Đạn Uranium nghèo tạo khởi đầu cho chiến tranh hạt nhân?

GD&TĐ - Việc Anh cung cấp đạn pháo xe tăng lõi uranium nghèo có thể biến xung đột thông thường giữa Nga-Ukraine trở thành chiến tranh hạt nhân hạn chế.

Đạn Uranium nghèo tạo khởi đầu cho chiến tranh hạt nhân?
Xe tăng chiến đấu chủ lực có thể dễ dàng bị đạn uranium nghèo xuyên thủng
Xe tăng chiến đấu chủ lực có thể dễ dàng bị đạn uranium nghèo xuyên thủng

Sự nguy hiểm của đạn Uranium nghèo

Vừa qua, giới chức Anh đã thông báo về kế hoạch cung cấp đạn xuyên giáp với lõi có chứa uranium nghèo, sử dụng trên các lô xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 mà nước này viện trợ cho Ukraine.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia quân sự Nga Konstantin Sivkov nói rằng, việc phương Tây cho phép Kiev sử dụng đạn uranium nghèo trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine sẽ đe dọa sức khỏe của dân thường, làm nhiễm xạ ở khu vực này và bùng phát bệnh ung thư.

Theo chuyên gia trong lĩnh vực bức xạ, hóa học và an toàn sinh học Oleg Zheltonozhko, mối nguy hiểm không phải là sự hiện diện của loại đạn như vậy, mà là hậu quả của việc sử dụng chúng.

Ông cho biết, khi đạn uranium nghèo được cất giữ thì chất này không gây nguy hiểm, nhưng khi được đem ra sử dụng thì nó tương tác với kim loại dẫn đến việc hình thành bụi phóng xạ lan rộng khắp khu vực đạn nổ.

Lính KFOR của Bồ Đào Nha và Ý đo mức độ phóng xạ gần một chiếc xe tăng của quân đội Nam Tư bị phá hủy trong cuộc ném bom của NATO ở thành phố Klina phía tây Kosovo, ngày 09/01/2001
Lính KFOR của Bồ Đào Nha và Ý đo mức độ phóng xạ gần một chiếc xe tăng của quân đội Nam Tư bị phá hủy trong cuộc ném bom của NATO ở thành phố Klina phía tây Kosovo, ngày 09/01/2001

Kết quả là nền bức xạ tia alpha ở khu vực đó tăng mạnh, mức độ ô nhiễm đất và lớp nước gần mặt đất gia tăng. Trong tương lai, việc phát tán bụi phóng xạ trở nên mất kiểm soát, bởi vì số lượng bụi phóng xạ của một quả đạn không lớn lắm nên tương đối khó theo dõi sự phát tán này.

Loại đạn này từng được Mỹ sử dụng trong chiến dịch “Bão táp Sa mạc” (Chiến tranh Vùng Vịnh 1991) ở Iraq, trong cuộc chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003 và trong vụ ném bom Nam Tư. Người Mỹ khẳng định loại đạn đó an toàn, nhưng thực tế đã chứng minh đó là những lời nói dối.

Theo bình luận của của chuyên gia Souad Naji Al-Azzawi từ Đại học Mỏ Colorado ở Hoa Kỳ, việc quân Mỹ sử dụng phốt-pho trắng và uranium nghèo ở Iraq đã khiến số ca bệnh ung thư ở những nơi này tăng vọt gấp 6 lần.

Điều tương tự cũng được thấy ở Nam Tư. Trong các vụ đánh bom dã man nhân danh cái gọi là “sự can thiệp nhân đạo vì hạnh phúc”, đã có tới hơn 2 nghìn thường dân, trong đó có ít nhất 89 trẻ em đã thiệt mạng, hàng ngàn công trình dân sự và hàng chục thành phố đã bị phá hủy.

Nhưng nỗi đau ở Nam Tư còn kéo dài tới nhiều thập kỷ sau khi NATO sử dụng đạn có uranium làm nghèo loại uranium-238 và uranium-236, khiến đất và nước ở nhiều khu vực bị ô nhiễm trầm trọng, dẫn đến sự gia tăng đáng kể bệnh ung thư.

Alla Saleem, bốn tuổi, bị một khối u trong mắt do bom uranium nghèo trong Chiến tranh vùng Vịnh, tại Bệnh viện Nhi đồng Gazwan ở Basra, miền nam Iraq
Alla Saleem, bốn tuổi, bị một khối u trong mắt do bom uranium nghèo trong Chiến tranh vùng Vịnh, tại Bệnh viện Nhi đồng Gazwan ở Basra, miền nam Iraq

Đơn cử ví dụ như ở tỉnh Pchinsk, một năm sau chiến tranh, tỷ lệ mắc bệnh ung thư tăng mạnh. Mỗi năm ở đây có 700-800 người tử vong vì ung thư, chủ yếu là nam giới từ 35 đến 50 tuổi, chiếm khoảng 1% dân số.

Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất đã nảy sinh trong cuộc xung đột Nga-Ukraine là sự leo thang cực kỳ nguy hiểm trong việc cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế.

Nguy cơ Nga đáp trả bằng vũ khí hạt nhân

Chỉ 1 năm trước đây, việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, dù chỉ là các loại vũ khí tấn công bình thường, vẫn còn là vấn đề khiến cả thế giới phương Tây phải đắn đo, cân nhắc.

Hiện nay, việc NATO cung cấp cho Ukraine những vũ khí như máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không, tên lửa không đối đất, đất đối đất… đã là điều hết sức bình thường và một giới hạn mới hết sức nguy hiểm tiếp tục bị phá vỡ, đó là: Ukraine sở hữu đầu đạn hạt nhân làm nghèo.

Với cấp độ leo thang như vậy, giờ đây, việc chính quyền Kiev được cung cấp cả vũ khí hạt nhân cũng là điều không còn làm ai phải ngạc nhiên.

Đạn xuyên giáp uranium nghèo 30mm được NATO sử dụng trong cuộc không kích năm 1995 vào Bosnia
Đạn xuyên giáp uranium nghèo 30mm được NATO sử dụng trong cuộc không kích năm 1995 vào Bosnia

Vào tháng 2/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố tại Hội nghị An ninh Munich rằng, ông sẽ bắt đầu đàm phán với các nước tham gia Bản ghi nhớ Budapest (gồm ba nước bảo đảm an ninh là Mỹ, Anh, Nga và ba nước giải trừ vũ khí hạt nhân là Kazakhstan, Belarus và Ukraine), để bàn bạc về tình hình an ninh của Ukraine.

Sau đó, ông Zelensky nói rằng nếu đàm phán không diễn ra hoặc nếu kết quả đàm phán không đưa ra được sự bảo đảm an ninh cho Ukraine, thì Kiev hoàn toàn có quyền tuyên bố rằng: “Bản ghi nhớ Budapest” không hoạt động và tất cả các quyết định trong gói văn kiện năm 1994 sẽ bị đặt dấu hỏi.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Kiev được thừa hưởng một vũ khí hạt nhân khá lớn. Tuy nhiên năm 1994 Ukraine đã ký Bản ghi nhớ Budapest, từ bỏ kho dự trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt lớn thứ ba thế giới để đổi lấy cam kết đảm bảo an ninh từ các quốc gia khác tham gia ký kết văn kiện này.

Trong một năm qua, các quan chức chính quyền Kiev và cả các nghị sĩ quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) đã liên tục bày tỏ mong muốn tái sở hữu vũ khí hạt nhân. Hồi tháng trước, Đại sứ Ukraine tại Đức Alexei Makeev cho biết, Kiev muốn bắt đầu tranh luận về quy chế hạt nhân của Ukraine.

Nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân hạn chế giữa Nga với Ukraine
Nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân hạn chế giữa Nga với Ukraine

Giới chuyên gia cho rằng, Kiev hoàn toàn có đủ năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân, vì hiện nay Ukraine có các nhà máy điện hạt nhân; vẫn còn các nhà khoa học, phòng thí nghiệm hạt nhân, có công nghệ hạt nhân từ thời Liên Xô, do đó, nước này có mọi điều kiện để sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Nga không bao giờ muốn thấy một quốc gia được láng giềng được coi là “thù địch” lại sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, do đó, Moscow sẽ làm tất cả để ngăn chặn Ukraine phát triển vũ khí hạt nhân, thậm chí là sử dụng đòn tấn công “tiên phát chế nhân”.

Hơn nữa, vì đạn Urranium nghèo không thuộc loại vũ khí thông thường nên nếu Kiev sử dụng chúng để tấn công vào quân Nga hay các vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát, có thể dẫn đến việc Moscow dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật để tấn giáng trả. Trong trường hợp này, sự đáp trả như vậy được coi là hợp pháp.

Do đó, hành động của Anh cung cấp đạn uranium nghèo cho Kiev tiềm ẩn nguy cơ biến cuộc chiến tranh thông thường giữa Nga với Ukraine trở thành cuộc chiến hạt nhân hạn chế, mà ở đây, bên thiệt hại lớn hơn sẽ là Kiev, bởi Nga có tiềm lực hạt nhân lớn hơn rất nhiều so với Ukraine.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ