Đằng sau nhân vật Bạch Xà trong văn học Trung Quốc

GD&TĐ - Bạch Xà là nhân vật hư cấu có nguồn gốc từ văn học dân gian Trung Hoa, giữ vững vị trí yêu thích trong đời sống tinh thần dân tộc Hán.

Chuyện về Bạch Xà là 1 trong 4 truyền thuyết dân gian Trung Quốc nổi tiếng nhất.
Chuyện về Bạch Xà là 1 trong 4 truyền thuyết dân gian Trung Quốc nổi tiếng nhất.

Bất chấp thời đại, “nàng” liên tục được nhắc đến, đại diện cho từ “cám dỗ phải tránh” đến “biểu tượng nữ quyền”.

Bài học cảnh tỉnh

Dân gian Trung Quốc kể rằng thuở xưa, vạn vật đều tu đạo. Trong hồ Tây Hồ rộng lớn ở Hàng Châu có con rắn trắng. Nó dày công tu luyện hàng nghìn năm, cuối cùng thành công hóa hình người.

Nhân dạng của xà yêu này vô cùng xinh đẹp, tên gọi Bạch Xà. Trong một lần dạo chơi, Bạch Xà vô tình gặp chàng thư sinh bảnh bao tên Hứa Tiên, đem lòng yêu thương.

Trước nhan sắc tuyệt trần và tình ý nồng nàn của Bạch Xà, Hứa Tiên xiêu đổ, quyết định kết hôn. Hay tin, hòa thượng Pháp Hải đang ở chùa Kim Sơn rời nơi tu hành, tìm đến Tây Hồ. Ông gặp Hứa Tiên, cho chàng ta biết người đang chung chăn gối là yêu quái.

Hứa Tiên tin lời Pháp Hải, chuốc Bạch Xà uống rượu hùng hoàng có tác dụng khiến yêu quái hiện nguyên hình. Ngay khi vừa nhìn thấy hình dáng thật của nương tử, chàng ta kinh hãi đột tử.

Bạch Xà liều mạng đột nhập núi Côn Luân, đánh cắp cỏ hồi sinh cứu sống phu quân. Nàng đem được Hứa Tiên trở về, nhưng lại bị Pháp Hải cướp đi. Căm phẫn, Bạch Xà thi triển phép thuật, gây đại hồng thủy. Pháp Hải ra mặt áp chế, phong ấn nàng vào trong tháp Lôi Phong.

Không rõ phiên bản ban đầu của “Bạch Xà truyện” dân gian có trùng khớp toàn bộ với nội dung kể trên hay không, nhưng phiên bản thành văn đầu tiên thì nhiều nét khác. Theo ghi nhận từ Trung Quốc, “Bạch Xà truyện” thành văn phiên bản số 1 xuất hiện vào thời Nhà Đường (618 - 907). Nó nằm trong bộ sưu tập “Thái Bình Quảng Tế”, có tựa đề là “Ghi chép về rắn trắng”.

Nội dung viết rằng Li Huang, thư sinh trẻ đẹp trai đã gặp một góa phụ mặc trang phục trắng. Nàng ta cực kỳ kiều diễm, khiến Li Huang nảy sinh dục tính, nghe lời dụ dỗ mà theo về nhà. Sau 3 ngày chung sống mặn mà, Li Huang mới rời khỏi góa phụ mặc đồ trắng. Chàng ta về tư dinh và đổ bệnh, sụt cân, yếu ớt đến độ nằm bẹp trên giường.

Vài ngày sau, Li Huang thiệt mạng. Thi thể chàng ta rữa ra, xương cốt cũng hóa bùn nhão. Người nhà Li Huang tìm tới nơi mà trước khi trút hơi thở cuối cùng, chàng ta đã khai ra. Trước mắt họ không có ngôi nhà nào, mà chỉ là khu vườn bỏ hoang, nghe đồn là chỗ ở của đại bạch xà.

“Ghi chép về rắn trắng” đơn giản là lời răn dạy trực tiếp. Nó thẳng thừng cảnh báo nam giới trẻ tuổi phải biết cẩn thận trước những phụ nữ không rõ gốc gác, đừng để bản thân bị ham muốn tình dục nhấn chìm.

Biến đổi và nghịch đảo

Bước sang thời Nhà Minh (1368 - 1644), văn gia Phùng Mộng Long (1574 - 1646) sáng tạo một Bạch Xà khác dựa trên truyền thuyết gốc. Tác phẩm của ông mang tựa đề “Thiếu nữ áo trắng bị phong ấn trong tháp Lôi Phong”. Truyện kể rằng, Bạch Xà đã quyến rũ chàng thư sinh nghèo tên Hứa Tiên. Nàng ta đóng giả làm con gái của một vị quan, tiếp cận và cho Hứa Tiên tiền để thuê bà mối đến hỏi cưới mình.

Vốn dĩ, Bạch Xà không có tiền. Nàng ta đánh cắp nó từ kho bạc của phủ. Vì nhận và dùng tiền ăn cắp từ nàng ta, Hứa Tiên bị truy bắt, buộc phải trốn tới nơi khác. Bạch Xà bám theo, tiếp tục tán tỉnh và nhận được sự đồng ý kết duyên. Trước hôn lễ, nàng ta tặng Hứa Tiên một bộ y phục lộng lẫy. Hứa Tiên hớn hở mặc đi ra đường, ai dè chưa được mấy bước đã bị tóm cổ vì tội trộm quần áo.

Sau 2 lần dại dột, Hứa Tiên vừa hối hận vừa bẽ mặt, tới nhà chị gái tá túc. Bạch Xà lại bám theo, dọa nếu không lấy nàng ta thì sẽ nhuộm máu cả đường phố Hàng Châu. Khốn khổ và bất lực, Hứa Tiên nhảy xuống Tây Hồ tự sát. Đúng lúc này, đại sư Pháp Hải ra mặt, thu thập Bạch Xà và phong ấn vào tháp Lôi Phong.

Trong truyện của Phùng Mộng Long, Bạch Xà là yêu nữ bất chấp luân thường đạo lý, sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để đạt mục đích. Còn Hứa Tiên thì vừa dâm dục, bất tài lại vừa tham lam, hèn nhát.

Phùng Mộng Long cũng mượn câu chuyện về Bạch Xà cảnh tỉnh mọi người, nhưng đi xa hơn một bước là phơi bày thực tế xã hội đầy gian tham, hám lợi, ưa hư vinh.

Đến thời Nhà Thanh (1644 - 1911), Bạch Xà đột nhiên được thay đổi đánh giá. Sau khi sưu tập một loạt các phiên bản Bạch Xà truyện khác nhau, học giả Phương Thành Bồi đã cải biên thành vở kịch “Tháp Lôi Phong” đầy thiện cảm. Ông biến Bạch Xà thành người phụ nữ dám yêu và vì yêu, đáng được cảm thương, trân trọng. Ngược lại, Hứa Tiên thì quá hèn nhát, tư lợi, tráo trở, không xứng đáng với tình yêu của Bạch Xà.

Nửa đầu thế kỷ XX, Bạch Xà bất thần trở thành biểu tượng nữ quyền. Đến cả đại văn hào Lỗ Tấn (1881 – 1936) cũng tuyên bố nàng là người phụ nữ tự chủ nhất, dám bất chấp lễ giáo đến với người mình yêu. Trong mắt ông, Pháp Hải là kẻ áp đặt, còn tình yêu và hôn sự giữa Bạch Xà với Hứa Tiên là 2 bên tình nguyện.

Thập niên 1950, Bạch Xà bước lên vị trí “đại diện của sắc đẹp, tình yêu thuần khiết và ý chí tự do”. Các văn gia, biên kịch không chỉ nỗ lực trang hoàng dung nhan và nhân cách cho nàng, mà còn biến nàng thành người vẽ đường chỉ lối, hướng Hứa Tiên thành người đàn ông kiên định, dũng cảm.

Thay vì thúc thủ dưới tay Pháp Hải, chàng vì nàng mà vùng lên đánh bại ông ta, phá hủy chùa Kim Sơn, đập tan tháp Lôi Phong.

Thế kỷ XX, Bạch Xà là biểu tượng của nữ quyền.

Thế kỷ XX, Bạch Xà là biểu tượng của nữ quyền.

Hoàn nguyên

Ngày nay, Trung Quốc có vô số các phiên bản Bạch Xà. Cả văn chương lẫn điện ảnh Trung Hoa đều đua nhau khai thác “Bạch Xà truyện” dưới mọi góc độ, bao gồm từ lãng mạn, tâm lý đến cả kinh dị. Nhân vật Bạch Xà liên tục “thay da”, có lúc ngây thơ, có khi đáng sợ và cũng lắm phiên bi ai nhưng nhìn chung đều cuốn hút.

Đại sư Pháp Hải cũng nhiều lần được khắc họa mới. Có tác phẩm, ông là nhân vật phản diện máu lạnh, vô tình. Cũng có tác phẩm, ông chỉ là kẻ bị ép phải tuân Phật pháp, miễn cưỡng chia uyên rẽ thúy.

Tháng 5/2021, điện ảnh Trung Quốc giới thiệu phiên bản Bạch Xà mới nhất, “Bạch Xà: Tình Kiếp”. Mặc dù không “cháy vé rạp chiếu” như mong đợi, nó vẫn thu hút khá nhiều sự quan tâm, được đánh giá 8,2/10 sao.

Cuối tháng 7 vừa qua, Trung Quốc ra mắt phần tiếp theo của loạt hoạt hình “Truyền thuyết Bạch Xà” đang ăn khách. Nhìn chung, khán giả của đất nước tỷ dân này vẫn duy trì tình cảm với Bạch Xà. Có điều, người ta có vẻ thích các phiên bản nhẹ nhàng hơn.

Trong kiểu “phiên bản nhẹ nhàng”, Pháp Hải đơn giản là người tuân thủ lẽ trời, hướng dẫn đạo lý và bảo vệ con người khỏi tà ác. Bạch Xà thì giác ngộ tham luyến với Hứa Tiên là sai, chấp nhận bị phong ấn và ăn năn hối cải để đổi lại sự an toàn cho chồng con.

Nếu nửa thế kỷ trước, “Bạch Xà truyện” là phương tiện phản ánh, nghi ngờ sự áp bức thì bây giờ, nó chỉ là tình tiết văn chương. Cả người viết lẫn người tiếp nhận Trung Quốc đều chỉ muốn nhìn nó dưới góc độ cận dân gian, nguyên bản nhất.

Theo Sixthtone

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ