(GD&TĐ) - Rất nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân ở xã Tam Sơn (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) luôn sống trong thấp thỏm âu lo bởi hầu như năm nào cũng có ít nhất một người chết đuối trên dòng sông Mùi chảy qua địa phận xã. Người dân khắc khoải có một cây cầu để thôi không còn thấy những đám tang nghẹn ngào.
90% người chết đuối ở sông Mùi là học sinh |
Chỉ rộng khoảng 150 mét, nhưng lòng sông Mùi chảy qua địa phận xã Tam Sơn đã “nhấn chìm” không biết bao nhiêu mạng người. Nhiều người dân sống cạnh bến đò Đá Giăng (thôn Thuận Yên Đông, xã Tam Sơn) nhớ lại: “Cách đây 5 năm, tại bến đò Đá Giăng, con đò chở hơn 20 người qua sông bị nước cuốn lật úp, 2 người không kịp vớt đã chết đuối”;
– “Cách đây 4 năm, có 1 người đàn ông sống độc thân nhà sát cạnh bờ sông, làm nghề chài lưới, vì thấy ghe chài của mình bị nước cuốn đứt neo nên bơi ra kéo lại, cả ghe lẫn người đều bị nước cuốn trôi, mấy ngày sau mới tìm thấy xác ở lòng hồ Phú Ninh”;
- “Cách đây 3 năm có 3 học sinh trung học, đi học về thấy nước sông cạn nên lội qua, bị nước cuốn đi, không tìm thấy xác”;
- “Cách đây 2 năm có một học sinh tiểu học đi học về, qua đò xong lội xuống sông rửa chân, cũng bị nước cuốn, chết đuối” ;
- “năm ngoái, có 2 đám tang trong cùng một ngày ở hai ngôi nhà sát cạnh nhau bên thôn Thuận Yên Tây, 2 em học sinh của 2 nhà đó cùng đi học về thấy nước cạn nên lội qua bị nước cuốn trôi”…
Cụ già cõng cháu lội qua sông |
Những con số kinh hoàng! Anh Trương Kim Hạnh, cán bộ văn hóa xã Tam Sơn, nhà ở gần bến đò Đá Giăng, chua chát: “Tôi năm nay đã 44 tuổi, từ nhỏ đến giờ tôi sống ở đây, rất hiếm năm nào tôi không chứng kiến một vụ chết đuối ở bến đò Đá Giăng. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây thì không có năm nào không có người chết”.
Ông Huỳnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Tam Sơn: dù có bán cả trụ sở UBND xã cũng không thể đủ tiền để xây cầu |
Do địa hình đồi núi, khúc sông Mùi qua địa phận xã Tam Sơn nước chảy rất xiết, đáy sông lởm chởm đá ngầm; trong khi đó, con sông này lại chảy qua chính giữa địa phận xã: trong số 6 thôn của xã Tam Sơn thì bên bờ sông phía Tây là các thôn Thuận Yên Tây - Mỹ Đông - Danh Sơn, bờ sông phía Đông là các thôn Thuận Yên Đông - Đức Phú - Phú Hòa.
Bởi vậy, con sông không những làm giao thông cách trở mà còn “uy hiếp” tính mạng của người dân. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, người dân ở bên này sông sang bên kia chỉ có 2 đường đi: một là qua bến đò Đá Giăng (thôn Thuận Yên Đông), hai là qua bến đò Thác Hột (thôn Phú Hòa).
Do ảnh hưởng của cao trình nước lòng hồ Phú Ninh nên hàng năm, tới mùa mưa bão vào cuối tháng 10 đến hết tháng 7 năm sau thì đoạn sông Mùi ở đây có mực nước lớn, còn trong các tháng 8 – 9 – 10 hàng năm thì nước sông cạn (nói là cạn chứ thấp nhất cũng tới lưng quần, cao nhất là tới cổ).
Trước đây, vào những tháng nước sông Mùi lớn thì cả 2 bến sông đều có đò ngang đưa người, lưu lượng người qua lại hàng ngày quá đông do con sông này chắn ngang trung tâm xã, trong khi đó đò được trang bị chỉ 3 – 4 cái áo phao, lại không có ai chịu mặc vào.
Còn những tháng nước cạn thì các chủ thầu đò lại làm cái cầu tre tạm bợ thu phí người qua lại, nhưng do nước sông chảy quá xiết, chỉ cần một trận mưa lớn nước sông Mùi lại dâng lên, nên chưa có cái cầu tre nào tồn tại được hơn nửa tháng, người dân phải lội bộ qua sông, trong khi đó nước sông chảy rất xiết, lởm chởm đá ngầm.
Bởi vậy, tình cảnh đi đò và lội bộ như trên đã làm chết biết bao nhiêu sinh mạng, gây bao tang thương. “Chết còn hơn chiến tranh anh ơi. Con gái tôi khi đó mới học lớp 8, là học sinh giỏi của trường mà nó cũng không thoát cái chết, đau quá!”- Ông Nguyễn An (50 tuổi, thôn Thuận Yên Tây), người bố có đứa con gái bị chết đuối năm ngoái, chua xót nói.
Nhiều người dân còn cho biết, những trường hợp suýt chết thì cũng vô số kể. Như cách đây 4 năm, con đò máy chở gần 30 học sinh, ở bến sông Đá Giăng, khi ra tới giữa dòng thì sức máy không mạnh bằng sức nước, con đò chông chênh bị nước cuốn trôi đến mấy km về phía hạ lưu, cũng may là nhiều người dân sinh sống bên bờ sông lội ra giữa dòng cản lại, đưa được con đò vô bờ.
Phụ huynh học sinh lội sông, đưa đón các em học sinh tiểu học từ trường về nhà. |
Theo ông Huỳnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Tam Sơn, vào năm ngoái, vì thấy người chết quá nhiều nên sau nhiều lần xã kiến nghị, tỉnh đã đầu tư cho xây chiếc cầu bê tông (cầu Thác Hột) ở bến đò Thác Hột; nên tại bến đò này, đã chấm dứt tình trạng chết đuối.
Nhưng cầu Thác Hột nằm gần ranh giới giữa xã Tam Sơn và Tam Trà nên phần lớn chỉ phục vụ giao thông cho người dân thôn Phú Hòa và những hộ dân của xã Tam Trà.
Còn tại bến đò Đá Giăng, bến đò này nằm ngay ở trung tâm xã, gần UBND xã, gần trường học nên từ lâu đã là trục giao thông chính nối 2 bờ của xã, việc đi đò không an toàn cũng như lội bộ qua sông ở đây vẫn cứ tiếp diễn, uy hiếp tính mạng người dân.
Khổ nhất là những em học sinh, 90% người chết đuối ở sông Mùi là học sinh. Trường THCS Quang Trung thì ở thôn Thuận Yên Đông, trường tiểu học Hoàng Văn Thụ thì ở bên kia sông, bên thôn Thuận Yên Tây. Thành ra, những em học sinh cấp trung học ở các thôn Thuận Yên Tây, Danh Sơn phải đi xe đạp vòng qua cầu Thác Hột ít nhất là 10 km mới tới được trường, cả đi lẫn về là 20 km.
Còn học sinh tiểu học ở bên bờ đông, do hầu hết các em chưa biết đi xe đạp nên vẫn phải đi đò vào mùa nước lớn, lội bộ vào mùa nước cạn. Anh Nguyễn Đức Hoàng (34 tuổi, thôn Thuận Yên Đông), có con đang học tiểu học, lo lắng: Chúng tôi cứ lo thấp thỏm, phụ huynh học sinh ở đây cứ sáng sớm lại cõng các em qua sông, qua đò, dù vào mùa lội bộ hay là mùa đưa đò. Nội cái công đưa đón các cháu đã tốn hết thời gian trong ngày rồi”.
“Mùa mưa bão sắp đến rồi, chẳng biết năm nay có ai bị chết đuối không?” – ông Huỳnh Hùng nói. “Đoạn sông ở bến sông Đá Giăng rất nguy hiểm, người chết nhiều phần lớn ở bến sông này. Xã rất mong có một cây cầu nhưng nếu xây cầu thì cây cầu phải dài đến gần 300 mét, kinh phí chắc chắn hơn 100 tỷ đồng, dù có bán cả trụ sở UBND xã cả phần đất lẫn phần kiến trúc cũng không thể đủ tiền để xây cầu” – ông Hùng chua chát.
"Người ta thường mới quen tiếp cận con số thống kê số người chết do tai nạn giao thông; mà không mấy quen (hay nghe) tới những con số thống kê về tỷ lệ tai nạn sông nước, nhưng có điều chắc chắn rằng con số này không hề nhỏ chút nào, nhất là với một đất nước hệ thống sông-suối-kênh-rạch (...) nhiều như ở Việt Nam. Đau lòng hơn, chiếm phần lớn trong tai nạn sông nước, cụ thể là bị đuối nước thường rơi vào đối tượng trẻ em - vẫn được coi là Mầm non tương lai?"
Mai Thành Dũng
TIN LIÊN QUAN |
---|