Dân thả diều, máy bay dội ngược... né

Cần xây dựng ý thức, văn hóa an toàn hàng không cho hành khách để đảm bảo an toàn bay.

Dân thả diều, máy bay dội ngược... né

“Đối với ngành hàng không một vụ tai nạn cũng là quá nhiều. Một vụ tai nạn xảy ra đã là khủng khiếp, gây ra những hệ lụy vô cùng lớn nên trong lĩnh vực này không có khái niệm tăng hay giảm tỉ lệ tai nạn” - ông Nguyễn Phước Thắng (Cục Hàng không Việt Nam, CAAV) khẳng định khi trao đổi với Pháp Luật TPHCM tại buổi tọa đàm nâng cao văn hóa, an toàn hàng không do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức chiều 21-1.

Buồn là dọa có… bom

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thống kê trong năm 2014 xảy ra hơn 220 vụ gây mất an toàn bay như hút thuốc trên máy bay, tung tin có bom, mở cửa thoát hiểm, mang vật phẩm nguy hiểm… 

Ngoài ra, quanh khu vực các sân bay còn có nhiều người dân trồng cây trái phép, để gia súc, gia cầm vào sân bay khiến nhiều chuyến bay chậm trễ.

“Ngay cả con diều cũng đủ gây khó dễ cho máy bay. Có lần một máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng đã phải quay đầu vì gặp diều khiến sau đó năm chuyến bay khác cũng bị ảnh hưởng theo. 

Những hành động trên có thể xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của một số ít người, song đó thực sự là mối nguy nghiêm trọng đối với an toàn hàng không” - Đại diện ACV nhận xét.

Hành khách chờ chuyến bay tại nhà chờ sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: HTD

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, cho biết trong năm 2014 có sự dịch chuyển lớn hành khách từ đường bộ, đường sắt chuyển sang hàng không đối với các hành trình từ 500 km trở lên. 

Xu hướng này tiếp tục diễn ra đến năm 2020, tức số lượng hành khách lần đầu đi máy bay sẽ tăng. “Vì vậy, rất cần xây dựng ý thức, văn hóa an toàn hàng không cho hành khách. 

Phải lưu ý họ cẩn trọng trong phát ngôn, tránh làm những việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hàng không như mang những vật cấm, hút thuốc…” - ông Hùng yêu cầu.

Chất lượng bay trung bình

Ông Nguyễn Phước Thắng nhấn mạnh trong lĩnh vực hàng không thì không có lỗi nào là nhỏ. Chỉ cần một lỗi nhỏ là có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc. 

Đơn cử, một chút lơ đễnh của kiểm soát viên không lưu có thể dẫn ngay đến một vụ uy hiếp an toàn bay nghiêm trọng. Hay như vụ sập nguồn điện xảy ra ở sân bay Tân Sơn Nhất năm qua dù chưa dẫn đến tai nạn nhưng mang tính chất rất nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Đình Công - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, cũng nhìn nhận trong năm 2014 hàng không Việt Nam xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng. 

Trong 13 chỉ số an toàn liên quan đến quản lý bay đã có hai chỉ số vượt ngưỡng, đồng thời ở chỉ số “vi phạm an toàn” đã có tám sự cố (ngưỡng là 10), trong đó có nhiều sự cố liên quan trực tiếp đến điều kiểm soát viên không lưu. Đánh giá chung, chất lượng quản lý bay ở mức từ 2 đến 3 (trong thang điểm 5)” - Ông Công nói.

Hàng không vẫn là điểm sáng an toàn

Năm 2014, cả thế giới xảy ra tám vụ tai nạn máy bay thương mại, làm chết khoảng 880 người. Nhưng năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không là năm 1972 khi có 2.429 người chết. Năm an toàn nhất là năm 2013 khi có 235 người chết.

Thống kê năm 2014 cả thế giới có 3,3 tỉ lượt khách đi máy bay, tức bình quân có một người chết vì tai nạn trên 3,76 triệu lượt khách, thấp hơn bất kỳ loại hình giao thông nào khác.

Tai nạn hàng không thương mại gây chết người lần cuối ở Việt Nam xảy ra vào ngày 3/9/1997 với chiếc máy bay TU-134, chuyến bay TPHCM - Phnom Penh (Campuchia). Tất cả vụ tai nạn hàng không thương mại gây chết người ở Việt Nam trước đây đều là máy bay do Liên Xô (cũ) sản xuất.

Năm 2014, Việt Nam có 8.996 người chết do tai nạn giao thông. Trong khi với hành không, dù có một số sự cố uy hiếp an toàn nhưng trong 17 năm qua Việt Nam vẫn là điểm sáng về an toàn hàng không ở khu vực và trên thế giới. Còn chất lượng dịch vụ hàng không Việt Nam hiện ở hạng ba sao trong khi các nước lân cận là bốn, năm sao.

TS LƯƠNG HOÀI NAM

Trộm rình rập trên máy bay

Theo ông Phạm Chí Cường - Trưởng ban An ninh An toàn của hãng hàng không Việt Nam Airlines, xu hướng hành khách dùng giấy tờ giả đi máy bay gia tăng. 

Đặc biệt gần đây xuất hiện các nhóm tội phạm được tổ chức chặt chẽ để thực hiện các phi vụ trộm cắp (năm 2013 có 13 vụ nhưng năm 2014 tăng thành 20 vụ). Đã có hành khách người Nhật mất gần 50.000 USD.

Qua theo dõi của hãng, có một nhóm từ 15 đến 20 người Trung Quốc được tổ chức chặt chẽ, đã chọn sẵn “con mồi” từ lúc xếp hàng làm thủ tục lên máy bay. 

Sau khi chôm được đồ, bọn chúng vào toilet và ra hiệu cho đồng bọn vào theo để tẩu tán. Hãng đã rất vất vả theo dõi và bắt quả tang được nhiều trường hợp.

Theo plo.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ