, hai vợ chồng tôi đã có thời gian tưởng chừng bất lực trước sự bướng bỉnh của cậu con 8 tuổi” - Chị Hạnh (Bắc Ninh) chia sẻ.

Bất lực vì con bướng...

Khá bướng bỉnh, không chăm học và nhất là hay “tích” tiền (mừng tuổi, ăn sáng) để ra hàng game chơi, Trung - con của chị Hạnh không ít lần bị bố cho ăn roi. Bình thường thi thoảng Trung mắc lỗi lớn thì mới bị bố cho ăn roi, vì thương cu cậu còn bé lại nhỏ người. Nhưng lần ấy bố vừa đi làm về, đang mệt mỏi lại không thấy cậu con trai đâu trong khi giờ học ở trường đã hết từ lâu (trường học gần nhà nên thỉnh thoảng bố mẹ để Trung tự đi từ trường về nhà). 

Chạy đi tìm con khắp nơi, cuối cùng chồng chị Hạnh nhìn thấy cậu con trong cửa hàng game. Chồng chị Hạnh lôi con về lấy roi tra hỏi tiền chơi game ở đâu và đáng ăn bao nhiêu roi. Không trả lời bố ngay, cậu bé cãi quanh... Không kiềm chế nổi trước thái độ bướng bỉnh của cậu bé, chồng chị Hạnh đã vung roi lên vụt vào mông và chân con và quát để cho chừa cái thói mải chơi. Điều đáng nói và khiến vợ chồng chị Hạnh bị “sốc” khi đánh con, đó là cậu bé 8 tuổi không những không tỏ ra sợ roi, mà sau 1, 2 roi đầu cậu chỉ lấy tay xoa chân và mông, mắt nhìn bố trừng trừng và hét lên: “Bố đánh con đi, đánh con chết đi, con cũng không muốn sống nữa...”. Chứng kiến cảnh này, chị Hạnh đành phải làm một việc mà không bao giờ chị làm đó là can chồng trong lúc “dạy” con... 

Đánh con là "bất lực" ảnh 1
Người lớn cần phải quan tâm đến cảm xúc của trẻ Ảnh: Thu Ba

Cả đêm hôm đó hai vợ chồng chị Hạnh không ngủ được. Cả hai vợ chồng cảm thấy vô cùng ân hận, vì đã thấy “mầm mống” của tính bướng bỉnh và mải chơi của cậu con từ trước đó nhiều tháng, nhưng vẫn chỉ đơn giản nghĩ rằng trẻ con đứa nào chẳng thế. 

Cha mẹ cần quan tâm đến cảm xúc của trẻ

Theo Tổ chức nhân đạo phi chính phủ Plan (một tổ chức quan tâm đến việc giúp đỡ trẻ em), vì trẻ muốn chứng tỏ quyền lực và sức mạnh nên có thể có những hành vi hung hăng, đánh bạn, cãi lại bố mẹ, không nghe lời bố mẹ, thậm chí là thách thức, thù địch, chống đối lại bố mẹ. 

Khi đứng trước những “phản ứng” như vậy của trẻ, các bậc phụ huynh thay vì cũng nổi xung lên, thì hãy cố gắng giữ bình tĩnh, tìm cách rút khỏi xung đột với trẻ, tránh để trẻ tăng thêm phần nóng nảy. Thêm nữa, điều mà không phải bố mẹ nào cũng có thể nhìn nhận và thực hiện, đó là cố gắng tìm hiểu về cảm xúc của trẻ, chia sẻ với trẻ những cảm xúc của chúng, cố gắng tìm hiểu tình huống khó khăn mà chúng gặp phải, nhằm có thể phân tích cho trẻ thấy rõ vấn đề, tránh việc lặp lại những tình huống tương tự. 

Trẻ có thể đối kháng với người lớn bằng cách tỏ ra hằn học, thậm chí là làm tổn thương một ai đó như một cách để “trả đũa”. Với những trường hợp như vậy, cha mẹ cũng không nên “cương” với trẻ, không nên “cứng nhắc” giải quyết vấn đề bằng bạo lực (đánh mắng trẻ). Làm như vậy người lớn chỉ chứng tỏ mình “bất lực” trước sai trái của trẻ, hành động trừng phạt của người lớn chỉ làm trẻ bị tổn thương sâu hơn. 

Cần dành thời gian để hiểu trẻ em, hiểu những gì chúng cần và hiểu tại sao chúng làm sai, là điều mỗi bậc phụ huynh phải cố gắng, chứ không phải bắt trẻ làm những điều chúng không muốn và cũng không hiểu tại sao phải làm.

Ngọc Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bất kể mối quan hệ của bạn với người mà bạn yêu thương diễn ra như thế nào thì khi chia tay, bạn luôn cần có một khoảng thời gian để vượt qua. (Ảnh: ITN).

Cách vượt qua nỗi đau khi tình yêu tan vỡ

GD&TĐ - Không có gì tuyệt vời hơn khi bạn đang đắm chìm trong tình yêu với một ai đó, nhưng khi mối quan hệ đó kết thúc, bạn sẽ cảm thấy vô cùng đau đớn...