Phát triển du lịch Kon Tum thành ngành kinh tế mũi nhọn

GD&TĐ - 6 tháng doanh thu về du lịch tại Kon Tum đạt hơn 427 tỷ đồng, địa phương định hướng phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Các đại biểu trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển, nâng cao chất lượng du lịch tại Kon Tum.
Các đại biểu trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển, nâng cao chất lượng du lịch tại Kon Tum.

Doanh thu 6 tháng trên 427 tỷ đồng

Chiều 8/7, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Kon Tum tổ chức Chương trình “Trao đổi, thảo luận bàn giải pháp kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn tỉnh Kon Tum nhân kỷ niệm 64 năm Ngày thành lập Ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960-9/7/2024)”.

Theo Sở VHTT&DL, toàn tỉnh có 213 cơ sở lưu trú du lịch với 3.083 phòng, trong đó có 3 khách sạn hạng 3 sao với 181 phòng; 13 khách sạn 2 sao với 381 phòng; 45 khách sạn 1 sao với 724 phòng; 23 khách sạn không đăng ký xếp hạng với 536 phòng và 129 nhà nghỉ, homestay với 1.261 phòng.

Tỉnh Kon Tum cũng có 6 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có 3 đơn vị lữ hành quốc tế và 3 đơn vị lữ hành nội địa.

Sở VHTT&DL Kon Tum cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành 13 Quyết định công nhận điểm du lịch cộng đồng và 1 Khu du lịch cấp tỉnh.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024 tổng lượng khách đến Kon Tum đạt trên 1,56 triệu lượt người, tổng doanh thu đạt hơn 427 tỷ đồng.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng

z5613674768055_cd7e1d1acb70a62b74e19d51654a8e2b.jpg
Bà Bạch Thị Mân, Phó Giám đốc VHTT&DL Kon Tum giải đáp thắc mắc, khó khăn của các đại biểu.

Tại chương trình, các đại biểu trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển, nâng cao chất lượng du lịch.

Bà Bạch Thị Mân, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Kon Tum ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Từ đó, đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phát huy những thuận lợi để đưa du lịch Kon Tum ngày càng phát triển. Những ý kiến vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo, đề xuất lên UBND tỉnh, Bộ VHTT&DL để tháo gỡ, đảm bảo môi trường kinh doanh, phát triển du lịch tốt nhất.

Theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Kon Tum, những năm qua, đơn vị chú trọng quản lý và phát huy bảo tồn các di sản, giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Để du lịch Kon Tum đến gần hơn với du khách gần xa, công tác xúc tiến quảng bá từng bước được đa dạng hóa, các loại hình ấn phẩm du lịch đa dạng, phong phú.

Việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch ngày càng được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của du khách, các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đồng thời tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ thông tin và hình ảnh du lịch của tỉnh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn khi chưa tổ chức xúc tiến, quảng bá sâu rộng hình ảnh, sản phẩm du lịch Kon Tum đến thị trường quốc tế; chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn khiêm tốn, tỷ lệ người lao động chưa qua đào tạo nghiệp vụ du lịch chiếm khoảng 65%; Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh ít và quy mô nhỏ, nên không thể tập hợp hoặc đón được lượng khách du lịch quốc tế lớn mỗi khi có sự kiện về du lịch…

Trước thực trạng trên, Sở VHTT&DL đề xuất, kiến nghị thúc đẩy quy hoạch đầu tư phát triển du lịch bài bản, dài hạn và quy mô lớn, các mô hình đầu tư có hệ sinh thái về du lịch.

Bên cạnh đó, phát triển du lịch gắn với thiên nhiên, văn hóa bản địa, mang đậm nét văn hóa bản địa và đồng bào dân tộc với mô hình những thị trấn nghỉ dưỡng đậm bản sắc Tây Nguyên.

Đồng thời, từng bước hoàn thiện về điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho hoạt động xúc tiến du lịch tại chỗ.

Đặc biệt, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng nhằm nâng cao ý thức cho người dân về bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh để phát triển du lịch Kon Tum trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ