Giải mật vụ Crimea suýt lọt vào tay Mỹ thời Maidan 2014

GD&TĐ - Vào tháng 02/2014, Nga đã phá âm mưu của Mỹ và Ukraine đưa cụm tàu sân bay CVN-77 vào kiểm soát Crimea, hất cẳng Hạm đội Biển Đen khỏi Sevastopol.

Giải mật vụ Crimea suýt lọt vào tay Mỹ thời Maidan 2014

Tình hình Biển Đen và Crimea gia tăng căng thẳng

Giới chức Nga ở Crimea hôm 21/3 xác nhận khu vực thành phố Dzhankoy của bán đảo đã bị tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) tự sát (kamikaze) nhưng không gây ra thiệt hại lớn, trong khi Ukraine nói rằng một lô tên lửa hành trình Kalibr của Nga vận chuyển bằng đường sắt đã bị phá hủy.

Tờ PravdaUkraine dẫn thông cáo của Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine cho rằng, vụ tấn công bằng UAV tự sát tại thành phố Dzhankoy ở phía bắc bán đảo Crimea đã phá hủy hàng loạt tên lửa hành trình Kalibr-NK của Nga đang được vận chuyển bằng đường sắt.

Giới chức Kiev tin rằng, số tên lửa hành trình kể trên đang được vận chuyển tới các kho chứa của Hạm đội Biển Đen đóng tại thành phố Sevastopol (Crimea), để lắp đặt trên các chiến hạm của hạm đội này, nhằm thực hiện các cuộc tấn công vào lãnh thổ Ukraine.

Giới phân tích cho rằng, vụ tấn công mới nhất vào đoàn tàu quân sự chở tên lửa Kalibr ở Crimea là do Mỹ chỉ điểm mục tiêu cho Ukraine tấn công, nhằm đáp trả vụ Nga “cố tình gây va chạm” khiến máy bay trinh sát-tấn công không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ bị rơi trên Biển Đen hôm 09/3.

Giới quan sát cho rằng, sự cố liên quan đến máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Hoa Kỳ bị rơi trên Biển Đen và vụ tập kích bằng máy bay không người lái vào bán đảo Crimea có thể dẫn đến sự leo thang căng thẳng lên một cấp độ cao hơn trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Vào giữa tháng 2, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland đã gọi các chủ thể quân sự trên bán đảo Crimea là “mục tiêu hợp pháp” của Ukraine. Bà cũng hứa rằng, Nhà Trắng sẽ hỗ trợ chế độ Kiev theo hướng này.

Nhiều chuyên gia phân tích nhấn mạnh, Mỹ không đếm xỉa gì đến lợi ích của Ukraine mà chỉ nghĩ đến lợi ích của mình. Việc Mỹ liên tục có những động thái gây hấn với Nga trên Biển Đen và cổ súy Ukraine tái chiếm Crimea xuất phát từ những lợi ích của riêng Hoa Kỳ.

Bình luận về vấn đề này hôm 20/3, Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov trả lời trên đài phát thanh “Govorit Moskva” rằng, Hoa Kỳ muốn Ukraine chiếm lại Crimea là do họ muốn đóng quân và lập căn cứ của NATO ở bán đảo này.

Thượng nghị sĩ Nga nhấn mạnh rằng, chính ông Biden vào năm 2015 - khi đang là phó tổng thống Mỹ dưới thời Barack Obama - đã nói rằng, “Crimea là nơi tuyệt vời để triển khai quân đội Mỹ”.

Và thực sự vào tháng 2/2014, Washington đã tiến hành một chiến dịch nhằm kiểm soát Crimea, với sự ủng hộ của chính quyền thân Mỹ được dựng lên nhờ cuộc đảo chính trên Quảng trường Maidan ở thủ đô Kiev vào tháng 2/2014.

Nếu Nga không nhanh tay hồi tháng 2/2014, có lẽ ở Crimea đã có một căn cứ hải quân của NATO
Nếu Nga không nhanh tay hồi tháng 2/2014, có lẽ ở Crimea đã có một căn cứ hải quân của NATO

Nga phá âm mưu kiểm soát Crimea của Mỹ, tháng 02/2014

Được biết, vào thời điểm EuroMaidan đang bùng phát dữ dội trên Quảng trường Độc Lập của thủ đô Kiev giữa tháng 2/2014, Nga nắm được một thông tin tình báo đặc biệt quan trọng là việc tàu sân bay Mỹ CVN-77 USS George H.W. Bush dưới sự hộ tống của 16 tàu chiến, đã vượt Đại Tây Dương tiến vào Địa Trung Hải, chuẩn bị tiến vào Biển Đen.

Nhiệm vụ chính của biên đội tàu sân bay USS George H.W. Bush là chờ đợi sự thành công của cuộc đảo chính do các phần tử thân Mỹ tiến hành ở Kiev trong tháng 2, sau đó ngay lập tức tiến vào Biển Đen, vô hiệu hóa và hất cẳng Hạm đội hải quân của Nga đóng ở Sevastopol, trong tương lai sẽ biến nó thành một cảng của NATO.

Ngoài ra, Hạm đội này còn có nhiệm vụ khác rất quan trọng là chiếm Trung tâm chỉ huy các chuyến bay vũ trụ Crimea, được xây dựng từ thời Liên Xô, chuyên theo dõi các lần phóng tàu vũ trụ Salyut, Soyuz, Soyuz-Apollo và xe tự hành mặt trăng, sau này là các vụ phóng tên lửa chiến lược.

Trung tâm vũ trụ Crimea có thể nhận dữ liệu từ các radar cảnh báo tên lửa Voronezh-М (trong bán kính 6.000 km), lắp đặt ở làng Lekhtusy - tỉnh Leningrad, thành phố Pionersk - tỉnh Kaliningrad và thành phố Armavir, có khả năng phát hiện vụ phóng bất cứ loại tên lửa nào, cả tên lửa hành trình lẫn tên lửa đạn đạo.

Việc chiếm giữ và phá vỡ hoạt động của Trung tâm này là một trong các mục tiêu trọng yếu của Lầu Năm Góc, bởi nó là vị trí tiền tiêu trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga, được xây dựng nhằm đối phó với lá chắn tên lửa và vũ khí hạt nhân của của NATO triển khai ở châu Âu.

Âm mưu của Mỹ nhằm khống chế Crimea, chiếm chỗ của Hạm đội biển Đen Nga đã bộc lộ, nếu Moscow không hành động ngay để chính quyền Kiev ra lệnh thiết quân luật, phong tỏa binh lính của Hạm đội Biển Đen trong khu doanh trại thì chắc chắn Crimea vẫn thuộc về Ukraine và căn cứ Sevastopol sẽ trở thành căn cứ hải quân của NATO.

Nhận thức được sự cấp bách của tình hình nên vào thời điểm đó, Nga đã thần tốc tung quân kiểm soát các mục tiêu trọng yếu ở Crimea, thay đổi chính quyền của Kiev thành chính quyền thân Nga, đẩy nhanh tiến trình sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ của Nga, đồng thời triển khai các hành động quyết liệt nhằm dằn mặt các tàu chiến của Mỹ lảng vảng ở vùng biển ngoài khơi Crimea.

Ngày 05/3/2014, mệnh lệnh ban đầu mà biên đội tàu sân bay Mỹ nhận được đã bị hủy bỏ. CVN-77 và các tàu hộ tống lặng lẽ quay đầu khỏi thành phố Piraeus của Hy Lạp sang Antalya, đến đợi lệnh mới ở một căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ.

Âm mưu chiếm bán đảo Crimea, hất cẳng Hạm đội biển Đen của Mỹ tháng 2/2014 đã hoàn toàn bị phá sản nên từ đó đến nay Washington vẫn còn hậm hực và không ngừng xúi giục, cổ súy Kiev quấy rối, gây bất ổn, thậm chí đòi tấn công tái chiếm lại bán đảo này từ tay Nga.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Ngày xưa đi học

GD&TĐ - Chỉ nghĩ thôi mà những kỷ niệm ngày xưa ùa về. Trong thoáng chốc, dường như tôi thấy mình là một cô gái nhỏ ngày đầu được mẹ dắt đến trường...