Ai là ‘tân vua hài kịch’ của điện ảnh Trung Quốc sau Châu Tinh Trì?

Sự thất sủng của Thành Long và Châu Tinh Trì mùa phim Tết tại Trung Quốc cho thấy đã có một cuộc đổi ngôi thực sự tại thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới.  

Ai là ‘tân vua hài kịch’ của điện ảnh Trung Quốc sau Châu Tinh Trì?

Việc Châu Tinh Trì xuất hiện trong buổi họp báo ngày 8/2 thừa nhận bộ phim Tân vua hài kịch của anh thất bại trong cuộc chiến phim Tết Kỷ Hợi và mô tả “điện ảnh Trung Quốc có một vua hài mới” phản ánh một cuộc đổi ngôi thực sự của thị trường phim Hoa ngữ.

Châu Tinh Trì không đề cập đến tên của “tân vua hài kịch”, nhưng với những người quan sát điện ảnh Trung Quốc lâu năm thì điều đó không phải là quá khó đoán.

Trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường điện ảnh Hoa ngữ bùng nổ với tốc độ tăng trưởng chóng mặt qua từng năm. Và một thế hệ ngôi sao mới của Đại lục đã vươn lên, đủ sức thay thế những ngôi sao thế hệ cũ tồn tại dai dẳng trong suốt gần 3 thập kỷ qua.

Bốn cái tên Hoàng Bột, Từ Tranh, Thẩm Đằng, Vương Bảo Cường hoàn toàn có thể là những “tân vua hài kịch” mà Châu Tinh Trì nói đến. Họ đều là diễn viên thực lực của điện ảnh Hoa ngữ, đóng cả hài lẫn bi đều thành công.

Không những thế, họ đang dần dần trở thành nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn với những bộ phim dễ dàng thu cả tỷ nhân dân tệ, điều mà những đạo diễn nổi tiếng của thế hệ đi trước như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca hay Phùng Tiểu Cương phải chật vật mới đạt được.

Bốn nhà vua mới tranh tài

Nổi bật nhất trong số này là Hoàng Bột - Từ Tranh, cặp bài trùng được mệnh danh là bộ đôi hái ra tiền tỷ nhờ nhiều phim ăn khách trong vòng chỉ 7 năm gần đây.

Hiện tại, mỗi người đều kiếm được hơn 1 tỷ USD tiền vé từ các phim thành công trong khoảng một thời gian chưa tới một thập niên. Đó là điều mà chỉ các ngôi sao tầm cỡ Hollywood mới làm được.

Từ Tranh sinh năm 1972 tại Thượng Hải, có diện mạo bảnh bao, thường hợp đóng những vai trí thức hay những ông chủ thành đạt kiểu mới ở Trung Quốc. Hoàng Bột sinh năm 1974 ở Thanh Đảo, vóc dáng thấp lùn, gương mặt tầm thường, khí chất chất phác, hợp với những vai nông dân khổ cực hay những vai phản diện có ngoại hình xấu xí.

Cả hai có khi phối hợp với nhau tả xung hữu đột, song kiếm hợp bích; có khi một mình một cõi tung hoành và thu được thành công vang dội. Thể loại phim phổ biến của họ là hài hành trình, hài giả tưởng, nhân vật họ đóng đời thường gần gũi mà ta nhìn thấy đâu đó bên ngoài xã hội.

Từ Tranh được đạo diễn Ninh Hạo phát hiện và đóng một vai phụ trong bộ phim Crazy Stone (2006), bắt đầu nổi tiếng với vai chính Lost on Journey diễn cùng Vương Bảo Cường. Đó là phim hài hành trình Tết từng trở thành hiện tượng năm 2010.

Ai la ‘tan vua hai kich’ cua dien anh Trung Quoc sau Chau Tinh Tri? hinh anh 2
Lost in Thailandcó sự tham gia của cả Từ Tranh, Hoàng Bột và Vương Bảo Cường.

Nhưng phải đến năm 2012, với Lost in Thailand - phim hài hành trình được xem là phần tiếp theo của Lost on Journey nhưng có bối cảnh chủ yếu ở Thái Lan - anh mới thực sự trở thành một cái tên đáng gờm của làng điện ảnh Hoa ngữ.

Trong phim này, Từ Tranh vừa biên kịch, đạo diễn và đóng vai chính bên cạnh Hoàng Bột, Vương Bảo Cường. Phim phần nào lấy cảm hứng từ Hangover của Hollywood, kể về hành trình oan gia của ba gã đàn ông với ba mục đích khác nhau tại đất nước Thái Lan.

Lost in Thailand có kinh phí chỉ 4,6 triệu USD nhưng thu về tới 208 triệu USD tại Trung Quốc, trở thành phim ăn khách nhất mọi thời tại thị trường nước này trong hơn hai năm trước khi bị Monter Hunt (2015) vượt mặt. Không chỉ thế, Lost in Thailand cũng trở thành tác phẩm thành công vang dội đầu tiên trong giai đoạn thị trường điện ảnh Trung Quốc bùng phát.

Từ Tranh sau đó tiếp tục khẳng định thương hiệu “vua hài mới” với một loạt phim thành công lớn như Breakup Buddies (2014, thu về 195 triệu USD), Lost in Hongkong (2015, 255 triệu USD)… và đặc biệt là Dying to Survive.

Đây là phim bi hài dựa theo câu chuyện có thật, thắng lớn trong mùa hè 2018 với doanh thu lên tới 453 triệu USD, giành hàng loạt giải thưởng, trong đó có giải Nam diễn viên chính xuất sắc cho Từ Tranh tại giải Kim Tượng 2018.

Hoàng Bột, người bạn đồng hành cùng Từ Tranh cũng có những thành công lớn sau Lost in Thailand như Tây Du Ký - Mối tình ngoại truyện(2013, phim hài của Châu Tinh Trì), No Man’s Land (2014, phim hài của Ninh Hạo), Dearest (2014, phim bi của Trần Khả Tân), Buddies in India(2017, phim hài hành trình của Vương Bảo Cường).

Năm 2018, Hoàng Bột lần đầu tiên làm đạo diễn và đóng vai chính trong The Island, phim hài giả tưởng lấy cảm hứng từ bom tấn thảm họa 2012 của đạo diễn Roland Emmerich, cũng thu về gần 200 triệu USD.

Và mùa phim Tết năm nay, Hoàng Bột trở thành “tân vua hài kịch” của điện ảnh Trung Quốc với Crazy Alien, bộ phim đang xếp thứ 2 trong cuộc đua phim Tết.

“Tân vua hài kịch” thứ 3 là Thẩm Đằng, ngôi sao sinh năm 1979 cũng có sự nghiệp phát triển ngoạn mục sau khi thành công lớn với phim hài Goodbye Mr Loser (2015).

Từ một diễn viên hài truyền hình thường xuyên xuất hiện trong chương trình gala Tết hàng năm của đài CCTV, Thẩm Đằng trở thành một cái tên đáng gờm cạnh tranh với Từ Tranh - Hoàng Bột.

Anh có 5 phim gia nhập câu lạc bộ “tỷ nhân dân tệ” chỉ trong vòng 4 năm là Goodbye Mr. Loser (2015, 228 triệu USD), Never Say Die (2017, 334 triệu USD), Hello Mr. Billionaire (2018, 366 triệu USD), và hai phim Tết Kỷ Hợi đang xếp hạng 2 và 3 là Crazy Alien (đạo diễn Ninh Hạo) và Pegasus (đạo diễn Hàn Hàn).

Ai la ‘tan vua hai kich’ cua dien anh Trung Quoc sau Chau Tinh Tri? hinh anh 3
Vương Bảo Cường có phần thất thế so với các "tân vua hài kịch" khác trong mùa phim Tết năm nay.

“Tân vua hài kịch” thứ 4 là Vương Bảo Cường, ngôi sao trẻ nhất trong “bộ tứ”. Anh sinh năm 1984, có diện mạo quê mùa, giọng nói nhà quê, xuất thân từ một vùng quê nghèo phía Bắc Trung Quốc. Nhưng anh là diễn viên hài có tuổi đời lâu nhất trong nhóm “tân vua hài kịch” thế hệ mới.

Vương Bảo Cường được đạo diễn Phùng Tiểu Cương phát hiện qua một vai nhỏ vô danh trong Big Shot"s Funeral (2001), đoạt giải Nam diễn viên mới xuất sắc tại giải Kim Tượng 2003 với Blind Shaft của đạo diễn Li Yang và chính thức tỏa sáng nhờ vai phụ trong A World Without Thieves (Thiên hạ vô tặc) năm 2004 của Phùng Tiểu Cương.

Vương Bảo Cường sau đó còn đóng trong một bộ phim thành công khác của Phùng Tiểu Cương là Assembly (Hiệu lệnh tập kết) và tiếp tục có bước thăng tiến ngoạn mục với một loạt phim hài “thế hệ mới” thường diễn chung với Từ Tranh - Hoàng Bồ như Lost on JourneyLost in ThailandBuddies in India (diễn viên chính kiêm đạo diễn), The Island

Mùa phim Tết năm 2019, Vương Bảo Cường chỉ đóng một vai phụ trong Tân vua hài kịch của Châu Tinh Trì và đang bị bộ ba “tân vua hài kịch” Hoàng Bột, Thẩm Đằng, Từ Tranh bỏ lại khá xa trong cuộc đua.

Vì sao “Tân vua hài kịch” của Châu Tinh Trì thất thế?

Châu Tinh Trì - người “đẻ” ra khái niệm “vua hài kịch” của điện ảnh Hoa ngữ nhờ bộ phim cùng tên rất thành công năm 1999 - cuối cùng lại trở thành kẻ ngã ngựa khi muốn xây dựng một “Tân vua hài kịch” trong cuộc đua mùa phim Tết năm nay.

Châu Tinh Trì là một diễn viên hài, biên kịch, đạo diễn có khí chất lạ lùng, xây dựng được những nhân vật hài đặc sắc, trở thành thương hiệu “có một không hai” của điện ảnh Hong Kong trước đây và Trung Quốc sau này.

Nhưng có vẻ như ngôi sao 56 tuổi này đang mất dần phong độ trong khoảng vài năm trở lại đây, đặc biệt là từ khi anh giã từ đóng phim mà chỉ chuyên tâm làm biên kịch, sản xuất và đạo diễn.

Ai la ‘tan vua hai kich’ cua dien anh Trung Quoc sau Chau Tinh Tri? hinh anh 4
Có vẻ như Châu Tinh Trì đã đánh mất phong độ sau thời gian dài ở đỉnh cao.

Châu Tinh Trì xuất thân nghèo khó, có bước khởi đầu chật vật với nghề diễn. Đó là nguồn cảm hứng để anh xây dựng chất liệu cho những bộ phim hài về những kẻ yếu thế sau này. Nhờ nỗ lực không mệt mỏi, anh đã trở thành ngôi sao phim hài sáng giá nhất qua một loạt phim hài “nhảm” trong thập niên 90 của điện ảnh Hong Kong.

Năm 1999 là bước chuyển đổi quan trọng trong sự nghiệp của Châu Tinh Trì với Vua hài kịch, bộ phim mà anh vừa làm biên kịch, đạo diễn kiêm đóng vai chính.

Kể từ đó, Châu Tinh Trì chuyển hướng sang làm sản xuất, biên kịch và đạo diễn nhiều hơn là đóng phim. Từ một diễn viên hài mỗi năm đóng 5-7 phim, thậm chí kỷ lục như năm 1992 đóng chính trong… 8 phim, Châu hạn chế tối đa xuất hiện trên màn ảnh.

Sau Vua hài kịch, anh đóng vai chính (kiêm sản xuất, biên kịch, đạo diễn) trong ba bộ phim nữa là Đội bóng Thiếu Lâm (2001), Tuyệt đỉnh công phu (2004) và CJ7 (2008).

Từ năm 2008 đến nay, Châu từ giã nghiệp diễn để chuyên tâm cho công việc sản xuất, biên kịch và đạo diễn và gặt hái được thành công lớn với Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện (2013) và Mỹ nhân ngư (2016).

Mỹ nhân ngư là phim ăn khách nhất mùa Tết năm đó và giữ kỷ lục ăn khách nhất mọi thời đại trong gần 2 năm trước khi bị Chiến lang 2 của Ngô Kinh lật đổ.

Mùa Tết 2019, Châu Tinh Trì trở lại cuộc đua với Tân vua hài kịchnhưng tác phẩm bi hài đầy tham vọng của anh đã sớm thất thế trước các “tân vua hài kịch” của điện ảnh Đại lục. Đây có thể nói là thất bại khá cay đắng của ông vua phim hài khó thay thế trong 3 thập niên qua của điện ảnh Hoa ngữ.

Thực tế mà nói, Tân vua hài kịch của Châu Tinh Trì không hề dở. Nếu coi đây là một tác phẩm độc lập thì Tân vua hài kịch là một phim khá hay về thân phận của những kẻ yếu thế trong ngành công nghiệp điện ảnh vô tình và khắc nghiệt hiện nay. Một vài chi tiết cảm động trong phim, đặc biệt là mối quan hệ gia đình, có thể khiến người xem chảy nước mắt.

Ai la ‘tan vua hai kich’ cua dien anh Trung Quoc sau Chau Tinh Tri? hinh anh 5
Lựa chọn Ngạc Tĩnh Văn có thể coi là một sai lầm của Châu Tinh Trì.

Thế nhưng, nếu coi đây là phần tiếp theo của một bộ phim kinh điển từng làm nên tên tuổi của Tinh Gia thì Tân vua hài kịch thiếu một sự đột phá và sáng tạo, phẩm chất làm nên tên tuổi của “vua hài kịch” để bộ phim bứt lên dẫn đầu.

Việc lựa chọn một diễn viên nữ vô danh Ngạc Tĩnh Văn đóng vai chính Tiểu Mộng, người dẫn dắt linh hồn của bộ phim là một sai lầm của Châu Tinh Trì.

Khán giả vốn quen thuộc với những “nàng thơ” trong phim của Châu Tinh Trì, hoặc là những người có vẻ đẹp trong sáng, thoát tục như Trương Mẫn, Trương Bá Chi, Lâm Duẫn hay có khí chất thông minh, hài hước, quyến rũ như Lâm Thanh Hà, Thư Kỳ, Triệu Vy, Viên Vịnh Nghi…

Họ khó có thể chấp nhận một nữ diễn viên có dung mạo tầm thường như Ngạc Tĩnh Văn. Trong khi đó, Vương Bảo Cường chỉ đóng một vai phụ và vai diễn của anh cũng không thực sự hay. Việc thiếu một ngôi sao lớn đủ sức gánh cả bộ phim như Châu Tinh Trì trong phiên bản năm 1999 là thất bại có thể nhìn thấy rõ trong phiên bản 2019.

Lý do thứ hai là phim có chất hài kịch không đủ mạnh, thiếu yếu tố bất ngờ, nhại lại phiên bản cũ nhưng thiếu duyên, lắm lúc rơi vào khiên cưỡng. Nhan đề của bộ phim là Tân vua hài kịch nhưng xem xong phim khán giả thấy bộ phim nặng về bi kịch hơn.

Lý do thứ ba là phim không có một chuyện tình lãng mạn như tình yêu giữa Doãn Thiên Cừu (Châu Tinh Trì) và Liễu Phiêu Phiêu (Trương Bá Chi) như trong phiên bản cũ. Tân vua hài kịch thiếu hẳn chất lãng mạn của một câu chuyện tình tuyệt đẹp giữa hai kẻ yếu thế - chất liệu khiến người xem liên tưởng tới những bộ phim kinh điển của vua hài Charles Chaplin.

Và lý do cuối cùng, không thể không nói tới, là sự xuất hiện của những “tân vua hài kịch” của điện ảnh Đại lục hợp thời thế hơn đã dẫn đến một cuộc đổi ngôi thực sự tại thị trường điện ảnh lớn thứ 2 thế giới.

Theo zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ