Dân thoát nghèo nhờ phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp

GD&TĐ - Mô hình nông nghiệp hữu cơ ở huyện Sa Thầy vừa giúp người dân tiết kiệm chi phí lại mang hiệu quả kinh tế cao, từng bước thoát nghèo.

Người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập.
Người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập.

Đồng hành cùng phát triển kinh tế

Mong muốn phát triển kinh tế gia đình theo hướng bền vững, anh A Viêu (35 tuổi, thôn Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, Kon Tum) mạnh dạn chuyển đổi 0,5ha đất trồng mì sang trồng 200 gốc na sầu riêng.

Năm 2021, khi trồng thử nghiệm giống na sầu riêng thời gian sinh trưởng kéo dài, cây chưa cho quả ngay. Sau khi nghiên cứu, học tập kỹ thuật, anh A Viêu nhập cành na sầu riêng đầu dòng và ghép lên hơn 200 gốc na của gia đình.

Trải qua một thời gian cây ghép sinh trưởng, phát triển tốt và ra hoa đậu quả. Năm 2023, gia đình anh thu bói hơn 9 tạ quả na sầu riêng với trọng lượng từ 1 - 1,5 kg/quả. Giá bán dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, na sầu riêng cho gia đình anh lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.

Còn ông Mai Viết Chung (48 tuổi, ở thôn Đăk Wớt Yốp, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) triển khai mô hình trồng cây ăn quả hữu cơ.

Năm 2016, ông Chung đã mạnh dạn chuyển đổi 5ha cao su sang trồng sầu riêng, bưởi da xanh và chôm chôm theo hướng hữu cơ. Vườn cây của gia đình ông không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ.

Để quả khi thu hoạch sạch và chất lượng nhất, ông thu gom cỏ ủ làm phân xanh cùng với phân chuồng hoai mục để bón cho cây trồng. Không những vậy, ông thường xuyên kiểm tra đất, nguồn nước tưới nhằm đảm bảo không bị ô nhiễm, tránh làm ảnh hưởng tới cây trồng và sức khỏe con người.

Với sự chăm chỉ làm ăn và chịu khó tìm tòi, học hỏi các kiến thức, kỹ thuật tiên tiến, vườn cây ăn trái của gia đình ông Chung sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại.

Mỗi năm vườn cây cho thu hoạch hàng tấn quả, mang lại thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Để người dân có hướng đi đúng đắn, phát triển kinh tế gia đình, ông Chung không ngại chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức bản thân trau dồi được qua nhiều năm để mọi người cùng nhau phát triển kinh tế.

Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm

Mô hình nuôi heo sọc dưa đem lại thu nhập cao cho bà con đồng bào DTTS. (Ảnh Mai Vàng).jpg
Heo được nuôi nhốt trong chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh.

Không chỉ có những mô hình cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, việc đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái cũng giúp đời sống mọi người đổi thay.

Ông A Pheo (57 tuổi, ở làng Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) chủ yếu chăn nuôi heo thả rông, hiệu quả kinh tế thấp.

Năm 2021, được chính quyền địa phương vận động, ông tiên phong nuôi heo sọc dưa có chuồng trại và trồng cỏ quanh vườn nhà làm thức ăn cho heo. Ban đầu từ 5 con heo sọc dưa mà xã hỗ trợ, đến nay ông đã phát triển đàn lên 50 con.

Đặc biệt với 5 con heo nái, mỗi năm sinh sản từ 2-3 lứa, mỗi lứa 6 - 7 con, chỉ sau khoảng 2 tháng ông có thể bán heo giống. Còn heo thịt nuôi từ 5 - 6 tháng, trọng lượng khoảng 20 - 30 kg/con, với giá từ 140.000 - 160.000 đồng/kg mang về thu nhập đáng kể cho gia đình. Chỉ riêng năm 2023, gia đình ông xuất bán 10 con heo giống và 25 con heo thịt, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Theo ông A Pheo, trước đây gia đình nuôi nhỏ lẻ theo hướng tự phát nên heo thường xuyên bị bệnh, còi cọc. Chính vì vậy, năng suất và chất lượng không đáng kể. Tuy nhiên, từ khi được chính quyền địa phương hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn heo phát triển tốt, ít bị dịch bệnh.

“Cũng nhờ các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ nên gia đình tôi có hướng đi đúng đắn. Nhờ vậy cuộc sống ổn định, đến nay gia đình đã thoát nghèo. Nếu những hộ dân khác có nhu cầu thay đổi mô hình sản xuất để phát triển kinh tế tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tận tình”, ông A Pheo nói.

Ông Phan Văn Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sa Thầy cho biết, từ năm 2021 đến nay, địa phương triển khai xây dựng 34 mô hình sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng, hộ dân đối ứng trên 1,6 tỷ đồng, nguồn khác và công tác xã hội hóa gần 3 tỷ đồng.

Hiệu quả từ các mô hình sản xuất nông nghiệp giúp tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm đáng kể. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Sa Thầy giảm còn 1.025 hộ (chiếm tỷ lệ 6,99% tổng số hộ toàn huyện), hộ cận nghèo là 698 hộ (chiếm tỷ lệ 4,76%). Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 51 triệu đồng/năm.

Ông Tiến cho hay, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt chú trọng thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn những giống cây, con vật có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất. Từ đó giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững, mang lại nguồn thu ổn định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ