Đằng sau những cuộc ly hôn

GD&TĐ - Dù muốn hay không, sau mỗi cuộc ly hôn những đứa trẻ đều là người chịu thiệt thòi nhất. Thiếu vắng tình cảm của cha hay mẹ đều mang đến những tổn thương cho con trẻ. Bởi vậy người lớn nên biết chia tay một cách văn minh và cùng đồng hành để giúp con cái vượt qua cú sốc tâm lý.

Đằng sau những cuộc ly hôn

Những biến động tâm lý không tránh khỏi

Đây là một trong nhiều tâm sự của những bà mẹ đơn thân sau khi ly hôn: “Em có 1 bé trai lên 5 tuổi. Con chỉ được sống với bố đến năm 2 tuổi vì vợ chồng em li hôn. Từ đó đến nay chỉ có hai mẹ con sống cùng nhau.

Một năm đầu bố có về thăm con khoảng 1 - 2 tháng/lần, nhưng 2 năm nay thì 5 - 6 tháng/lần. Con trộm vía ăn ngon, ngủ khỏe, chơi ngoan, chỉ thỉnh thoảng có ốm vặt. Những lúc không vừa ý con hay khóc nhè, ăn vạ và la hét váng nhà.

Nhưng có lúc đang nằm ôm mẹ chơi hoặc ngủ, mặc dù đang vui vẻ thì con lại khóc. Con chỉ chảy nước mắt và thút thít, không hét to thành tiếng, mẹ hỏi thế nào cũng không nói.

Trước đây, thỉnh thoảng con mới có triệu chứng đó. Nhưng khoảng một tháng trở lại đây con hay thổn thức vào ban đêm. Có khi vừa gặp mẹ ở cửa lớp cũng òa khóc nếu nhìn thấy bạn cùng lớp dắt tay bố chuyện trò ríu rít.

Em vẫn biết là con sẽ có vấn đề về tâm lý khi bố mẹ li hôn, nhưng em thực sự rất lo lắng nên rất mong các mẹ tư vấn giùm” – đó là tâm sự của người mẹ có tài khoản là Gấu trúc trên diễn đàn Làm mẹ muốn tìm những đồng cảm chia sẻ của những người mẹ cùng cảnh ngộ.

Bày tỏ sự cảm thông, nhiều bà mẹ khác đã đưa ra lời khuyên: Đây là tâm lý chung của các bé có hoàn cảnh đặc biệt khi không được sống cùng với cả cha và mẹ. Bởi vậy khi con còn nhỏ, những lúc con rơi vào tình huống này bạn nên vỗ về an ủi con với những câu nói:

“Con nhớ bố phải không? Mẹ cũng rất nhớ. Chắc bố mình bận nhiều công việc quá. Hai mẹ con mình còn được ngủ cạnh nhau chứ bố chắc chỉ có một mình cũng buồn lắm đấy.” Khi con chưa đủ sự hiểu biết mọi chuyện bạn nên trò chuyện theo cách đó để trẻ nguôi ngoai dần. Tới khi bé đủ lớn để hiểu bạn có thể giải thích cho con.

Một người mẹ khác cũng cho rằng: Quan trọng nhất là bạn phải định vị được cảm xúc cho con nói bật ra điều mà con đang nghĩ và đồng hành cùng con vượt qua trạng thái cảm xúc ấy.

Thỉnh thoảng bạn chủ động gọi điện cho bố bạn ấy nhắc bố gọi điện cho con gọi bằng video call đó. Điều quan trọng là bạn nên nói chuyện thẳng thắn với chồng cũ để cùng có tiếng nói chung trong cách nuôi dạy giáo dục con để con ít chịu thiệt thòi nhất.

Nên nhìn về phía con khi cư xử

Sự việc bố mẹ chia tay vì bất cứ điều gì cũng khiến trẻ sốc và thay đổi về tâm lý. Nhiều trẻ thu mình ngại giao tiếp với người xung quanh; các con có thái độ bất an và tự ti. Ngược lại có những đứa trẻ trở nên gai góc, lầm lỳ bất cần và hình thành tâm lý chống đối với người mà chúng cho rằng là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc ly hôn.

Dù thế nào đó cũng là những phản ứng tiêu cực. Vì vậy nếu không thể cứu vãn được cuộc sống chung dưới một mái nhà, những ông bố, bà mẹ nên nhìn nhận từ phía những đứa con để có thái độ đúng mực.

Chia sẻ về câu chuyện đằng sau những cuộc ly hôn, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền - Trung tâm Wedo Wegood (Hà Nội) chỉ ra mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, có trường hợp người bố “biến mất” thực sự mà không biết rằng trên cõi đời này hình như mình cũng có một đứa con. Và đứa con ấy thực sự đã mất đi một nửa cảm xúc, một nửa trái tim cho một người cha. Vì vậy nó giấu đi những nỗi buồn vô hình.

Thứ hai, Khi bố và mẹ cứ gặp nhau là tranh giành, lôi kéo cho thỏa mãn cảm xúc “con là của tôi”, thì đứa con ấy đứng giữa “ngã ba đường” của sự giằng co, sự áp đặt phải nghe, phải hiểu đủ kiểu cho đủ cả cảm xúc lung tung của hai người.

Thứ ba, khi bố mẹ chia tay nhau nhưng vẫn hận thù, vẫn chì chiết, vẫn hiếu thắng với nhau, thì đứa con ấy sẽ bị “lăn qua lăn lại” theo cảm hứng của bố mẹ. Nó phải sống trong sự nơm nớp “không biết mẹ có cho nó đi chơi với bố không hay ngược lại bố có cho gặp mẹ không...”.

Thứ tư, khi bố mẹ mang danh bù đắp cho con cái và đứa con luôn được đáp ứng trước hoặc luôn được đáp ứng mọi thứ thì nó trở nên đòi hỏi và coi như đó là bổn phận của cha mẹ để chuộc lỗi vì khiến nó không được có đủ bố mẹ.

Khi bố hoặc mẹ hoặc cả hai bố mẹ có gia đình mới, những đứa con ấy rất khó để thuộc về cái gia đình đó. Vì vậy nó lạc lõng trong chấp nhận sự sẻ chia tình cảm... Chính vì vậy bạn hãy nghĩ thật sâu - thật xa - thật kín kẽ về tâm lý của các con trước khi quyết định “thỏa mãn cảm xúc” của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải