Nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô là sốc tim và nguồn cơn đến từ “baopo liehou – kẻ đánh bom và thợ săn”, tin tặc quấy rối lớp học trực tuyến.
Góc khuất “dạy học số”
Trước khi qua đời, cô Hanbo là giáo viên có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, sức khỏe tốt, đang dạy học ở một trường trung học trong thành phố Tân Trịnh, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Ngày 29/10, cô Hanbo vắng mặt giờ dạy trực tuyến, không nhận cuộc gọi từ nhà trường cũng như người thân. Ngày 30/10, cô có buổi dạy trực tuyến vào lúc 8 giờ sáng, trong thời gian 1 tiết học, cho 200 học sinh (gộp 4 lớp) nhưng cô cũng không xuất hiện.
Vào lúc 8 giờ 2 phút, học sinh tên Li Yuan nhắn tin cho cô Hanbo trên ứng dụng dạy trực tuyến mà cô sử dụng, DingTalk: “Thưa cô, đã tới giờ dạy rồi ạ”. Không có tin nhắn trả lời. Các học sinh vẫn bật zoom và chờ đợi. Vài phút sau, giáo viên hiệu trưởng nhắn tin riêng với cô Liu và cuối cùng, cô cũng có mặt.
Lúc 8 giờ 16 phút, cửa sổ tài khoản không phải học sinh trong trường đột ngột bật lên, phát nhạc ầm ĩ, sau đó văng tục chửi bậy. Cô Hanbo luống cuống. Biết cô không thạo kỹ thuật số, các học sinh cầu cứu cô Niu cùng trường. Thấy cô Niu đăng nhập, tài khoản xâm nhập chuyển mục tiêu, tấn công cô Niu bằng lời lăng mạ tục tĩu hơn. “Hãy tập trung vào làm bài tập của các em. Chuyện còn lại cứ để các cô lo”, cô Hanbo run rẩy nhắc.
Phải mất 5 phút, cô Niu mới đăng xuất được kẻ lạ. Lớp học trực tuyến kết thúc trong buồn bã và nước mắt của cả hai cô giáo.
Sáng ngày 31/10, cô Hanbo lại vắng mặt buổi dạy trực tuyến. Sau khi liên lạc với cô không được, nhà trường gọi điện thoại cho chồng cô. Trước đó một lúc, chồng cô Hanbo đã gọi cho cô mà không thấy cô bắt máy. Lo lắng có sự chẳng lành, anh lập tức gọi bảo vệ chung cư và cảnh sát. Các nhân viên phá cửa vào phòng, phát hiện cô Hando đã tắt thở. Khám nghiệm tử thi cho thấy, nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô là đột quỵ vì đau tim.
Tin tặc baopo liehou cố ý nhắm vào giáo viên và lớp học trực tuyến. Ảnh: Internet |
Lớp học bị “chơi khăm”
Giống như nhiều giáo viên có tuổi khác ở Trung Quốc, sinh thời, cô Hanbo gặp khó khăn trong việc theo kịp chuyển đổi kỹ thuật số. Dù vậy, cô vẫn cố gắng hết mình để có những buổi giảng trực tuyến chất lượng nhất.
Sự cố bị “troll” (chơi khăm) trong lúc dạy trực tuyến ngày 30/10 không phải là lần đầu tiên cô Hanbo bị quấy rối. Theo lời kể của Yuan, lần đầu tiên lớp học của cô Hanbo bị tấn công là vào ngày 12/10. Cửa sổ tài khoản lạ đột ngột xuất hiện, mở nhạc phá bĩnh. Nhờ sự trợ giúp của các học sinh, cô Hanbo đăng xuất được kẻ này ra ngoài. Lo ngại lại xảy ra trường hợp tương tự, cô đặt tài khoản của mình và các học sinh vào chế độ riêng tư.
Ngày 21/10, lớp học của cô Hanbo lần nữa bị tấn công. Tài khoản xâm phạm phát nội dung khiêu dâm. Cô Hanbo cố gắng bình tĩnh, nhắn tin với tài khoản này, yêu cầu ngừng quấy rối lớp học. Bất chấp cô xin xỏ hay dọa nạt, tài khoản này không dừng lại. Cuối cùng, cô buộc phải kết thúc buổi học sớm hơn quy định 36 phút.
Ảnh chụp màn hình điện thoại cho thấy lớp học bị 2 tài khoản lạ xâm nhập. Ảnh: Sixthtone.com |
Lo ngại mới
Trước cô Hanbo, ngày 5/9, một giảng viên ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) cũng bị “tấn công” trong khi đang dạy trực tuyến. Người dùng Internet ở Trung Quốc gọi những kẻ quấy rối lớp học trực tuyến là “baopo liehou”. Mục tiêu của chúng rất rõ ràng, “chơi khăm” lớp học và xúc phạm giáo viên.
Ngày 1/11, Yuan và các bạn cùng lớp “khoanh vùng” được 12 “nghi phạm” trên mạng. Sau khi gửi yêu cầu kết bạn, em nhận được 4 đồng ý, với điều kiện phải trả 100 nhân dân tệ/lần nói chuyện (khoảng 350 nghìn đồng).
Sau khi kết nối được với 4 baopo liehou kia thông qua kết bạn, Yuan đã lựa lời nói chuyện, khuyên họ không nên tiếp tục hành vi “troll” nữa. Một trong 4 tài khoản này không những nhắn tin đáp trả tục tĩu, mà còn vu khống bạn học tích cực giúp đỡ em nhất là người đã tiết lộ địa chỉ và mật khẩu nhóm học cho mình, làm bạn ấy bị nhiều bạn nghi ngờ, nói xấu sau lưng.
“Trường hợp trên có thể bị cấu thành tội gây sự, vu khống, xúc phạm người khác”, luật sư Fu Jian cho biết. Tuy nhiên, vì ứng dụng DingTalk không cho phép hiển thị vị trí truy cập, các cơ quan chức năng không truy ra được tung tích cũng như tên thật của các tin tặc đã tấn công cô Hanbo.
DingTalk đang phối hợp với Phòng Giáo dục Tân Trịnh và cơ quan điều tra giải quyết vụ việc. Con gái của cô Hanbo viết bài về cái chết thương tâm của mẹ lên Weibo, tố cáo “baopo liehou giết giáo viên”, nhanh chóng được trên 200 nghìn lượt chia sẻ. Rất nhiều người Trung Quốc bày tỏ sự bức xúc trước hành vi bắt nạt trực tuyến nhắm vào giáo viên. Các thầy cô thì lo ngại nguy cơ bị biến thành nạn nhân của tin tặc.